Đọc tác phẩm của Phạm Duy Tốn, ta thấy ông thật sâu sắc khi chọn tiêu đề "Sống chết mặc bay" để đặt cho truyện ngắn của mình. Vậy ngược với "Sống chết mặc bay" là cách sống như thế nào? Em hãy tìm một câu tục ngữ và giải thích, chứng minh cho câu tục ngữ

Lòng yêu thương nhân ái vốn là truyền thống ngời sáng của người Việt Nam. Cuộc sống có lúc thăng trầm, vui buồn, sướng khổ, song truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta không bao giờ phai mờ. Văn học dân gian của ta có rất nhiều câu tục ngữ khuyên con người phải có một cách sống trái ngược với lối sống "sống chết mặc bay" của tên quan phụ mẫu trong tác phẩm của Phạm Duy Tốn. Một trong những câu đó là "thương người như thể thương thân". Các bạn hiểu câu tục ngữ trên như thế nào và bằng hiểu biết ta hãy làm rõ câu tục ngữ qua những dẫn chứng lấy từ đời sống và tác phẩm văn học.

Sự đùm bọc, thương yêu, tương thân tương ái

Trước hết, câu tục ngữ là một lời khuyên chân thành, nhắc nhở mọi người phải biết giúp đỡ, yêu thương người khác như lo cho chính bản thân mình. Câu tục ngữ chia làm hai vế so sánh rất rõ: một vế là "thương người" qua từ dùng so sánh "như thể" cân đối với vế bên kia là "thương thân". Cách nói ngắn gọn, lại vận dụng so sánh đã làm sáng ngời lên một lối sống "vì mọi người". Nếu thương người xung quanh, mà lại như thương thân mình thì mức độ thương yêu là tuyệt đối và chân thật, hết lòng và tận tụy rồi. Một lối sống như vậy chỉ trở thành lối sống chủ yếu ở một xã hội tốt đẹp, văn minh thôi. Sự đùm bọc, thương yêu; tình tương thân, tương ái giúp đỡ người, không phải là thương hại. Đa dạng hơn nữa, không chỉ giúp người nghèo đói, mà còn phải động viên, an ủi, chia sẻ, cảm thông với những nỗi cô đơn, bất hạnh của những mảnh đời không may mắn, giúp họ tin yêu vào cuộc đời.

Trong xã hội ta đã có nhiều việc làm đẹp thể hiện nội dung của câu tục ngữ trên: Đó là việc lập ra những trại trẻ mồ côi dành cho những trẻ em bất hạnh, không cha mẹ, không gia đình, không nơi nương tựa. Đó là việc lập ra các tổ bán báo xa mẹ, khiến các em cảm thấy mình gắn bó, có ích với xã hội, cảm nhận thấy một tình thương yêu của đại gia đình cộng đồng. Đó là những gia đình bất hạnh trong các tổ, cụm dân phố được chính quyền và đoàn thể giúp đỡ, cưu mang. Chiến tranh đã để lại bao đau thương, mất mát, thiệt thòi cho nhiều gia đình; hoặc có nhiều gia đình đã dâng hiến cả những người con duy nhất cho tổ quốc. Giờ đây họ sống ra sao, nên giúp họ như thế nào? Điều này, các đoàn thể, chính quyền đã nghĩ và có việc làm giúp đỡ cụ thể... Trong lớp, trong trường, có bạn nào gia đình nghèo khó, bất hạnh, tập thể tổ lớp, đoàn đội và các thầy cô giáo tìm mọi cách giúp đỡ để các em học sinh đó bớt khổ đau, yên tâm học tập. Đó là cách "Thương người như thể thương thân" đang trở thành một lối sống đẹp trong xã hội ta.

Là một trong những kết tinh rực rỡ nhất những việc làm đẹp "thương người như thể thương thân" là ở Bác Hồ kính yêu một người Việt Nam đẹp nhất. Vì "thương người", thương đất nước lầm than, thương dân tộc nô lệ Bác đã quên bản thân mình cùng những hạnh phúc cá nhân. Trọn một đời cống hiến cho dân tộc, cho nhân dân. Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã dặn dò rằng "Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể nhân dân". Tình thương yêu ấy trùm lên non sông đất nước, lên cuộc đời của mỗi con người, hiện tại và mãi mãi về sau. Ta cảm động biết bao.

Phong trào ủng hộ người nghèo

Không chỉ ở ngoài đời, ngay trong văn học, ta có thể tìm thấy những biểu hiện đẹp của lòng nhân ái, yêu thương "Thương người như thể thương thân". Trong Ngữ văn 6 đã học, ta cảm động trước tấm lòng của Dế Mèn với người bạn là Dế Trũi bị bọn Châu Chấu Voi bắt làm tù binh, bặt vô âm tín. Mèn đã từ giã chức thủ lĩnh Tổng Châu Chấu, khăn gói lên đường tìm bạn. Trên đường đi đầy gió rét và bụi đường, Mèn thường thầm gọi bạn "Trũi ơi, giờ này em ở đâu?". Một tình cảm yêu thương trong sáng, hết lòng. Quả đúng là: "Thương người như thể thương thân" vậy.

Trong sách Ngữ văn 7, tập một, chúng ta cũng được học tác phẩm của nhà thơ nỗi tiếng đời Đường (Trung Quốc); Đỗ Phủ. Thơ của ông không những rất hay (vì đó là thơ Thánh), nhưng thơ ông còn làm xúc động lòng người bởi lòng nhân ái, "Thương người như thể thương thân".

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!

(Bài ca nhà tranh bị gió thu phá) Nhưng tấm lòng của "thi nhân thế giới - Đỗ Phủ" không chỉ dừng ở mức câu tục ngữ mà còn vượt lên cao đẹp hơn nữa: đó là cách nghĩ, cách sống: thương người hơn cả thương thân:

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

(Bài ca nhà tranh bị gió thu phá)

Như vậy, chúng ta đã bàn đến một lối sống đẹp, nhân ái; ngược lại với lối sống của tên quan hộ đê vô trách nhiệm, ích kỉ, vô nhân đạo trong sống chết mặc bay kia. Dân gian còn nhiều câu hay tương tự với "Thương người như thể thương thân" như "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Chị ngã, em nâng" hoặc trong ca dao Việt Nam thì nhiều vô kể: "Bầu ơi thương lấy bí cùng", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương"... Rồi phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là những tấm lòng nhân ái, đó là lối sống đẹp đã trở thành truyền thống của người Việt Nam mà chúng ta - những người học sinh của thế kỉ XXI phải thấm nhuần, học tập, và hành động - sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Viết bình luận