Bằng một bài văn ngắn, anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về cuộc vận động nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong học tập là một ví dụ điển hình. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta đã vận động trong ngành giáo dục hãy nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Bệnh thành tích

Tiêu cực là những biểu hiện không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. Thành tích là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt được thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng, bệnh thành tích lại là kết quả của sự nỗ lực giả dối, ngụy tạo. Sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực và bệnh thành tích thì cần phải lên án và xóa bỏ.

Căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử ngày nay càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, và đặc biệt là trong ngành giáo dục, vì muốn đạt chỉ tiêu đề ra của Bộ, giáo viên muốn hoàn thành tốt thi đua của nhà trường nên đã bỏ đi đạo đức nghề nghiệp mà cho điểm ảo. Phụ huynh vì muốn con em mình là học sinh giỏi, học sinh thì lại muốn lên lớp, có danh hiệu mà không cần phải tốn sức học bài,.... Vì những lí do đó mà ngày nay mới có hiện tượng chạy theo thành tích mà không cần quan tâm đến chất lượng. Đối với các vị phụ huynh, chắc chắn rằng ai chẳng ai muốn con mình học kém hay học mà không có chất lượng. Họ là những người đã bỏ tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hi vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được học hành cẩn thận, đầy đủ. Vì thế, chẳng có lí do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất mà chúng ta đã được biết qua báo chí, để con em họ qua được một kì thi, có một tấm bằng để tìm việc sau này. Có bằng đã vì đây là tấm bằng được xã hội thừa nhận, rồi sau này khi có điều kiện sẽ cố mà học tiếp một cách chân thực. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh và học sinh chính là những người đã tiếp tay để cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng và nặng nề hơn.

Tiêu cực trong thi

Đầu năm 2006, tại trường THCS Trần Phú, huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã phát hiện 26 học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo nhưng vẫn cứ được lên lớp. Trong những kì thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng, hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vứt trắng sân trường sau buổi thi đã từng được báo chí đề cập tới. Khi biết những thông tin này, bản thân chúng ta sẽ có những suy nghĩ gì ? Cả một thế hệ, cả một tương lai của đất nước nay phải để những con người như thế gánh vác thì còn gì là kinh khủng hơn. Nếu những con người giữ chức vụ cao trong xã hội là những người hữu danh vô thực thì đó là những hạt sạn của xã hội, là nguyên nhân kéo nước ta chậm lại trên con đường phát triển.

Chúng ta đều hiểu rằng, một xã hội muốn phát triển thì cần có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có năng lực thật sự, là nguyên khí của quốc gia. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục thực sự tốt sẽ tạo .nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích ấy sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển. Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến sẽ rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên chiến trường hay võ đài. ở đó, một võ sĩ chỉ có thể thắng đối thủ bằng tài năng thực sự của chính mình. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực sự học hay không.

Chúng ta cần phải học tập thật tốt, ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức để sau này có thế giúp ích cho xã hội và cho bản thân, cần phải đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Đó không phải là việc làm quá khó nếu chúng ta thật sự quyết tâm và mỗi người hãy nên trung thực trong mọi công việc cũng như trong thi cử.

Viết bình luận