Anh (chị) có suy nghĩ gì về hình tượng dòng sông trong tập trường ca Mặt đường khát vọng?

Đề bài:

Bình giảng đoạn thơ sau đây trong đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà về đến Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi...

( Văn học 12, tập một, Nxb. Giáo dục, 2000, tr.250 - 251)

Anh (chị) có suy nghĩ gì về hình tượng dòng sông trong tập trường ca Mặt đường khát vọng?

Gợi ý làm bài

- Hình tượng trung tâm của bản trường ca Mặt đường khát vọng là đất nước. Nhưng trong một bản trường ca, hình tượng ấy không tồn tại độc lập mà được bổ sung, thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Dòng sông là một dạng thức của hình tượng đất nước. Vì thế, để hiểu về dòng sông trong tác phẩm này không thể tách rời với hình tượng đất nước, với cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ về đất nước và ngược lại, để hiểu về đất nước, không thể không dựa trên cơ sở của nhiều hình tượng khác, mà dòng sông là hình tượng tiêu biểu.

- Bên cạnh việc bình giảng đoạn thơ đã nêu trong đề bài, cần chú ý nhiều đoạn thơ, câu thơ khác viết về dòng sông trong cả tập trường ca. Hình tượng dòng sông xuất hiện ở khắp các khúc (chương) của tập trường ca. Mỗi lần xuât hiện, dòng sông mang một gương mặt, ý nghĩa khác nhau:

- Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang màu mực tím

Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông...

- Trăm năm rồi ta đến trước sông Hương

Vẫn soi thấy niềm đau và nỗi giận

Khuôn mặt trẻ bỗng già trên lớp sóng

Ngẩng đầu lên, ta thấy mặt quân thù.

(Lời chào)

Trăm năm rồi ta đến trước sông Hương

- Buổi sáng ấy

Ta không quên

Hình dáng những chiếc tàu há mồm ngoạm vào thành phố (...)

Trườn trên bờ sông

Gai góc đầy mình những súng và đạn (...)

Ta quay nhìn. Sông đã hóa mênh mông

Từ trầm tư, sông sóng vỗ trùng trùng

Nối lịch sử những bờ không giới hạn

Những cam kết hôm nay với trăm đấng anh hùng...

(Báo động)

- Khi tên lính Pháp cuối cùng đi đến trước dòng sông

Vươn qua thành cầu soi mặt mình dưới nước

Nó bỗng nhổ nước bọt vào nơi nó vừa ngắm được

Khuôn mặt chủ nghĩa thực dân cũ tan rồi trên sông nước quê ta

(Giặc Mỹ)

- Sông Hương ơi sông Hương

Ngươi còn nguồn với bể

Để đi và để đến

Còn ta hăm lăm tuổi

Trôi cạn trên mặt đường...

(Tuổi trẻ không yên)

- Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm (...)

Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy,

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

- Những địa danh trôi từ thuở xa xôi

Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt

Đã đọng lại thành tên người, tên đất

Bao năm rồi suốt mặt phá, triền sông (...)

- Đêm nay ta lên hết mặt sông Hồng!

Nước đánh dộng dưới chân ta rồi

Đất Nước

Đang gọi ta từng hồi trống thúc (...)

Ôi những gốc tre tổ tiên ta từng thấy vẫn còn nguyên trên bờ bãi sông Hồng (...)

Nên hôm nay chúng ta

Phải lên hết đê sông Hồng mà giữ lấy!

... Phải được vai dựa vào vai, đùi gối lên đùi

Đẩy đê sông Hồng tiến lên phía trước...

Mẹ Việt Nam ơi!

Đêm nay con về gối đầu trên cánh tay của mẹ

Ôi cánh tay rắn rỏi, dịu hiền

Lấm láp bùn lầy nhưng ấm áp niềm tin

Đó là hai cánh đê sông Hồng của Mẹ...

- Không bao giờ xương máu phải bơ vơ

Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất

 

Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt

Nguyện làm người xung kích của quê hương

(Đất Nước)

Sông Hồng

- Đạp lên đầu thù! Hành quân, hành quân...

Sông núi cài lá ngụy trang xanh

Bán đảo uốn mình thành trận lốc

Ta lên cao điểm, tràn cao ốc!

(Báo bão)

- Tham khảo ý kiến của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về hình tượng dòng sông trong tác phẩm:

Nhìn trong nghĩa vật chất, những dòng sông là một đặc điểm địa lý riêng của nước ta. Nước Việt có rất nhiều sông. Mỗi con sông chảy qua một vùng châu thổ bao giờ cũng kiến tạo nên cùng với nó một bản sắc văn hóa góp phần làm đa dạng thêm văn hóa nước Việt. Điều này rất dễ hiểu, vì khi làm nông nghiệp, số phận nhân dân đã gắn chặt với số phận dòng sông. Vậy thì văn hóa ắt phải mang gương mặt dòng sông. Ca dao dân ca của ta mang hình ảnh sông rất đậm. Sông đi vào tâm hồn nhân dân, là biểu tượng của nước Việt, như là trống đồng. Hơn nữa từ lâu, dòng sông trong ý thức nhân dân mang ý nghĩa của sự sống, của tình thương yêu, của khát vọng.

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi là cách diễn đạt hình tượng của thơ ca. Dân tộc chúng ta có một sức sống đặc biệt, tất cả các tập tục, lối sống khác khi du nhập vào Việt Nam đều được Việt hóa. Cùng với sự đa dạng của các dòng chảy văn hóa trên một Đất nước, nó làm cho nền văn hóa của ta trở nên vô cùng phong phú, nhiều hình thái, nó vừa ổn định, vừa biến thiên, là “trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”. Mỗi người Việt yêu nước đều có bổn phận, trách nhiệm gìn giữ sự phong phú, giàu có đó của văn hóa dân tộc. Thơ tôi viết trong hoàn cảnh chiến tranh, cũng để nhằm đánh thức bổn phận đó trong thanh niên đô thị miền Nam.

(Tác giả nói về tác phẩm,

Nxb. Trẻ, 2000, tr.270 - 271)

Viết bình luận