Bình giảng khổ thơ sau trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, Những phố dài xao xác hơi may, Người ra đi đầu không ngoảnh lại, Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

YÊU CẦU

Bình giảng khổ thơ làm rõ vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội trong mắt nhìn của hoài niệm nhà thơ: cảnh sắc thu vừa rất chung lại rất riêng cho Hà Nội. Mùa thu buồn nhưng đẹp, và tinh người ra đi chiến đấu cũng rất đẹp trong tư thế quyết tâm, trong nỗi lòng lưu luyến nhớ nhung đất ngàn năm văn vật Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Khổ thơ còn đẹp ở cách diễn tả tinh tế, hình ảnh chắt lọc gợi cảm. Ba vẻ đẹp của cảnh thu, tình người, nghệ thuật thơ phải được bật nổi khi bình giảng khổ thơ.

BÀI LÀM

Người Hà Nội, và cả những ai không phải người Hà Nội nhưng biết và yêu Hà Nội, phải cám ơn Nguyễn Đình Thi vì trong bài thơ Đất nước viết thời kháng chiến chống Pháp, ông đã dành riêng cho Hà Nội một khổ thơ đầy cảm xúc và ấn tượng sau đây:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Đây là Hà Nội trong mắt nhìn của hoài niệm. Vì là hoài niệm nên chỉ có những gì là đọng nhất, sâu nhất. Hà Nội mùa thu, có biết bao điều đáng nói. Nhưng nói gì đây để vẫn rất chung mà lại rất riêng cho Hà Nội? Nói gì đây để vẫn là Hà Nội của mọi người vẫn của riêng mình, cho ai cũng nhận ra nhưng lại vẫn không phải là những điều mà trước mình người ta đã nói? Và, Nguyễn Đình Thi đã chọn:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may.

Một từ "chớm" đứng trước từ "lạnh" thật gợi rất đúng một ngày thu Hà Nội. "Chớm lạnh" là mới bắt đầu trở lạnh, là đã lạnh nhưng chưa phải thật sự lạnh, là cái lạnh tuy đã đến nhưng còn e ấp, sẽ sàng, chỉ như một báo hiệu ban đầu của thiên nhiên: mùa thu rồi đó. Đó là cái lạnh không phải thuộc loại "dao hàn cắt da" như một khổ ải đọa đày, mà là một loại ân sủng của thiên nhiên ban cho con người, đặc biệt là cho người nghệ sĩ. Trách chi mà trong thơ Việt Nam có nhiều thơ về mùa thu đến thế! Cái chớm lạnh ấy thật hoàn toàn ngang giá với "một lá ngô đồng rụng" mà các nhà thơ Trung Quốc xưa vẫn rất tâm đắc:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

(Một lá ngô đồng rụng

Ai cũng biết thu về)

Cái "chớm lạnh" có giá trị như thế càng khiến cho cụm từ ngữ tiếp theo thật đầy ý nghĩa sinh động: trong lòng Hà Nội, trong không gian, trong cây cỏ, trong phố phường... hay trong cả lòng người Hà Nội? Cái chớm lạnh đầu thu quả đã gây nhiều cảm xúc cho lòng con người. Gió thổi trên những phố dài như càng dài thêm ra vì vắng lặng. Chỉ có gió chạy trên phố vắng. Mà hình như cũng chưa thật là gió, đấy chỉ là "hơi may", hơi thở nhẹ của mùa thu. Từ "hơi may" tiếp sau từ "xao xác" là một kết hợp tinh tế. Nếu không phải "hơi may" mà là "gió may", thì cũng sẽ không là "xao xác" mà phải là "xào xạc", rõ rệt hơn, nặng nề hơn. "Xao xác" gợi lên một âm thanh thoáng nhẹ như một nghi ngờ, có lẽ âm thanh ấy vang lên tự lòng người là chính. Phép đảo ngữ ở đây cũng đầy tác dụng: "xao xác" đứng trước, "hơi may" đứng sau; nghe "xao xác" để rồi mới nhận biết "hơi may".

Lá thu vàng đang rơi

Mùa thu đẹp mà buồn làm sao! Trên cái nền buồn của phong cảnh ấy, nổi lên hình ảnh con người buồn:

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

"Đầu không ngoảnh lại" mà biết được cái điều đang xảy ra ở "sau lưng", lại biết cách rõ ràng như thế, kể cũng lạ thật. Nhưng lạ mà vẫn hợp lẽ, ít nhất là rất hợp tình. "Đầu không ngoảnh lại", bởi vì trong cái buổi ra đi ấy, con người Hà Nội đã quyết "ra đi không hẹn ngày về", từ biệt Hà Nội để dấn thân vào cuộc chiến đâu, chân không bịn rịn, lòng không vướng bận mảy may. Nhưng Hà Nội thân yêu thế, đẹp thế, đầy kỉ niệm thế, Hà Nội băm sáu phố phường, Hà Nội ngàn năm văn vật, Hà Nội - Thăng Long, Hà Nội - Đông Đô, nơi mà cứ mỗi bước chân đều tưởng như có thể gặp lại danh nhân lịch sử, có thể nghe kể một truyền thuyết cổ xưa... làm sao có thể đành đoạn rời xa một Hà Nội như thế! Bởi vậy, đầu không ngoảnh lại, mắt không ngoái nhìn, lòng người đi, bằng tình yêu tha thiết của mình, vẫn nhận ra rất rõ những gì của Hà Nội đang để lại phía sau:

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Một bức tranh tuyệt đẹp của mùa thu: một thềm nhà ngập nắng thu, im lặng và cô độc giữa mùa thu vì không còn vang tiếng bước của người đã ra đi, lá thu vàng đang rơi, chầm chậm, từng chiếc, từng chiếc phủ đầy thềm... Tiết tấu trong câu thơ này thật lạ: khống biết nên ngắt nhịp ở đâu. Bảy tiếng cứ gieo xuống chậm rãi, đều đặn như nhịp bước của người ra đi, quả quyết mà lưu luyến, lặng lẽ mà xao động, đầu không ngoảnh lại mà lòng vẫn hướng về, lá rơi, hay nắng nữa cũng đang rơi? Và cả thềm nữa, cũng đang rơi xuống trong khoảng nhớ của người đi?

Viết bình luận