Chứng minh tinh thần yêu nước của cha ông ta trong lịch sử. Từ đó, em rút ra cho mình những bài học gì?

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, lòng yêu nước luôn được nhân dân ta đặt lên hàng đầu. Mảnh đất Việt có được sự tươi đẹp như ngày hôm hay là nhờ các thế hệ ông cha chúng ta đã cần mẫn vun xới bằng tình yêu của mình đối với mảnh đất ấy. Trải qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thời đại, ông cha ta vẫn giữ trọn lòng mình với đất mẹ kính yêu. Văn học chính là cuốn lịch sử ghi chép, lưu giữ, phản ánh sinh động và cụ thể quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha.

Từ văn học dân gian, lòng yêu nước đã được thể hiện rất rõ ràng

Từ văn học dân gian, lòng yêu nước đã được thể hiện rất rõ ràng. Đó là Thánh Gióng vươn mình thành Phù Đổng, đánh đuổi giặc Ân, là Lê Lợi với thanh gươm thần quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi... Trong chiến trận, người dân sẵn sàng xả thân cho quê hương đất nước, còn khi đất nước thái bình, người dân hăng say sản xuất, ngợi ca vẻ đẹp quê hương:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói toả ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Hay:

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”

Đến khi văn học viết xuất hiện, cảm hứng yêu nước vẫn là tư tưởng, chủ đề chính trong các sáng tác văn học nghệ thuật cũng như văn học chức năng.

Lòng yêu nước thời kì này thể hiện ở nhiều khía cạnh. Trước hết, đó là lòng tự hào về đất nước khi vừa giành được độc lập. Chúng ta thấy dõng dạc vang lên bài thơ thần của Lí Thường Kiệt khẳng định chủ quyền cho đất nước:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ, lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

Và để thể hiện cũng như khẳng định quyền làm chủ thiêng liêng ấy, đúng như dự báo của Lí Thường Kiệt, quân và dân ta đã đánh cho bọn giặc tơi bời:

“Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng

Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.”

(Bạch Đằng giang phu)

Cái nhàn ấy không phải dấu hiệu mất cảnh giác mà đó là sự kết hợp tác chiến giữa khả năng thao lược của con người với hình sông thế núi hiểm trở trợ giúp. Một thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng anh hùng:

“Vừa bốn bể trong, vừa bụi lặng

Độ xưa so với độ nay thua.”

(Hạnh Thiên Trường hành cung)

Lòng yêu nước luôn được nhân dân ta đặt lên hàng đầu

Lòng yêu nước còn là sự căm thù giặc sâu sắc khi tổ quốc lâm nguy. Nêu như sau này Chế Lan Viên nói: “Ôi, tổ quốc ta yêu như máu thịt” thì trước đó Trần Quốc Tuấn đã không khỏi đau đớn, day dứt khi thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, cậy quyền cậy thế “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình. Đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ” đến nỗi phải: “thường tới bữa quên ăn. Nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...” Nguyễn Trãi cũng đau đớn, chua xót miêu tả đến cùng bản chất độc ác, man rợ của kẻ thù:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ...”

Sự căm thù giặc đến tận xương tuỷ đã tạo nên một sức mạnh vô địch. Đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng trong hai chữ “Sát thát”, để rồi “bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở Cảo Nhai” trong cuộc phản công chiến lược:

“Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù...”

Tinh thần yêu nước ấy không chỉ thể hiện trong trận mạc mà còn thể hiện trong lẽ sống, trong sáng tác văn chương, trong tư thế của người anh hùng. Chẳng thế mà nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu vẫn giơ ngòi bút làm vũ khí đánh quân thù:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”

Ông cha ta chiến đấu vì tình yêu vô hạn đối với đất nước, bằng lòng căm thù quân giặc và bằng cả một niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng. Chính bởi niềm tin ấy nên "Nam quốc sơn hà” mới có được giọng đanh thép, Hịch tướng sĩ mới thu hút người nghe. Chính bởi thế nên Trần Quang Khải mới khẳng định:

“Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.”

(Tụng gia hoàn kinh sư)

Nhìn lại toàn bộ chiều dài lịch sử chúng ta thấy tinh thần yêu nước của nhân dân ta là không hề phai mờ. Bắt dầu từ khi dựng nước và suốt những năm tháng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta thấy lòng yêu nước của nhân dân ta chưa bao giờ phai nhạt. Đến tận ngày nay, trong thời kì đổi mới, lòng yêu nước vẫn không thôi chảy trong mỗi trái tim con người Việt Nam. Nó vẫn lưu truyền mãi trong nhiều thế hệ. Những chặng đường cha ông đã đi qua chính là những bài học quý giá cho thế hệ trẻ chúng ta học tập và phát huy.

Viết bình luận