Bác Hồ dạy chúng ta: "Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ". Em hiểu lời dạy trên đây của Bác như thế nào?

Bác Hồ là vị cha già của dân tộc. Người luôn quan tâm chăm sóc đến mọi tầng lớp nhân dân. Đối với thanh thiếu niên chúng ta, Bác ân cần chỉ bảo, dìu dắt với thái độ bao dung trìu mến, nâng đỡ - Bác dạy từ điều lớn như hướng dẫn con đường phấn đấu cho lí tưởng cao đẹp, Bác lại dạy từ điều nhỏ như cách cư xử hàng ngày. Do đó, tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân ngày 19.5.1955, Bác đã dạy:“Điều gì phải cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”

Chúng ta hiểu lời dạy trên như thế nào và thực hiện lời dạy quý báu đó ra sao?

Đối với điều phải, dù nhỏ, chúng ta phải cố làm cho kì được

Điều phải là gì? Điều phải là những điều đúng, điều tốt, đúng với lẽ phải, đúng với quy luật, tốt đối với xã hội, đối với mọi người, đối với Tổ quốc, dân tộc. Có những điều phải lớn lao, to tát như hi sinh, xả thân vì nghĩa lớn, vì lí tưởng. Lại có những điều phải nhỏ nhặt, nhiều khi rất tầm thường mà ít khi ta chú ý đến những việc xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày của con người, đó là những việc hợp với lẽ phải, làm vừa lòng những người quanh ta. Ví dụ như việc không xả rác, không khạc nhổ bừa bãi, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

Điều trái là gì? Điều trái là những điều sai, điều xấu, sai với chân lí, xấu cho mọi người, làm hại người khác. Có những điều sai trái rất lớn, rất trầm trọng như phản lại quyền lợi dân tộc, làm hại đến cuộc sống của quần chúng nhân dân. Nhưng cũng có những điều trái nhỏ thôi, thường ta ít chú ý, thậm chí còn coi thường. Trong đời sống, có những việc không đúng, làm tổn thương dù rất nhỏ đến người khác. Ví dụ như việc ta nói chuyện trong giờ học, rõ ràng là không lớn lắm, nhưng trái với nội quy nhà trường, không đúng tác phong của người học sinh, làm ảnh hưởng đến trật tự chung, ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn.

Bác Hồ đã dạy rất rõ: Đối với điều phải, dù nhỏ, chúng ta phải cố làm cho kì được”, tức là chúng ta phải đem hết sức lực mà hoàn thành và hoàn thành bằng được, tuyệt đối không được có thái độ coi thường những việc phải nhỏ nhặt. Bác Hồ cũng bảo chúng ta: đối với điều trái, dù nhỏ, chúng ta phải hết sức tránh”, tức là đừng làm và tuyệt đối không được làm.

Vậy thì tại sao đối với điều phải, ta phải cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ? Vì rõ ràng, đã là việc phải thì đều đáng làm, nên làm, cần phải làm. Thường thi người ta đánh giá việc làm phải của mỗi người là ở tinh thần và mục đích của việc làm chứ không chỉ ở kết quả của việc đó. Hơn nữa, nhiều việc nhỏ nhặt, tầm thường góp lại sẽ thành việc lớn, việc lớn không phải lúc nào cũng có dịp để ta làm, và không phải ai cũng có khả năng làm được, còn việc nhỏ thì lại thường xuyên có mặt trong đời sống và ai ai cũng làm được. Khi Bác Hồ dạy:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,

Tuỳ theo sức của minh.

Thì chính là Bác thấy được khả năng đóng góp của lứa tuổi nhỏ và nghĩ rằng nhiều người làm việc nhỏ sẽ tạo nên một kết quả lớn lao không lường được. Trên tinh thần giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai ở Miền Trung, mỗi em nhịn một phần ăn sáng cũng góp phần tạo nên một món quà có giá trị để gửi đến các nạn nhân nhằm chia sẻ phần nào thiếu may mắn đó. Đạo đức chân chính của chúng ta là mỗi người vì mọi người; vì vậy mỗi người cố gắng làm điều tốt cho người khác mà không đòi đền đáp lại.

Đối với điều trái, dù nhỏ, chúng ta phải hết sức tránh

Thế tại sao đối với điều trái ta phải hết sức tránh, dù là điều trái nhỏ? Đã là điều trái thì là đều có hại, hại cho người khác và hại chính bản thân mình. Đạo đức cách mạng cũng như những phép tắc luân lý thông thường không dung thứ cho ta khi ta cố ý nhúng tay vào điều trái, dù nhỏ. Những điều trái nhỏ tích lũy lại sẽ trở thành điều trái lớn. Làm điều trái hàng ngày lâu dần ta sẽ đi tới thói quen làm điều xấu. Thói quen xấu là nguy hiểm và rất khó sửa. Đến lúc làm việc trái trở thành một thói quen thì lúc đó ta đã bắt đầu xa rời con người, mất dần nhân tính. Một học sinh không kiềm chế được một lần quay cóp bài thì sau đó sẽ tiếp tục vi phạm rồi dần dần trở thành một học sinh gian dối trong học tập. Lớn lên người học sinh đó sẽ dễ dàng trở thành một người xấu. Nếu không tránh được điều trái, dù nhỏ tức là vi phạm đạo đức dần dần sẽ tự mình tách ra khỏi đời sống xã hội.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, chúng ta phải suy nghĩ và hành động như thế nào để làm theo lời dạy đó?

Trước hết chúng ta phải từ bỏ thói xem thường việc nhỏ nhặt, dù là việc phải lẫn việc trái đó là cái tật thường có ở lứa tuổi ở chúng ta. Chúng ta phải thận trọng trong cách ứng xử, trong việc làm hàng ngày. Phải kiểm soát cách nghĩ, cách làm và hàng ngày tập làm những việc tốt và từ bỏ thói quen xấu dù là điều xấu nhỏ.

Lời dạy của Bác thật vô cùng quý báu và sâu sắc. Qua lời dạy đó, chúng ta thấy Bác đã quan tâm đến thanh thiếu niên biết dường nào! Để làm được nhiều điều tốt, tránh những điều xấu, chúng ta phải cố gắng phấn đấu khắc phục bản thân để luôn luôn xứng đáng là cháu ngoan của Bác.

Viết bình luận