Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã hiện lên với vẻ đẹp như thế nào?

Với sự tinh tế của một nghệ sĩ, với tình yêu thiết tha sông Hương và xứ Huế, với sự hiểu biết tường tận về dòng sông này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả thành công vẻ đẹp kiều diễm của sông Hương, cố đô Huế.

Trước hết, đây là một dòng sông có vẻ đẹp "phóng khoáng và man dại". Khi chảy qua lòng dãy Trường Sơn, sông Hương tựa như "một bản trường ca của rừng già". Nó "rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thách". Bên cạnh vẻ đẹp "man dại" huyền bí ấy, sông Hương còn là một dòng sông thơ mộng, "dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Khi chảy qua thành phố Huế, màu sắc sông Hương thay đổi theo mỗi thời điểm trong ngày: "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím". Nó mang vẻ đẹp kín đáo "trầm mặc" khi uốn lượn vòng qua ngoại ô xứ Huế để rồi "mơ màng" trong sương khói, bảng lảng qua những khu vườn xanh mướt những khóm tre và bụi trúc của thôn Vĩ Dạ nên thơ.

Ngoại ô xứ Huế

Hơn nữa, vẻ đẹp của sông Hương không chỉ được phát hiện và diễn tả trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn luôn được nhìn dưới góc độ văn hóa, lịch sử. Hoàng Phủ Ngọc Tường ví sông Hương như "một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya". Theo ông, "toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này". Nhà văn nhắc tới thi hào Nguyễn Du, người đã từng làm quan ở xứ Huế. Ngay từ đầu bài kí, tác giả đã đưa người đọc vào không khí văn hóa cổ kính: "Tôi ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay mặt ra sông". Bởi vậy, nhà văn hoàn toàn có lí khi đưa ra chi tiết đầy gợi cảm: Tác giả Truyện Kiều đã bao đêm đi thuyền, nghe nhạc và ngắm "phiến trăng sầu" trên sông Hương, ở đây, sự liên tưởng của tác giả dựa theo những nét gần gũi giữa cảnh và người trong Truyện Kiều với cảnh và người của sông Hương xứ Huế.

Ngoài đời, sông Hương vốn tươi đẹp, thơ mộng, khi vào trang sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường, con sông này còn thơ mộng và tươi đẹp gấp bội phần qua những liên tưởng, so sánh tài hoa của người nghệ sĩ. Nhà văn ví sông Hương như một thiếu nữ với những nét tính cách tưởng chừng đối lập nhau, vừa có chất "man dại", "phóng khoáng" vừa "tế nhị", vừa rất mực đa tình nhưng cũng tuyệt vời chung tình.

Viết bình luận