Cao Chu Thần từng có câu thơ để đời: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. Có người cho rằng vẻ đẹp của câu thơ cũng chính là vẻ đẹp của Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Ý kiến của anh (chị) như thế nào? Hãy phân tích để làm sáng tỏ

DÀN BÀI CHI TIẾT

I. Mở bài

Có những câu thơ sống mãi trong tâm trí ta, có những con người tỏa sáng mãi cuộc đời ta, bởi nó giúp ta một cách sống đẹp. Những câu thơ, những con người ấy thường có mối quan hệ với nhau, có khi lại gắn bó mật thiết, tương hỗ, cái này là tiền đề để hiểu cái kia, cái kia lại minh họa cho cái này. Đó chính là trường hợp câu thơ nổi tiếng của Cao Chu Thần “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” và hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân với vẻ đẹp “thiên lương" của con người không thể nào quên.

vẻ đẹp của Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù

II. Thân bài

1. Ý nghĩa của câu thơ “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

Câu thơ nêu lên triết lí của một con người có cách sống đẹp. Đó là Cao Chu Thần, tức Cao Bá Quát. Cách sống đẹp đó gồm hai ý có liên quan với nhau:

- Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý, thanh khiết của con người. Một con người mà “cả đời chỉ biết cúi đầu trước vẻ đẹp của hoa mai” thì đó phải là con người yêu cái đẹp, phụng thờ cái đẹp: một con người tài hoa.

- Con người chỉ biết cúi đầu trước cái đẹp, cũng có nghĩa là con người ấy không chịu cúi đầu trước bất cứ một thế lực nào - dù cám dỗ hay tàn bạo đến đâu: đó chính là con người có khí phách anh hùng, có tinh thần bất khuất.

Tóm lại, câu thơ trên nêu lên triết lí sống của một con người tài hoa - khí phách. Đó chính là nhà thơ Cao Bá Quát nổi tiếng hay chữ và viết chữ đẹp một thời, đồng thời lại là một con người có khí phách anh hùng đáng trọng.

2. Cao Bá Quát lại chính là nguyên mẫu thực trong cuộc đời để Nguyễn Tuân dựa vào đó mà xây dựng thành hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Nguyên mẫu vốn đã đẹp, nhưng qua điển hình hóa nghệ thuật, hình tượng nhân vật Huấn Cao lại càng lung linh rực rỡ. Chỉ có điều, hình tượng ấy vẫn mang những vẻ đẹp của nhà thơ Cao Bá Quát, như chính ông đã nói trong câu thơ trên. Đó là vẻ đẹp của một Huấn Cao tài hoa - khí phách, được biểu hiện bằng:

- Vẻ đẹp của cái "tài” (viết chữ đẹp).

- Vẻ đẹp của cái “tâm” (cho chữ để cứu người).

- Vẻ đẹp của “khí phách anh hùng” (hiên ngang bất khuât trong tù, đĩnh đạc cứu người trong tư thế thay bậc đổi ngôi, tư thế của người anh hùng chiến thắng).

Phân tích rõ ba vẻ đẹp này qua các hình ảnh, chi tiết có ý nghĩa trong tác phẩm, đặc biệt chú ý các chi tiết đặc sắc trong cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục ở cuối tác phẩm như “mùi thơm của thoi mực”, “màu trắng của phiến lụa”, thái độ đối lập giữa người tù và quản ngục với câu nói của y nghẹn ngào trong nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

III. Kết bài

Môi liên quan giữa vẻ đẹp của câu thơ Cao Chu Thần với vẻ đẹp của Huấn Cao trong tác phẩm của Nguyễn Tuân chính là mối liên quan gắn bó mật thiết giừa một tác giả yêu cái đẹp, tôn thờ cái đẹp lí tưởng với những con người lí tưởng trong cuộc đời mà tác giả đã biết và đã hết lòng cảm phục.

Viết bình luận