Cảm nhận của anh (chị) về truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải

Nguyễn Khải tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, quê nội ở Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi. ông sớm phải lăn lộn, quăng quật vào đời để kiếm sống, nuôi mẹ và nuôi em. Có thể nói, chính những trải nghiệm cay đắng thời niên thiếu đầy éo le, tủi cực khiến cho tính cách cũng như văn chương của ông từ sớm đã có những đặc điểm riêng: đó là sự nhẫn nhịn, khôn ngoan, sắc cạnh, tỉnh táo, là sự già dặn, hiểu người, hiểu đời. Bước sang thời kì đổi mới, cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khải là một cái nhìn đầy trăn trở, suy nghiệm, cảm nhận hiện thực xô bồ, hối hả, đầy biến động, đổi thay nhưng cũng đầy hương sắc, chuyển mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội, lấy việc khám phá con người là trung tâm. Nhà văn nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, với quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và tiếp nối thế hệ, để rồi cuối cùng bao giờ cũng khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay. Một người Hà Nội rút từ tập truyện Hà Nội trong mắt tôi (1995) - tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà văn ở giai đoạn sau này. Tác phẩm đã thể hiện cái nhìn nghệ thuật mới của Nguyễn Khải về cuộc sống và con người; đồng thời, truyện còn phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước.

Hà Nội trong mắt tôi

Nhân vật trung tâm của truyện ngắn là bà Hiền, một người Hà Nội bình thường. Cũng như những người Hà Nội bình thường khác, bà đã cùng Hà Nội, cùng đất nước trải qua nhiều biến động, thăng trầm nhưng vẫn giữ được cái cốt cách người Hà Nội, cái bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội. Bà Hiền là người gốc Hà Nội, có nhan sắc, thông minh, lại sinh ra trong một gia đình gia giáo, có nền nếp và yêu văn chương. Sau năm 1954, gia đình bà chẳng thể di cư vào Nam vì không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở một vùng đất khác. Điều đó đã thể hiện tình yêu Hà Nội, sự thiết tha gắn bó với mảnh đất này.

Khi hoà bình lập lại, bà Hiền tỉnh táo và nhận ra niềm vui hơi quá mức và có phần thỏa mãn của con người sau chiến thắng: Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ ? Theo bà, chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục mỗi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái phải yêu nhau như thế nào, thậm chí cả tiền công sá cho kẻ ăn người ở. Bà đã rất thẳng thắn, không giấu giếm quan điểm, thái độ của mình với mọi hiện tượng xung quanh. Bà còn không ngần ngại chỉ ra những nét ấu trĩ trong quan niệm của một thời: gọi anh, gọi cháu là đồng chí - bắt chước ngôn ngữ cách mạng không phải lối, vô duyên của con, của chồng. Bà nhắc phải gọi là anh rồi quay đi khẽ thở dài. Có lẽ, bà buồn vì thời thời chiến tranh đã đi qua nhưng cách ứng xử của những người lính đã ăn quá sâu vào trong nếp sống của người dân, và điều đó nên dần được thay đổi vì đây là thời bình, là thời xây dựng cuộc sống mới,... Bằng sự từng trải và trầm tĩnh, bà Hiền nói đến việc làm ăn chứ không thể mãi say sưa trong chiến thắng, Ở giai đoạn này, mặc dù thời thế đã đổi thay nhưng bà Hiền vẫn giữ vững nếp nhà, vẫn giữ được những nết sinh hoạt truyền thống của một gia đình có văn hóa, có cách sống đẹp, đàng hoàng và sang trọng. Bà dạy từ những việc làm nhỏ nhất về nết ăn nết ở như ngồi vào bàn ăn [...] chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn\ đến cái lớn là quan niệm sống, lẽ sống: Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng [...] Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sau này muốn sống ra sao là tùy. Hóa ra làm người Hà Nội vừa là một vinh dự, vừa là một trách nhiệm. Trong việc hôn nhân, sinh con, quản lí gia đình và tính chuyện làm ăn thì bà cũng là một người thông minh, sáng suốt và sắc sảo trong cách nghĩ. Thời son trẻ, bà giao du với đủ loại thanh niên con nhà giàu, nghệ sĩ văn nhân, nhưng khi phải làm vợ làm mẹ thì bà lại chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc. Bà không ham danh lợi, sự lựa chọn của cô chứng tỏ cô là người nghiêm túc, không chạy theo những tình cảm viển vông. Lấy chồng xong bà sinh năm đứa con, đến đứa con gái út, bà nói với chồng: Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống được đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào anh chị. Đây cũng chính là một quyết định khác người vào thời điểm đó vì thời đó quan niệm Trời sinh voi sinh cỏ. Nhưng điều mà bà Hiền quan tâm ở đây là con cái phải được nuôi dạy chu đáo để chúng có thể sống tự lập được và điều này đã cho chúng ta thấy rõ được tầm nhìn xa trông rộng của bà. Trong việc quản lí gia đình, bà luôn là người chủ động, tự tin và luôn luôn hiểu rõ vai trò của người phụ nữ trong gia đình: Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao. Bà đã nói lên quan điểm về bình đẳng nam nữ và điều đó xuất phát từ thiên chức của người phụ nữ, rất đơn giản và cũng rất tự nhiên. Khi tính đến công việc làm ăn thì bà lại là người có đầu óc rất thực tế, suy tính mọi việc trước sau rất khôn khéo chứ không hề lãng mạn, viển vông: cô đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những điều tiếu của thiên hạ. Bà mở cửa hàng bán đồ lưu niệm và tự tay làm ra sản phẩm: Hoa làm rất đẹp, bán rất đắt... chỉ có một mình cô làm, các em thì chạy mua vật liệu ... Bà không đồng ý cho mua máy in và thuê thợ làm vì cô muốn góp phần vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ để nhanh chóng khôi phục đất nước sau chiến tranh. Điều này xuất phát từ ý tưởng cao đẹp xây dựng một xã hội nhân ái, không có cảnh người bóc lột người, chế độ mới chỉ trân trọng sự lao động sáng tạo của từng người, không chấp nhận hiện tượng ông chủ và kẻ làm thuê,... Bà quả là con người có bản lĩnh, thức thời, khôn ngoan và sắc sảo.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, bà vô cũng thương con, lo lắng cho con nhưng sẵn sàng cho con ra trận như những thanh niên khác và mình cũng được vui buồn lo âu như những bà mẹ Việt Nam khác: Trước việc đứa con đầu lòng tình nguyện xin đi đánh Mĩ, bà nói: Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn. Nó dám đi cũng là tự biết tự trọng. Điều này thể hiện sự dằng xé âm thầm giữa tình yêu con và tình yêu nước, giữa sự lo âu và ý thức về danh dự của một con người. Bà Hiền không muốn con mình gặp nguy hiểm, gian khổ nhưng bà cũng không muốn con mình sống trong đớn hèn và nhục nhã. Bà luôn luôn tôn trọng danh dự của con nên đã cho con đi chiến đấu. Bà không che giấu nỗi đau, không vờ vui vẻ với bà đó là một quyết định khó khăn nhưng hợp lí. Ba năm sau, đứa em theo bước anh, cũng đòi vào chiến trường thì bà đã bày tỏ thái độ của mình: Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó... Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì. Suy nghĩ bình dị như thế của bà Hiền là suy nghĩ của một người thiết tha yêu nước. Tất cả những suy nghĩ của bà Hiền đều hết sức bình dị song lại thấm đượm đạo lí sâu sắc: một khi con người có lòng tự trọng thì sẽ có lòng yêu nước, sẽ có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Tình yêu nước của bà được biểu lộ chân thành, tự nhiên, không giả tạo.

Tháng 12 năm 1975, đứa con trai đầu của bà Hiền là Dũng đã trở về. Trong số 660 thanh niên ưu tú của Hà Nội lên đường cùng Dũng ngày ấy, bây giờ còn lại khoảng chừng trên dưới bốn chục, hơn 600 người đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho hạnh phúc ngày hôm nay của đất nước. Trong bữa tiệc mừng Dũng trở về, anh đã kể lại câu chuyện của mẹ con Tuất. Cũng như Dũng, Tuất cũng rất yêu Hà Nội, yêu Tổ quốc và cũng rất yêu thương người mẹ của mình. Ngày vào Nam, tàu qua ga Hà Nội, mẹ Tuất làm ở phòng phát thanh ga, Tuất nghe rõ tiếng mẹ mình phát trên loa nhưng anh không thể xuống ga để từ biệt mẹ vì nhiệm vụ chiến đấu tất cả đều phải bí mật, anh phải ghìm sự thương nhớ. Đấy cũng chính là những lời cuối cùng của mẹ mà Tuất nghe thấy vì anh đã hi sinh ở trận đánh vào Xuân Lộc, trước ngày toàn thắng có mấy ngày. Dũng vô cùng thương bạn, vô cùng xót xa và cảm thông với nỗi đau của mẹ Tuất, anh không biết nói thế nào với một bà mẹ có con hi sinh, mà bạn của con mình lại vẫn còn sống, sống đến bây giờ, đến hôm nay. Đó là giá trị nhân bản của cuộc chiến đấu - được tính bằng máu. Không thể vì niềm hân hoan hội ngộ, vinh quang chiến thắng mà lại quên đi những người đã hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Nguyễn Khải đã khai thác vào một góc khuất của chiến tranh mà trước đó văn học ta chỉ khai thác cái hùng tráng mà chưa nói nhiều về bi kịch của từng gia đình, từng số phận trong chiến tranh. Vào thời điểm ấy, cách nhìn của nhà văn đã có sự chuyển hướng so với văn học giai đoạn trước - đó là hướng đến những cái bình thường,... .Có biết bao bà mẹ Hà Nội vô cùng thương con và đầy nghị lực như người mẹ của Tuất, họ đã nén chịu nỗi đau mất con, tiếp tục sống, tiếp tục xây dựng cuộc sống này. Gặp lại bạn chiến đấu của con, người bà run bần bật nhưng không khóc và nói: Nín đi con, nín đi Dũng ! Cô biết cả rồi. Cô biết từ mấy tháng nay rồi. Thực ra mẹ Tuất đã biết tất cả nhưng bà đã đã dám chịu để vượt lên nỗi đau của sự mất mát riêng tư, thể hiện vẻ đẹp ngời sáng và cốt cách của người Hà Nội. Có thể nói, tất cả những người Hà Nội ấy đã góp phần tô thắm thêm cốt cách tinh thần người Hà Nội, phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam.

Người Hà Nội

Trong thời kì đất nước đổi mới, Hà Nội vẫn yên bình, đẹp đẽ, vững chãi trước bao sóng gió cuộc đời và vẫn giữ được những nét thanh lịch, sang trọng trong cuộc sống hiện đại chính là nhờ những người như bà Hiền. Vì là người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội nên nhân vật tôi rất nhạy cảm với những nét văn hóa Hà Nội được giữ gìn ở người đàn bà bảy mươi tuổi này. Nơi tiếp khách - bộ mặt văn hóa của gia đình bà Hiền là ở cái phòng khách sang trọng, lịch lãm mấy chục năm không hề thay đổi. Đó là nơi lưu giữ những đồ cổ, nhưng chủ của nó vẫn là một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn. Đây chính là một nhận định đánh giá của tác giả về bà Hiền: dù thời gian có trôi qua, Hà Nội có nhiều sự đổi thay nhưng bà Hiền vẫn giữ vẻ đẹp của người Hà Nội, không pha trộn với lối sống mới của Hà Nội hiện đại. Bà hiện lên như một người Hà Nội mẫu mực. Bà là người luôn trân trọng những giá trị văn hóa

của Hà Nội. Bà Hiền đã giữ nếp nhà bất di bất dịch suốt một đời người. Ngay cả khi cơn lốc dữ dội của nền kinh tế thị trường làm xói mòn đi nếp sống của Hà Nội ngàn năm văn hiến thì cùng không thể làm lay chuyển ý thức của những con người luôn tin vào giá trị văn hóa bền vững của Hà Nội. Hàng ngày bà vẫn làm mới những báu vật quý giá bằng thái độ trân trọng, nâng niu, vì thế đồ cổ nhưng thật sang trọng và quý giá trong ngôi nhà ấm áp không khí Hà Nội, nhất là mỗi khi Tết về. Bà Hiền hòa mình vào cảnh sắc Hà Nội trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ấm áo chứ không làm ướt, bà đang lau chùi cái bát cổ để cắm hoa thủy tiên. Điều đó đã thể hiện cái duyên riêng của Hà Nội, nét quyến rũ của Hà Nội, khiến người xa Hà Nội phải kêu thầm: thấy Tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại một cái Tết Hà Nội. Hành động này của bà Hiền thật đẹp, thể hiện sự nâng niu trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, bà lau bát thủy tiên như làm sạch đi lớp bụi của thời gian, làm sáng lên lớp men hay những vẻ đẹp, giá trị văn hóa truyền thống ? Hành động này đặt trong hoàn cảnh xã hội Hà Nội những năm sau 1975 thật là ý nghĩa, cao đẹp biết bao,... Khi bà Hiền nghe những lời thiếu lịch sự, thiếu văn hóa của người Hà Nội thì bà không bình phẩm mà chỉ lặng lẽ kể câu chuyện cây si mọc ở đền Ngọc Sơn có một phần bộ rễ bật đất chổng ngược lên trời rồi sau đó được thành phố cho máy cẩu tới đặt bên kia bờ quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, và cuối cùng thì cây si lại sống lại, lại trổ ra lá non. Đấy là bằng chứng cho thấy người Hà Nội hôm nay không chỉ quan trọng vật chất mà còn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần. Cây si mọc ở đền Ngọc Sơn biểu tượng cho nét cổ kính, linh thiêng của Hà Nội. Cây si cổ thụ có thể bị bão đánh đổ - đó là quy luật khắc nghiệt của tự nhiên, đồng thời đó cũng là quy luật vận động của xã hội: Hà Nội đã trải qua bao biến cố dữ dội trong suốt trường kì kịch sử. Cây si dù bị bật một phần bộ rễ vẫn hồi sinh, lại trổ cành xanh lá là nhờ ý thức bảo vệ của con người. Sức sống của con người Hà Nội cũng vậy. Đây chính là quy luật bất diệt của sự sống. Quy luật này được khẳng định bằng niềm tin của con người: thành phố đã kiên trì cứu sống được cây si. Cây si cũng là một biểu tượng nghệ thuật, một hình ảnh ẩn dụ về vẻ đẹp của Hà Nội: Hà Nội có thể bị tàn phá, nhiễm bệnh nhưng Hà Nội vẫn sẽ là Hà Nội với truyền thống văn hóa được nuôi dưỡng suốt trường kì lịch sử.

Ở phần cuối tác phẩm, Nguyễn Khải đã để cho nhân vật tôi phải thốt lên: Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải diệt đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cỏ. Nhưng hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng! Câu nói này của nhân vật tôi thể hiện một tình yêu sâu nặng, một niềm ngưỡng mộ thiết tha đối với văn hóa kinh kì - Hà Nội. Đã có bao lớp người Hà Nội kiến tạo, lưu truyền, bồi đắp cho nét đẹp thủ đô. Hà Nội đang phát triển, giàu sang và hiện đại hơn thì liệu những cái đẹp xưa có được bảo tồn ? Trong lời người kể chuyện vừa có niềm lo âu, tiếc nuối lại vừa chan chứa cảm giác tin tưởng, tự hào. Ở đây, tác giả đã gọi bà Hiền là hạt bụi vàng của Hà Nội vì khi nói đến hạt bụi là người ta nghĩ đến một vật rất nhỏ bé, tầm thường, ít ai nhận thấy, chẳng có giá trị gì. Có điều, nếu là hạt bụi vàng thì dù rất nhỏ bé nhưng lại mang giá trị quý báu, bao nhiêu hạt bụi vàng hợp lại thành ánh vàng chói sáng. Bà Hiền là một người Hà Nội bình thường, vô danh, nhưng ở bà thấm sâu những cái tinh hoa trong bản chất người Hà Nội. Những người Hà Nội như bà đã là những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội, tất cả đang bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng. Ánh vàng ấy là phẩm giá người Hà Nội, là cái truyền thống, cốt cách người Hà Nội - Hà Nội linh thiêng và hào hoa, Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Một người Hà Nội đã đi sâu vào cuộc đời và tâm hồn một người Hà Nội bình thường để phản ánh hiện thực lịch sử dân tộc trên những chặng đường cách mạng, kháng chiến và xây dựng cuộc sống mới, từ đó nêu bật lên phẩm chất cao đẹp của con người Hà Nội, con người Việt Nam. Cách sống của bà Hiền nhìn chung rất độc đáo, có điều sự độc đáo trở thành giản dị, tự nhiên, là sản phẩm của một ý thức văn hóa chứ không phải cái độc đáo cố ý để diễn, để khoe. Đó là lối sống đẹp, có chiều sâu văn hóa và sự trải nghiệm, chiêm nghiệm; có nguyên tắc chung nhưng không cứng nhắc mà biết dung hòa, uyển chuyển. Qua chân dung bà Hiền, Nguyễn Khải đề xuất một tiêu chuẩn thẩm mĩ mang quan niệm riêng của ông về con người mà ông gọi là một người Hà Nội. Bà Hiền được tô đậm ở bản lĩnh cá nhân, ở nét lịch lãm, sang trọng trong ứng xử, ở ý thức tự trọng. Bà như một biểu tượng của văn hóa Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hóa. Nguyễn Khải đã đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ như gia đình, bạn bè, dân tộc, môi trường tự nhiên và thời thế,..- để soi ngắm nhân vật từ nhiều chiều, vẻ đẹp của một người Hà Nội toát lên từ điểm nhìn thế sự, hướng tới khẳng định mới mẻ của nhà văn về con người ở góc độ văn hóa.

Viết bình luận