Bình luận câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” Thân Nhân Trung (1418 - 1499) viết năm 1484, thời Hồng Đức)

Văn miếu Quốc Tử Giám hiện còn 82 tấm bia Tiến sĩ. Đó là một trong những dấu tích tuyệt vời của tổ tiên ông cha để lại, là biểu tượng vàng son của nền văn hiến Đại Việt lâu đời.

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lập Văn Miếu. Nhưng đến năm năm sau (1075) dưới triều đại vua Lý Nhân Tông (1072-1127) mới mở khoa thi ‘àtam trường ” đầu tiên để chọn người có học. Khoa thi Ất Mão ấy đã chọn được hơn mười người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Lúc bấy giờ cho đến gần ba thế kỉ sau, vẫn chưa có lệ khác tên tiến sĩ vào bia đá dựng ở Văn Miếu. Mãi đến năm 1484, dưới thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông mới sai Thân Nhân Trung (1418-1499) viết "Bài kí" đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) khắc vào bia đá, phần dưới ghi rõ tên 33 vị tiến sĩ.

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Đây là câu văn trong phần đầu bài kí ấy, được nhiều người truyền tụng ngợi ca: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.

Câu văn trên đây có hai ý. Ý thứ nhất chỉ rõ bản chất của hiền tài. Ý thứ hai nêu bật mối quan hệ giữa nguyên khí với vận mệnh của quốc gia, với sự hưng - vong và thịnh - suy của đất nước.

Hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức. Nguyên khí là khí chất ban đầu, tinh túy nhất, tốt đẹp nhất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội. Những người đậu tiến sĩ, được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu (phần đồng) là hiền tài của quốc gia Đại Việt.

Tại sao hiền tài là nguyên khí của quốc gia? Nguyên khí có nhiều loại như thiên khí, địa khí, nhân khí, dương khí, âm khí,... Vạn vật trong đó có con người đều được những nguyên khí ấy tạo nên. Nhưng chỉ có hiền tài mới là nguyên khí của quốc gia; hay nói một cách khác: nguyên khí của quốc gia, ấy là hiền tài.

Sỏi đá thì nhan nhản khắp nơi, nhưng vàng ngọc thì rất hiếm và quý. Con người cũng vậy. Trong bốn giai tầng xã hội: sĩ, nông, công, thương - cách sắp xếp của người xưa, thì hiền tài thường xuất hiện trong giai tầng nào? Tại sao lại có quân tử và tiểu nhân trong xã hội? Tại sao lại có câu tục ngữ: “Người ba đấng, của ba loài". Hiền tài không có nhiều vì là “nguyên khí của quốc gia". Trong hàng triệu người mới có vài hiền tài, nhân tài, thiên tài, còn số đông là người bình thường, thậm chí còn ngu đần, dốt nát.

Vì hiền tài là nguyên khí của quốc gia nên mới được ghi tên vào bảng vàng bia đá, được nhân dân ngưỡng mộ, ngợi ca. Tên tuổi những con người vĩ đại như Ngô Quyền, vua Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh... là những bậc hiền tài, là những người con vĩ đại của dân tộc, là nguyên khí của quốc gia Đại Việt, tên tuổi mãi mãi sáng ngời sử sách.

Thi hương

Thân Nhân Trung viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" với tinh thần ngợi ca, tôn vinh và tự hào những bậc hiền tài của đất nước đồng thời lưu ý việc bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài để xây dựng và phát triển đất nước.

Vai trò của hiền tài, mối quan hệ của hiền tài đối với quốc gia quan trọng như thế nào? Thân Nhân Trung đã chỉ rõ: “Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Đất nước có lúc hưng thịnh, có lúc suy vong. Lúc nguyên khí thịnh mới xuất hiện nhiều hiền tài. Hiền tài nảy nở như hoa mùa xuân là khi nguyên khí thịnh. Hiền tài mới có thể đem tài thao lược, tài kinh bang tế thế giúp vua giúp nước, dẹp loạn, đánh tan lũ giặc ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang việc học hành, làm cho dân giàu nước mạnh, thái bình, yên vui.

“Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao", mới có “hào khí Đông A “ để Đại Việt ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, mới có Nguyễn Trãi ấ,viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời“ đã cùng Lê Lợi và nghĩa sĩ Lam Sơn quét sạch giặc Minh ra khỏi bở cõi, làm cho “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới... / Muôn thuở tiền thái bình vững chắc". Có vị thánh quân Lê Thánh Tông và các vị hiền tài khác mới có thời đại Hồng Đức (1470-1497), nước Đại Việt toàn thịnh, “thế nước mạnh, rồi lên cao“, đất nước thanh bình, trăm họ yên vui, ấm no, hạnh phúc:

“Nhà nam, nhà bắc đều no mật

Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình ”

(Vịnh canh một - Hồng Đức quốc âm thi tập)

Đọc lịch sử, dõi theo thời cuộc, ta càng thấy rõ, đúng như Thân Nhân Trung đã nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao", trái lại “nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Khi nguyên khí suy vì không có nhân tài, hiền tài, hoặc nhân tài, hiền tài bị bạc đãi, không được trọng dụng. Lúc ấy vua chỉ là những kẻ như Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều) hoang dâm vô độ, tàn ác như Kiệt, Trụ ngày xưa ở Trung Quốc; như Lê Uy Mục (vua quỷ), Lê Tương Dực (vua lợn),... thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Lúc ấy đất nước loạn lạc, giặc giã nổi lên khắp mọi nơi, mới có bè lũ Lê Chiêu Thống rước voi về giày mả tổ, Tôn Sĩ Nghị và 29 vạn quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta. Đó là bài học lịch sử khi “nguyên khí suy“.

Phần lớn nhân tài, hiền tài xuất hiện trong tầng lớp trí thức. Nếu coi trí thức là “cục phân’' như kẻ nào đó thì làm sao có hiền tài! Hiền tài phải được vun trồng, bồi dưỡng. Nhân tài, hiền tài đối với quốc gia có quan hệ rất lớn. Đúng như Thân Nhân Trung đã chỉ rõ: “Các vị thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên

Đất nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự nghiệp vĩ đại ấy cần có nhiều nhân tài, hiền tài để làm cho non sông Việt Nam “được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Đọc lại câu nói trên đây của Than Nhân Trung, ta càng thấy rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước; tuổi trẻ phải thi đua học hành, rèn luyện tài năng để phục vụ đắc lực đất nước và dân tộc.

Viết bình luận