Bình giảng đoạn thơ sau đây trong phần đầu bài “Việt Bắc” của Tố Hữu: "Mình về mình có nhớ ta...Tân Trào, Hổng Thái, mái đình, cây đa"

“Việt Bắc” là bài thơ lục bát dài 150 câu thơ của Tố Hữu được sáng tác vào tháng 10 năm 1954, ngày Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng.

“Việt Bắc” là bản hùng ca và tình ca của cách mạng và kháng chiến. Đoạn thơ sau đây dài 20 câu thơ nằm trong phần đầu bài “Việt Bắc”:

- Mình về mình có nhớ ta

…………………..

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa

Đoạn thơ ghi lại tình cảm của ta khi đưa tiễn mình: mình đi…mình về…Có thể hiểu ta là cô gái Việt Bắc, là đồng bào các dân tộc Việt Bắc; mình là người cán bộ kháng chiến, là anh bộ đội Cụ Hồ. Chữ ta được vây bọc, được quấn quýt trong vòng tay yêu thương của mười hai chữ mình.

Bốn câu thơ mở bài cất lên nghe thật tha thiết bồi hồi; cảm xúc được nén lại trong lòng bỗng ùa dậy và trào lên. Ta hỏi mình, hay ta đang hỏi lòng ta trong buổi phân li ấy:

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Minh về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tinh nghĩa giữa ta với mình không phải là ngày một ngày hai mà đã giao hoà gắn kết “thiết tha, mặn nồng” trong suốt mười lăm nãm trời, kể từ ngày khởi nghĩa Bắc Sơn (1940) đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (tháng 10-1954). Cây, núi, sông, nguồn Việt Bắc “mình có nhớ không? Câu hỏi tu từ mở ra một trời thương nhớ.

Tố Hữu đã học tập và vận dụng sáng tạo ca dao dân ca, gợi nhớ trong lòng người đọc hai tiếng mình, ta trong những bài hát giao duyên của trai gái làng quê thuở nào: “Mình về có nhớ ta chăng - Ta về ta nhớ hàm mình răng cười”. Chất trữ tình đắm thắm ấy đã tạo nên một nét đẹp trong đoạn thơ, cũng như cả bài thơ.

Bốn câu thơ tiếp theo gợi tả không gian, thời gian và tâm trạng nghệ thuật của người ra đi, của kẻ ở lại. Tiếng hát tha thiết của ai cất lên bên cồn, nơi mé rừng, nơi bờ suối? Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” làm nổi bật đối tượng đưa tiễn và màu sắc Việt Bắc. “Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi…Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” gợi lên nhiều thương nhớ rưng rưng. Các từ láy: “tha thiết, bang khuâng, bồn chồn” là tâm trạng của mình,của ta:

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Mười hai câu thơ tiếp theo, các cặp từ ngữ:  “mình đi” và “mình về” được giao hoán, luân phiên đến ba lần đầy ấn tượng. Điệp ngữ “có nhớ” được láy lại đến năm lần, chốt lại ở các câu lục, tạo nên cảm xúc bâng khuâng, bồn chồn, tha thiết:

Mình đi ,có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai

Những gian khổ, thiếu thốn, khó khăn khi cách mạng còn trứng nước, những ngày Bác Hồ mới về nước “nhóm lửa” tại Pắc Bó, Cao Bằng. “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù ”nơi chiến khu giữa vòng vây của giặc Pháp, giặc Nhật đã trở thành kỉ niệm sâu sắc trong lòng kẻ ở người về. “Miếng cơm chấm muối” thuở ấy đã làm cho tình đồng chí, tình đồng đội, tình quân dân thêm sắt son bển chặt, đã soi sáng lí tưởng chiến đấu cứu nước, cứu nhà, đã làm cho mối thù đế quốc thêm khắc sâu vào xương tủy:

Mày sẽ chết! Thẳng giặc Pháp hung tàn

Băm xương thịt mày, tao mới hả.

(Dọn về làng- Nông Quốc Chấn)

Mình về xuôi, mình đi xa để lại bao nhớ thương cho cho người ở lại, cho cảnh vật cỏ cây, núi rừng chiến khu. Rừng núi, trám bùi, măng mai được nhân hoá, mang theo bao nỗi nhớ, bao nổi buồn thương. Cảnh vật như hoà lệ, Các chữ chữ “già ”gợi lên nhiều bơ vơ, man mác, bâng khuâng:

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Quả trám

Làm sao có thể quên được nghĩa tình Việt Bắc trong những tháng ngày gian lao và anh dũng ấy:

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đã lòng son

Tố Hữu đã sáng tạo nên những hình ảnh tượng trưng, tương phản (lau xám / lòng son) để ca ngợi đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng tình yêu nước, tình cách mạng vẫn thuỷ chung son sắt, vẫn đậm đà. Đây là những vần thơ đẹp nhất, cảm động nhất nói về nỗi nhớ, lòng biết ơn và lòng tự hào đối với Việt Bắc.

Việt Bắc là “đầu nguồn ”, là “cái nôi “của cách mạng và kháng chiến, là căn cứ địa của Việt Minh thời kháng Nhật, là Tân Trào, nơi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ xuất kích (tháng 12-1944), là mái đình Hồng Thái, nơi họp Quốc dân đại hội (tháng 8-1945). Việt Bắc là chiến khu bất khả xâm phạm, là thủ đô gió ngàn: “Núi giăng thành luỹ sắt dày - Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nên bao giờ có thể quên:

Mình về, có nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.

Những địa danh lịch sử, núi non, mái đình, cây đa... đã trở thành kỉ niệm sâu sắc trong lòng kẻ ở, người về đối với Việt Bắc:

Mười lăm năm ấy ai quên

Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa

Một nét đặc sắc của đoạn thơ là tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật đối xứng rất tài tình. Các câu bát được tạo thành hai vế đối nhau (tiểu đối) làm cho ngôn ngữ thơ hài hoà, mang vẻ đẹp cổ điển:

Nhìn cây nhớ núi,// nhìn sông nhớ nguồn?

Bâng khuâng trong dạ, // bồn chồn bước đi

Mưa nguồn suối lũ,// những mây cùng mù

Miếng cơm chấm muối,// mối thù nặng vai

Trám bùi để rụng,// măng mai để già

Hắt hiu lau xám, // đậm đà lòng son

Nhớ khi kháng Nhật, // thuở còn Việt Minh

Tân Trào, Hồng Thái, // mái đình, cây đa.

Đoạn thơ trên đây cũng như cả bài thơ, có trường hợp chữ mình xuất hiện đến ba lần trong một câu thơ. Thật không dễ phân biệt rạch ròi chủ thể trữ tình trong ba chữ mình đó. Phải chàng mình cũng là ta, ta cũng là mình, hai tâm hồn đã nương tựa vào nhau:

-  Mình đi, mình có nhớ mình

- Mình đi, mình lại nhớ mình

“Việt Bắc " là đỉnh cao của thơ Tố Hữu, cũng là thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến. Đoạn thơ trên đây tiêu biểu cho vẻ đẹp đặc sắc đó.

Ngôn ngữ thơ vừa thấm đẫm chất trữ tình ca dao dân ca, vừa mang vẻ đẹp của thi ca cổ điển dân tộc. Tinh nghĩa thuỷ chung của ta với mình, lòng biết ơn, niềm tự hào đối với chiến khu Việt Bắc và đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã tạo nên tính nhân dân sâu sắc của bài thơ.

Sau hơn nửa thế kỉ, đọc “Việt Bắc ”của Tố Hữu, ta càng xúc động, bồi hồi về điệp ngữ “có nhớ”. “Việt Bắc” là bài ca tinh nghĩa thủy chung. Bài ca ấy, bài học ấy cho tuổi trẻ chúng ta thời đổi mới ngày nay niềm tin yêu và sức mạnh để bước vào đời và biết sống đẹp.

Viết bình luận