Cảm nghĩ của em về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” (“Thiên Trường vãn vọng” - Trần Nhân Tông)

Thiên nhiên giản dị, tươi đẹp miền thôn dã muôn đời nay vẫn là người bạn gắn bó của các thi nhân - dù cho thi nhân ấy có là một nhă vua đi chăng nữa. Trong bài thơ “Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” tức “Thiên Trường vãn vọng” của nhà vua Trần Nhân Tông, khung cảnh thiên nhiên hiện lên thanh bình yên ả khiến lòng người thấy tĩnh tâm lạ thường.

"Trước xóm. sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vảng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.

Bóng chiều man mác có dường không

Trần Nhân Tông là một vị vua nổi tiếng đời nhà Trần sống ở thế kỉ XIII của dân tộc. Ông là người yêu dân, yêu nước và nổi tiếng khoan hòa, êm ái. Dưới triều đại của mình, ông chẳng những đã đoàn kết được tướng sĩ,, nhân dân đánh thắng giặc Mông - Nguyên mà còn xây dựng cho nhân dân đời sống ấm no, yên ổn. Sau khi rời ngai vàng, ông lên núi Yên Tử tĩnh tu và được tôn là tổ sư của thiền phái Trúc Lâm... Tương truyền rằng sau khi lãnh đạo dân ta chông giặc Mông - Nguyên thắng lợi, đất nước trở lại yên bình, nhân dịp thăm quê cũ ở Thiên Trường, vua Trần Nhân Tông đã tức cảnh sinh tình mà viết nên “Thiên Trường vãn vọng”. Bài thơ được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt, âm điệu bài thơ nhẹ nhàng, hài hòa, thanh thoát.

Phủ Thiên Trường, Nam Định vốn là quê cũ của nhà Trần. Đó là một miền quê yên ả, thanh bình. Trong bài thơ, tác giả đã vẽ lên một bức tranh thôn dã vào lúc chiều tà, hoàng hôn đang kéo đến:

"Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không"

Trong nguyên văn chữ Hán, cụm từ bán vô bán hữu nghĩa là nửa nhưnửa như không gợi phong cảnh mờ ảo; vừa như có lại như không; vừa thực lại vừa hư. Quang cảnh gợi lên ở đây là làng xóm đang mờ trong sương khói. Thôn xóm, nhà tranh, làng quê nối nhau, san sát, sum vầy phía trước, phía sau, khói phủ nhạt nhòa, mờ tỏ, nửa như có, nửa như không. Khói tỏa ra từ đâu vậy? Phải chăng, đây chính là khói bếp nhà tranh và lớp sương chiều lãng đãng hòa quyện với nhau thành một làn sương - khói trắng mờ, êm dịu bay nhẹ nhàng khiến người ta cảm thấy chỗ tỏ, chỗ mờ, lúc có, lúc không? Tâm hồn người lâng lâng bởi cảnh hay chính lòng người đang lâng lâng, mơ mộng nên nhìn thấy, xóm làng thanh bình, êm ả đến? Cảnh tượng trong hai câu thơ đầu trầm lặng làm sao! Cảnh có nét thực nhưng lại có nét ảo. Chính điều này tạo nên sự mơ màng, nên thơ rất độc đáo của câu thơ.

Đến hai câu sau đã có sự xao động trong cảnh vật:

"Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng".

Mục đồng sáo vảng trâu về hết

Cách nơi nhà vua đứng không xa, mấy chú bé chăn trâu đang lúa trâu về làng, vừa ngồi trên lưng trâu vừa thổi sáo. Tiếng sáo vi vu, văng vẳng, cất lên làm xao động lòng người. Xa xa, trên cánh đồng lúa, mấy cánh cò trắng đang từng đôi một sà xuống như muôn tìm mồi hay định nghỉ ngơi! Người, vật, đồng ruộng, màu sắc, âm thanh..., tất cả đã hòa nhập với nhau để vẽ nên bức tranh quê hương thanh bình, êm vắng mà thật có hồn.

Qua bức tranh được miêu tả, có thể nhận thấy cảnh tượng nhìn từ phủ Thiên Trường thật nên thơ. Đứng trước cảnh thiên nhiên ấy, tác giả như chìm đắm say sưa trong cảnh vật. Ngắm nhìn, thưởng thức nét đẹp của xóm thôn mà vui mừng với cuộc sông không vướng bận binh đao.

Tác giả của bài thơ là một ông vua có tâm hồn thi sĩ. Đọc bài thơ, ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với một người nông dân thuần phác (cảnh được nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó cho thấy, nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình. Phải chăng vì các vị vua Trần rất thân dân, yêu dân như con mà mỗi khi đứng trước hoạ xâm lăng (nhất là trong ba lần quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo nhân dân chống xâm lược thành công.

“Thiên Trường vãn vọng” (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) của Trần Nhân Tông là một bức tranh phong cảnh làng quê xinh xắn. Nó đã gợi được cái hồn, cái cốt của làng quê Việt Nam. Bài thơ phảng phất chất thiền thể hiện tâm hồn sâu lắng, thanh cao của bậc vua hiền tài nhân ái Trần Nhân Tông.

Viết bình luận