Chép lại chính xác bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến. Phân tích vẻ đẹp trong hai câu thơ sau: "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Câu cá mùa thu

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ dưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Cái tĩnh lặng của con người chi phối cái tĩnh lặng của cảnh vật

Là nhà thơ của “quê hương làng cảnh Việt Nam”, là nhà thơ của các mùa ở nông thôn, Nguyễn Khuyến làm rất nhiều bài thơ về mùa xuân, mùa hạ. Nhưng ông vẫn rất nổi tiếng với đề tài mùa thu. Đặc biệt là với “chùm thơ thu”. Bên cạnh những lá ngô đồng, tiếng chày đập vải trong thơ chữ Hán của ông là những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Dường như ông đã tập trung hết tâm hồn mình vào trong ba bài thơ thu. Cùng viết về đề tài mùa thu, nhưng mỗi bài lại có một vẻ đẹp riêng, tạo nên những sắc cạnh khác nhau, bổ sung cho mùa thu của quê hương sứ xở. “Câu cá mùa thu” là một trong số đó. Giữa không gian thu xanh ngắt là một vệt xám nhỏ của chiếc “thuyền câu bé tẻo teo”. Và ngay đó chợt phào qua một làn gió nhẹ khẽ gợn trên làn sóng biếc:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,"

Một làn gió thoảng qua cũng đủ làm rung động mặt nước, thêm một sắc xanh cho nền trời xanh. Nhưng đó không phải là hai màu xanh giống nhau. Màu xanh ngắt của mây trời đâu có hòa lẫn với màu ngọc biếc xanh của sóng, của mặt nước. Màu xanh của mặt nước thu là sự hoà trộn giữa sắc xanh ngắt của bầu trời với sắc trong của mặt nước với cái lung linh của nắng thu. Mặt hồ khẽ gờn gợn theo làn gió thoảng “theo làn hơi gợn tí”. Câu thơ vừa gợi hình vừa gợi cảm. Nó hướng cái nhìn của người đọc theo từng làn gió nhẹ. Thật tinh tế biết bao! Rồi bất chợt, trên làn sóng nhẹ đó một chiếc lá vàng không biết từ đâu xuất hiện:

“Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.

Chỉ nghe từ “vèo” vút qua rất nhanh rồi mất hút. Không khí lạí quay trở về cái tĩnh lặng như ban đầu. Câu thơ là hình ảnh động nhưng nhẹ nhàng đến mức tinh vi. Trong văn chương trung đại người ta thường gợi nhiều hơn tả. Tuy hai câu thơ là động nhưng chúng lại nhằm lột tả cái tĩnh tại của không gian. Giữa mặt hồ trong xanh, hoạt động của chiếc thuyền và làn gió thoảng cũng chỉ đủ làm cho mặt nước “hơi gợn tí” mà thôi. Thử hình dung xem, chắc người trên thuyền phải ngồi trầm ngâm, yên lặng đến mức nào và không gian phải rất tĩnh lặng thì mới có thể cảm nhận được âm thanh của chiếc lá thu “khẽ đưa vèo” trong không gian. Dường như con người và cảnh vật đang rơi vào trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối. Tĩnh lặng mà không chết lặng. Cái tĩnh lặng của con người chi phối cái tĩnh lặng của cảnh vật. Bởi:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Cảnh thu là “cảnh tâm hồn thơ”, là chất lắng đọng trong tâm hồn nhà thơ. Không trực tiếp nói ra tâm trạng của mình, tác giả dành những biểu hiện đó cho thiên nhiên. Nó thể hiện mối giao cảm sâu sắc giữa người và cảnh. Và có lẽ mùa thu của ông dù đẹp đến mấy cũng luôn luôn đượm buồn.

Mùa thu, có lẽ nếu như trước đó đã có, và sau này vẫn sẽ có rất nhiều bài thơ viết về nó nhưng người ta sẽ không thể nào quên đi bức tranh “câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến khi mà:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.

Viết bình luận