Bình giảng đoạn thơ sau đây trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu... Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

Đề bài:

Bình giảng đoạn thơ sau đây trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

(Văn học 12, tập một, Nxb. Giáo dục, 2000, tr.249 - 250)

Bài làm

Mở bài

Đất Nước là chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra rất quyết liệt. Ở bài thơ Đất Nước, nhà thơ tập trung thể hiện những cảm nhận sâu sắc của mình về đất nước, nhân dân và dân tộc, qua đó, nêu bật lên trách nhiệm lớn lao của thế trẻ Việt Nam trước cuộc thử thách mất còn của Tổ quôc.

Đoạn trích: Những người vợ nhớ chồng... Những cuộc đời đã hóa núi sông ta trong bài thơ được tác giả dành để thể hiện cụ thể, hình tượng về sự “hóa thân” của nhân dân cho đất nước muôn đời.

Thân bài

1. 8 dòng thơ đầu:

Đoạn thơ có 12 dòng, nhưng nhà thơ đã dành đến 8 dòng để nêu lên các danh lam, thắng cảnh, những di tích lịch sử, văn hóa của đất nước:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa Thảnh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng dất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ồng Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Sự tích núi Vọng Phu

Những địa danh ấy có khi là sản phẩm của thế giới cổ tích (núi Vọng Phu, hòn Trống Mái), có khi là truyền thuyết (đất Tố Hùng Vương), cũng có khi là những danh thắng (núi Bút, non Nghiên, vịnh Hạ Long)... Nhưng điều quan trọng hơn là cùng với các di tích, danh thắng ấy là sự “dẫn dắt”, bình phẩm của nhà thơ (chủ thể trữ tình).

Núi Vọng Phu: Sự tích núi Vọng Phu trong câu chuyện cổ xưa nói về nỗi đau thương của người phụ nữ có chồng ra chiến trường. Trên đất nước mà các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm phải liên tục diễn ra, thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ, thật đau đớn. Núi Vọng Phu còn đấy như một chứng nhân cho những tội ác của chiến tranh. Song, ở đây, nhà thơ không khai thác khía cạnh ấy trong chủ đề câu chuyện. Cũng không khai thác mối tình éo le của hai anh em ruột thịt. Tác giả chú ý tới chủ đề ở bình diện thứ hai, thường lẩn khuất hơn. Đó là tấm lòng thuỷ chung, sự trung trinh của người vợ. Phẩm chất ấy cũng là một nét đặc trưng của truyền thống đạo lý Việt Nam.

Tương tự, nhà thơ “giải thích”: hòn Trống Mái còn lại cho đến ngày nay là do cặp vợ chồng yêu nhau mà thành; những ao đầm vùng Hà Bắc là do những gót chân con ngựa đức Thánh Gióng để lại. Rồi những núi Bút, non Nghiên là công tích của những anh học trò nghèo. Những địa danh Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm là tên của những người dân nào đó, những người không phải anh hùng hữu danh. Cái hay của từ nào là chỗ vừa chỉ những người mà bây giờ người ta không thật biết rõ, vừa có ý nói rằng, có biết bao con người như thế...

Như vậy, theo giải thích của nhà thơ, tất cả những di tích, danh lam, thắng cảnh trên đất nước ta đâu đâu cũng do con người, thậm chí tạo vật dựng nên, không có cái gì là bỗng dưng mà có. Người anh hùng gìn giữ sự vẹn toàn của non sông. Người dân lao động bình thường tạo nên làng xã, xóm giềng. Người học trò tạo nên các giá trị văn hóa. Tình nghĩa con người tạo nên truyền thống tinh thần tốt đẹp... Và ngay cả những vật vô tri vô giác, những hòn đá, dòng sông cũng đều góp phần tạo dựng nên đất nước.

2. 4 câu cuối:

Từ sự dẫn dắt cụ thể đó, nhà thơ khái quát thành một tư tưởng:

Và ở đâu trển khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

Hòn gà trọi - Vịnh Hạ Long

Đằng sau những cái người đời nhìn thấy được (sông, núi, thắng cảnh, di tích...) là cả một quan trình lao động dựng xây, những cuộc chiến đấu ngoan cường chống giặc ngoại xâm. Người xưa không còn, nhưng dáng hình, ao ước, lối sống thì còn mãi mãi, khắp mọi nơi trên đất nước. Nhà thơ gọi đó là sự hoá thân: Những cuộc đời đã hóa núi sông ta... Đúng, đất nước tồn tại, có được không chỉ ở những giá trị vật chất có thể nhìn thấy. Đất nước còn là những giá trị tinh thần, những giá trị văn hóa vô cùng quý giá.

3. Bây giờ, nhìn tổng thể của cả đoạn thơ, chúng ta còn thấy những gì đáng nói?

So với các khổ thơ khác, khổ thơ này gồm hầu hết các dòng thơ có khá nhiều âm tiết (chỉ có 1 dòng 8 âm tiết và 1 dòng 9 âm tiết). Có dòng đến 15 âm tiết, được câu trúc giống nhau như một câu văn xuôi có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Phải chăng các dòng thơ dài, nhiều âm tiết, cùng với những địa danh, di tích, thắng cảnh được kể ra đã tạo nên cảm giác về sự giàu có bất tận của Tổ quốc Việt Nam mà dù có kể nữa cũng không bao giờ hết? Vì thế, nối với những câu thơ cuối cùng là liên từ và (Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi), tức những sự tích ấy thật phong phú.

Tạo nòng cốt cho phần vị ngữ của 8 câu thơ liên tiếp ở khổ đầu là động từ góp. Trong tiếng Việt, góp có nghĩa là bỏ phần mình vào làm việc gì chung. Đó là một từ bình thường, không có gì là văn chương, nhưng lại hàm chứa được tư tưởng của tác giả. Đất nước chúng ta được tạo dựng bởi công sức của biết bao người, của tất cả nhân dân hàng nghìn đời qua. Tương tự, trong khổ thơ còn nhiều từ rất đỗi bình thường, nhưng đắc dụng khi đi vào thơ như: nghèo (học trò nghèo), khắp, đâu (đi đâu, ở đâu)... Không cứ bậc làm quan, công thành danh toại, anh học trò nghèo, tức một người dân bình thường, cũng góp phần tạo nên đất nước. Và, nơi nơi, bất cứ chỗ nào, bất kỳ thời nào cũng thấy Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.

Một điều hết sức đặc biệt ở khổ thơ trên là sự phân bố những địa danh được tác giả nêu ra: miền Bắc (đất Tổ Hùng Vương), miền Nam (Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm), miền Trung (hòn Trống Mái), miền ngược (núi Vọng Phu), miền xuôi (núi Bút, non Nghiên) và cả miền biển (vịnh Hạ Long). Sự phân bố ấy không hề ngẫu nhiên mà hàm chứa quan niệm của nhà thơ về một đất nước vẹn tròn, thống nhất. Đất nước chúng ta là núi sông liền một dải, là những giá trị thiêng liêng không thể chia cắt và không ai được quyền chia cắt. Đây cũng chính là điều nhà thơ muốn gửi gắm đến tầng lớp thanh niên đô thị miền Nam thời bấy giờ, vừa để nhắn nhủ, vừa để thức tỉnh họ, đúng như tác giả sau này có dịp giãi bày:

Ở đoạn thơ này, tôi muốn nhấn mạnh Đất Nước chính là thành quả của lao động, của chiến đấu, của mồ hôi nước mắt và khát vọng của nhiều thế hệ nhân dân trong nhiều ngàn năm. Mỗi người một chút gì đó, tất cả nhân dân đã cùng làm nên non sông gấm vóc hôm nay. Nhưng ở đây tôi cũng muốn nhắc nhở tới một nước Việt Nam thống nhất, không bị chia cắt. Sự thống nhất ấy không phải chỉ mới đâu đây mà đã có từ ngàn xưa, từ thuở vua Hùng dựng nước. Ở nơi nào, ở vùng nào, dù là người Kinh hay người dân tộc ít người, ở đâu mang lối sống Việt thì ở đó thuộc về Đất NƯỚC, về dân tộc Việt Nam. Ánh sáng văn hóa người Việt đã chảy thiêng liêng trên các cổ thư, trong cung cách lao động trên cánh đồng, trong cả trò chơi của con trẻ. Muôn ngàn đời cha ông đã đổ mồ hôi để có một Đất Nước vẹn toàn, vậy không có có gì để chia cắt Đất Nước. Và để giành lấy Đất Nước vẹn nguyên mà mình đáng được thừa hưởng, thế hệ trẻ chỉ có một con đường là đứng lên tranh đấu. Đó là con đường của chúng tôi.

(Tác giả nói về tác phẩm,

Nxb. Trẻ, 2000, tr.270 - 271)

Kết luận

Đoạn thơ trên là lời kể trong nguồn cảm xúc triền miên như không bao giờ dứt về đất nước, một đất nước vẹn nguyên của những giá trị thiêng liêng mà hàng nghìn đời qua cha ông chúng ta đã dày công vun đắp và dũng cảm gìn giữ. Khúc ca ấy đã từng cất lên sung sướng lẫn nghẹn ngào trong những ngày đất nước ta còn trong khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt. Vì thế, trong cuộc sống hoà bình hôm nay, tiếng hát ấy lại càng phải được ngân lên trong lòng những người đang sống, nhất là thế hệ trẻ.

Viết bình luận