Cảm nghĩ về truyện Vợ chồng A Phủ

(Tư liệu)

Truyện Vợ chồng A Phủ, tôi viết quãng những năm 1352, 1953. Tới nay, ngót bốn mươi năm đã qua. Thời kỳ ấy, trong khi vùng bộ đội và nhân dân vào chiến dịch Tây Bắc, giải phóng ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Hoàng Liên Sơn bây giờ. Bước đường hình thành câu chuyện cùng với nhân vật, tư tưởng nhân vật cứ thành hình dần, đến khi chiến dịch kết thúc thắng lợi thì tôi cũng đã nghĩ xong và viết luôn. Có nghĩa là câu chuyện Vợ chồng A Phủ tôi đã xây dựng được bằng mắt thấy tai nghe và cảm nghĩ về những con người và sự việc ấy trong cuộc chiến đấu giải phóng quê hương của các dân tộc thiểu số anh em ở biên giới Tây Bắc đất nước.

Đã có nhiều dịp tôi viết và có khi trả lời câu hỏi của bạn đọc như tại sao viết Vợ chồng A Phủ và đã viết Vợ chồng A Phủ như thế nào. Có những câu hỏi ấy, một phần bạn đọc muốn được trao đổi và hiểu biết công việc bếp núc của một sáng tác, nhưng, cũng có một phần bởi bạn đọc biết tôi vốn sinh sống ở đồng bằng, có thể trước khi viết Vợ chồng A Phủ tôi chưa có một hiểu biết gì về các dân tộc ở miền núi, thế thì làm sao và vì lẽ gì tôi đã viết được. Âu cũng là một tò mò của bạn đọc đáng quý cho người viết.

Người dân tộc Mông ở trên núi cao, đã bao đời vất vả

Tôi cũng đã từng viết và trả lời nhiều lần về những vấn đề trên, các bạn có thể tìm đọc thêm ở những bài trao đổi của tôi về kinh nghiệm viết văn, mà ở đây tôi khỏi nói lại nhiều về ngọn nguồn tình cảm của tôi với dân tộc Mông và các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mường mà hầu như một cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp tôi đã được ở với các dân tộc anh em ấy cùng với những công tác kháng chiến. Biết bao nhiêu khó khăn cho tôi mà lúc đầu tưởng như không thể vượt qua được, khi mọi việc tìm hiểu chân kẽ tóc, trong cuộc sống chung đụng cùng với những học hỏi cần thiết cho một người cầm bút, như phải am tường gốc gác, phong tục tập quán, cùng với ngôn ngữ và một sức một lòng cùng các dân tộc anh em gánh vác mọi công tác kháng chiến.

Phải có tấm lòng thiết tha cùng với công phu đến như thế, tôi mới dám cầm bút viết truyện Vợ chồng A Phủ và sau này, viết thêm tiểu thuyết Miền Tây và tiểu thuyết Họ Giàng ở Phin Sa.

Riêng đây tôi nói tập trung suy nghĩ của tôi về một số vấn đề trong hình thức và nội dung Vợ chồng A Phủ.
Người dân tộc Mông ở trên núi cao, đã bao đời vất vả. Trong nỗi vất vả phải kể đến cái khổ cực cùng kiệt, là số phận người phụ nữ. Không chỉ là đói khát, là ngày đêm đi nương kiếm cái ăn và lúi húi trong bếp từ lúc trời chưa tan sương, mà đời một người con gái dân tộc Mông từ ngày bước chân đi lấy chồng ấy là phải dấn mình vào địa ngục khủng khiếp không thể lời nào tả nổi được. Mê tín và thần quyền mà xã hội thời ấy coi là tuyệt đối thiêng liêng đã bắt người đàn bà ấy bán cho “cái ma” nhà ấy rồi và “cái ma” của nhà ấy không bao giờ cho người đàn bà này ra khỏi cửa nhà nữa. Cả đến những trường hợp dã man đến độ dùng tiền bạc và thế lực, đã “cướp” người đàn bà đem về “trình ma”, thế là người đàn bà cũng bị “cái ma” vô hình trói cả đời trong nhà ấy! Phải suốt đời ở trong nhà ấy! Nếu chẳng may chồng chết thì người ấy phải làm vợ người khác trong nhà, có khi là một người anh chồng già lụ khụ, có khi là một người em chồng còn ở tuổi trẻ con, và nếu chồng lại chết, lại phải ở với người đàn ông khác vẫn trong nhà ấy. Khi Tây Bắc mới giải phóng, tôi đã trông thấy cái cảnh một người đèn ông cưỡi ngựa đi chợ đằng sau một lũ vợ đi theo, có người vợ già đã móm mém, có người vợ còn đương tuổi thanh niên...

Cũng có khi người phụ nữ thoát được cái địa ngục kia. Ấy là có những bố mẹ thương con, dành dụm được tiền, những đồng bạc trắng, đem đến nộp trả cho nhà người chồng đã chết của con gái. Người ta cúng lễ cho
người đàn bà ấy được “cái ma” thả cho ra khỏi nhà. Nhưng mà người đàn bà góa chồng ấy không được về nhà mình đâu. Người đàn bà phải đi đến nhà quan thống lý quyền hành như ông vua cả một vùng. Bố mẹ lại nộp cái lễ “rửa của” cho nhà quan, để quan thống lý nhận cho người đàn bà từ bấy giờ cho đến chết phải ăn ở như đày tớ nhà quan thống lý.

Những người đàn bà dân tộc Mông trong truyện Vợ chồng A Phủ cũng như Mỵ trong truyện ấy, tất cả đều đã trải qua những hãi hùng trên. Bao nhiêu khủng khiếp đã qua đi không bao giờ có thể trở lại nữa, nhưng câu chuyện thương tâm, cái đau đời người vẫn đọng lại mãi qua mọi thế hệ, như một nhắc nhở.

Vẻ đẹp tâm hồn Mỵ thể hiện trong thái độ đối với A Phủ

Nhưng điều kỳ diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã, Mỵ vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt. Những thương đau như cuộc đời Mỵ, khi truyện Vợ chồng A Phủ chuyển làm thành phim Vợ chồng A Phủ, diễn viên đóng các vai chính trong phim đã được lên khảo sát thực tế các vùng cao huyện Bắc Yên và huyện Trạm Tấu, đã còn được nghe kể lại, tưởng như những khổ ải cũ vẫn còn phảng phất khắp các xó xỉnh rừng núi.

Mỵ và A Phủ gặp nhau trong một hoàn cảnh thật khốc liệt và éo le. Những số phận con người bên bờ cái chết. Thoạt nghe, có thể tưởng như đấy là những tình cờ của số phận, khi hai con người khốn khổ thoát chết, đã cùng nhau trốn khỏi nơi địa ngục. Nhưng nếu để ý kỹ lại đời Mỵ và đời A Phủ, từng quãng sống của họ, ta có thể thấy như in được hình ảnh bước phát triển của số phận những con người ấy có ý nghĩa hoàn toàn có thể phân tích được. Trong nguy hiểm, nhưng khi có hội và có quyết tâm của con người để chống lại cái số kiếp như trời định sẵn, họ đã vùng lên. Và sức mạnh vùng lên cứ phát triển lên mãi, khi cuộc đời riêng và cuộc sống xã hội mới gặp nhau, đã chiến thắng tù ngục phong kiến. Cuộc kháng chiến của tất cả các dân tộc trên đất nước chống đế quốc và phong kiến đã đưa những con người ấy lên đường chiến đấu bảo vệ hạnh phúc của chính họ và giải phóng quê hương. Sự phát triển của cuộc đời Mỵ và A Phủ có quá trình hài hoà đã hòa hợp như là một tất yếu.

Vẻ đẹp của tuổi trẻ và tình yêu chan chứa, phong phú trên tất cả mọi mặt, từ nụ cười đến tính nết, đến tấm lòng. Nhưng ở một con người đương thoi thóp trong cùng quẫn như Mỵ, trước nhất vẻ đẹp tâm hồn Mỵ thể hiện trong thái độ đối với A Phủ. Thái độ ấy đã được biểu hiện bằng một hành động cực kỳ dũng cảm là cởi trói cho A Phủ. A Phủ đã thoát chết. Làm việc ấy, tức là Mỵ cũng đến với cái chết đương chờ đợi, chẳng khác A Phủ. Nhưng Mỵ đã không chút sợ hãi. Mỵ đã vượt lên được tất cả. Cái biểu hiện cởi trói cho A Phủ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, nhưng khoảnh khắc quyết định và tồn tại đời đời. Vẻ đẹp của một tâm hồn con người, bao giờ cũng vậy, một tấm lòng, một tinh thần vị tha, một hành động không phải chỉ vì mình, đấy mới trở thành những câu chuyện đời đời nhớ mãi cùng với những con người và những lịch sử dân tộc mang giá trị vĩnh cửu.

Sự tồn tại của mỗi con người, của mỗi dân tộc trên đất nước mà mỗi trang lịch sử đã chứng minh từ thuở nghìn năm dựng nước, ấy là do lòng nhân hậu và tinh thần xả thân vì nghĩa. Dân tộc Việt Nam đã như thế, tồn tại và phát triển tới ngày nay chính bởi những đức tính trên đã trở thành truyền thống trong mỗi con người qua mọi thời kỳ. Sự nghiệp dựng nước và giữ nước của chúng ta đã được bồi đắp đời này qua đời khác, xưa kia cũng như ngày nay, bằng những hình ảnh đẹp đẽ ấy.

Văn học Việt Nam, truyền thống cũng như hiện đại, chủ nghĩa nhân đạo đã xuyên suốt trong từng tác phẩm. Không phải là một điều tô vẽ và tưởng tượng không căn cứ, mà đây là cuộc sống thực có trong xã hội đã tạo nên tinh thần các tác phẩm chân chính. Trở lại những sự việc cụ thể, như trên đã trình bày, tôi không thể sáng tạo được câu chuyện cùng với các nhân vật như Mỵ và A Phủ. Tôi đã không thể nghĩ ra một tình tiết trước khi được cơ hội sinh sống ở vùng núi ấy và cuộc sống hàng ngày đã giúp tôi khám phá và sáng tạo.

Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam là tấm gương kết tinh sức sống và tinh thần của dân tộc Việt Nam.

TÔ HOÀI (Tác phẩm văn học 1930 - 1945, tập hai, Nxb. Khoa học xã hội, 1991)

Viết bình luận