Chùm ca dao "Thân em..." là một nét đặc sắc trong kho tàng ca dao Việt Nam. Em hãy chứng minh

Hình ảnh người phụ nữ được coi là biểu tượng muôn đời của cái đẹp. Nhưng bên cạnh đó, họ phải chịu đựng biết bao khổ đau về cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là trong xã hội phong kiến với thói trọng nam khinh nữ. Tâm trạng này của họ được thể hiện rất rõ qua chùm ca dao than thân "Thân em..."

Nói về thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ, Nguyễn Du đã có câu:

Thương thay thân phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Quả thật, trong xã hội ấy không riêng gì ai mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải chịu khổ đau. Đó là vì xã hội họ sống là xã hội đen tối, bất công với tập tục "trọng nam khinh nữ", không cho họ quyền làm chủ và quyết định cuộc sống của mình. Cuộc đời họ bất hạnh hay đau khổ đều phụ thuộc vào những người đàn ông. Tâm trạng buồn đau ấy được họ gửi gắm vào những câu ca dao ngọt ngào để giãi bày và chia sẻ cùng mọi người. Vì vậy, đọc những câu ca ấy, ta thấy rõ những cảm xúc, suy nghĩ cũng như những nỗi khổ đau của họ. Đó là những nét đặc sắc trong chùm ca dao "Thân em...".

Thân em như dải lụa đào

Những bài ca dao than thân này được bắt đầu bằng một mô tip truyền thống "Thân em...".

Thân em như dải lụa đào....

Thân em như cây quế giữa rừng...

Hai tiếng "Thân em..." vang lên nhẹ nhàng, êm ái. Đó là lời tự giới thiệu, tự giãi bày về bản thân của người phụ nữ. Người phụ nữ thể hiện sự tự ý thức về thân phận của mình qua cách nói rất giản dị, khiêm nhường. Dù các bài ca dao đề tài này đều là những tiếng nói chung của người phụ nữ nhưng mỗi bài đều mang những nét đặc sắc riêng.

Thân em như dải lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

"Dải lụa đào" là mảnh lụa rất đẹp, là biểu tượng cho cái đẹp mỏng manh, bấp bênh. Cuộc đời của họ là cuộc đời trôi nổi, không quyết định được số phận của mình.

Phất pha giữa chợ biết vào tay ai?

Câu hỏi tu từ ngân lên đầy nhức nhối, xót xa. Đó không chỉ là lời than, lời trách móc, nỗi lo sợ mà còn thể hiện sự bế tắc của họ. Đồng thời, đây cũng là lời lên án, tố cáo xã hội bất công. Câu hỏi tu từ ấy là câu hỏi nhức nhối muôn đời của người phụ nữ. Câu ca nêu lên nghịch cảnh trớ trêu, tài, sắc đi đôi vởi bất hạnh càng làm bật lên nỗi khổ đau của họ.

Thân em như giếng giữa đàng.

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân

Người phụ nữ so sánh thân phận của mình với hình ảnh "giếng giữa đàng" vừa trong lành, mát lạnh để thể hiện vẻ đẹp tinh khiết của mình. Người phụ nữ có nội tâm trong sáng, đẹp đẽ như thế nhưng vẫn phải chịu sự bất hạnh, phải phụ thuộc vào những người đàn ông. Số phận của họ hèn mọn và nhỏ bé biết bao! Câu ca đao trở thành tiếng khóc thầm của người phụ nữ cho số kiếp đau khổ của mình.

Nếu như ở hai bài ca trên, người phụ nữ thể hiện sự tự hào, kiêu hãnh về vẻ đẹp ngoại hình và nội tâm thì trong bài ca này, họ lại coi mình là những vật rất nhỏ bé, vô nghĩa.

Thân em như miếng cau khô

Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày

Người phụ nữ so sánh mình chỉ như "miếng cau khô". Họ trở thành một món hàng trao đi đổi lại. Người phụ nữ không chỉ ý thức được tài, sắc của mình mà còn ý thức được thân phận hèn mọn của họ. Đối với họ, dù là "kẻ thanh" hay "người thô" thì đều là những con người tham lam, họ vẫn phải chịu đựng nồi khổ đau. "Mỏng" hay "dày" cũng chỉ là cách nói ẩn dụ về những bất hạnh, trắc trở trong cuộc đời người phụ nữ. Cuộc đời của họ gặp biêt bao truân chuyên. Số phận của họ thật là đáng thương. Câu ca còn là lời lên án xã hội phong kiên với hình ảnh "kẻ thanh", "người thô" chà đạp lên số phận người phụ nữ, không cho họ định đoạt cuộc đời mình.

Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa

Thân em như hạt mưa sa.

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Chùm ca dao Thân em... là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ

"Hạt mưa" cũng là, một vật nhỏ bé, rơi vô định. Và số phận người phụ nữ cũng thế, bấp bênh, trôi nổi. Họ dù có xinh đẹp, sắc tài vẹn toàn thì cũng đều chịu thân phận bi kịch, không được tự do hôn nhân, không được chủ động định hướng cuộc đời mình. Lời ca không chỉ là tiếng than mà còn là tiếng nói lên án gay gắt xã hội đen tối bất công, chỉ coi thân phận người phụ nữ là con sâu cái kiến. Qua đây, ta cũng nhận ra khát vọng của người phụ nữ về quyền hạnh phúc. Một khát vọng bé nhỏ nhưng rất đáng trân trọng.

Chùm ca dao "Thân em..." là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ. Nét đặc sắc của những bài ca này là ở sự tự ý thức về mình của người phụ nữ. Họ ý thức tài, sắc và cả thân phận nhỏ bé, hèn mọn của mình. Họ chịu biết bao bất công, khổ đau trong cuộc đời mà có ai hiểu cho. Chùm bài ca không chỉ là lời than thân trách phận cho số kiếp của người phụ nữ mà còn là lời lên án xã hội tàn bạo, bất công không cho con người quyền sống và mưu cầu hạnh phúc. Lời từng bài ca vang lên xót xa, thổn thức bởi đó chính là tiếng khóc thầm của những người phụ nữ.

Trong thế giới ca dao muôn màu, muôn vẻ, có lẽ chùm ca dao than thân "Thân em..." là một trong những đề tài đặc sắc nhất. Đọc các bài ca dao, ta càng cảm thông, thương xót cho số phận của những người phụ nữ - biểu tượng của cái đẹp muôn thuở đã từng chỉ được coi là thân phận của con sâu, cái kiến, không có quyền gì trong cuộc đời mình.

Viết bình luận