Cùng trong cảm hứng tổng hợp về đất nước nhưng chương Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm lại có một vẻ đẹp riêng. Phân tích vẻ đẹp đó

Đất Nước là chương V của trường ca Mặt đường khát vọng được viết trong không khí sôi động của tuổi trẻ các đô thị miền Nam xuống đây đấu tranh chống Mỹ tìm về với dân tộc. Nét đặc sắc của bài thơ là tác giả cảm nhận đất nước từ nhiều phương diện, trong chiều dài thời gian, chiều rộng không gian chiều sâu văn hóa và tư tưởng chủ đạo như sợi len đỏ xuyên suốt đó là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.

Với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước có từ lâu đời xa xôi. Đất nước là những gì gần gũi thân thiết nhất. Đất nước có trong câu chuyện mẹ thường hay kể, có trong phong tục ăn trầu của bà. Đất nước đâu phải là cái gì xa lạ mà thật gần gũi quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người. Đất nước đó là hạt gạo ta ăn hàng ngày, là cái kèo cái cột nơi nhà ta ở. Đất nước đó là nơi dân mình đoàn tụ. Đất nước đi cả vào đời sống tình cảm riêng tư của mỗi con người:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm.

Đất nước có từ lâu đời xa xôi

Nét đặc sắc của Nguyễn Khoa Điềm là ở chỗ nhà thơ cảm nhận đất nước không chỉ là cái khách thể ở bên ngoài con người mà còn là cái chủ thể có trong mỗi con người. Đất nước đã trở thành cuộc sống thành máu thịt của mỗi con người. Trong mỗi người đều có một phần Đất Nước chính vì đất nước đã trở thành máu xương của mình nên mỗi con người phải có trách nhiệm đối với đất nước. Mỗi con người phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở làm nên đất nước muôn đời.

Tư tưởng chủ đạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Đất Nước là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Nhà thơ sử dụng rộng rãi những chất liệu dân gian như văn hóa dân gian, văn học dân gian để nói về đất nước. Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm ta gặp nhiều ý thơ lấy từ chuyện kể dân gian từ ca dao tục ngữ. Câu thơ Đất Nước có trong miếng trầu bà ăn gợi ta nhớ đến truyện cổ tích Trầu cau. Còn câu thơ: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu là nhắc về sự tích Nàng vọng phu. Ý thơ: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn có xuất xứ từ câu ca dao: Tay nâng chén muối đĩa gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau. Việc tác giả sử dụng những chất liệu dân gian để nói về đất nước không đơn thuần là thủ pháp nghệ thuật mà còn là sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Bởi lẽ viết về Đất Nước của Nhân dân thì không gì tốt hơn là dùng ngay lời ăn tiếng nói của nhân dân sử dụng ngay những sáng tạo của nhân dân để viết về họ. Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm nhân dân còn là người sáng tạo ra đất nước trên tất cả các phương diện từ không gian địa lý đến đời sống lịch sử và truyền thống văn hóa.

Nhận thức Đất Nước của Nhân dân đưa nhà thơ đến cách cảm nhận kỳ thú về vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh. Chính những khát vọng, những cuộc đời của người dân bình dị đã hóa thân bằng hình hài đất nước. Lòng chung thủy sắt son của người vợ chờ chồng qua bao cuộc chiến tranh, qua bao chuyến đi xa đã tạc hình thành những đá Vọng Phu. Núi Bút non Nghiên hay là quyết tâm, là mơ ước của bao học trò nghèo:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu.

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái.

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.

Đến những tên đất tên làng cũng mang tên những con người nôm na bình dị Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm. Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử. Vì vậy khi nói về đất nước tác giả không nhắc tên những triều đại, nhũng anh hùng nổi danh mà khẳng định vai trò vị trí của những anh hùng vô danh. Những anh hùng vô danh ấy là nhân dân vô tận. Họ không để lại những bảng vàng bia đá họ sống và chết giản dị bình tâm.

Không ai nhớ mặt đặt tên - Nhưng chính họ đã làm ra đất nước.

Từ sự cảm nhận nói trên nhà thơ đi đến khái quát:

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta,

Nhân dân cũng là người sáng tạo những giá trị vật chất và giá trị tình thần. Họ để lại cho các thế hệ sau nhũng giá trị vật chất từ hạt lúa đến ngọn lửa. Họ truyền lại cháu con những giá trị tinh thần:

Họ truyền lại giọng mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên làng trong một chuyến di dân.

Đất nước là những gì gần gũi thân thiết nhất

Nhân dân là người sáng tạo ra nền văn hóa dân tộc. Khẳng định điều này tác giả lại trở về với kho tàng văn học dân gian. Tâm hồn giàu chất thơ của dân tộc đã được gửi gắm qua những câu tục ngữ ca dao cũng đầy chất thơ. Qua văn học dân gian Nguyễn Khoa Điềm thấy được những truyền thống do nhân dân sáng tạo ra. Đó là truyền thống nhân ái nghĩa tình: Dạy anh biết yêu em từ thủa trong nôi (lấy từ câu ca dao: Yêu em từ thủa trong nôi, em nằm em khóc anh ngồi anh ru), Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội (có nguồn gốc từ câu ca dao: cầm vàng mà lội qua sông - Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng) đó là truyền thống yêu nước bất khuất: Biết trồng tre đợi ngày thành gậy - Đi trả thù mà không sợ dài lâu (lấy từ câu ca dao: Thù này ắt hẳn còn lâu - Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què). Với Nguyền Khoa Điềm, nhân dân chính là người sáng tạo, xây dựng và bảo vệ đất nước:

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân.

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Nhìn chung chủ đề đất nước trong văn học Việt Nam có những biểu hiện thật phong phú đa dạng từ nội dung cảm xúc đến hình thức nghệ thuật. Có khi đất nước được cảm nhận qua không gian, có lúc lại cảm nhận qua thời gian. Lòng yêu nước có khi gắn với những gì cụ thể thân thiết, có khi lại mang tình cảm khái quát tổng hợp. Lòng yêu nước có khi là những đợt sóng tình cảm trào dâng có khi lại kết tinh sâu lắng trong nhận thức. Đất nước có khi được nói qua giọng điệu trữ tình sâu lắng có lúc lại được thể hiện qua những vần thơ chính luận sôi nổi hào hùng. Với tất cả những biểu hiên phong phú sinh động thì những bài thơ hay về đất nước đều có tác dụng bồi dưỡng lòng yêu nước và nâng cao hiểu biết, nâng cao nhận thức về đất nước của mỗi người Việt Nam.

Viết bình luận