Em hiểu ý nghĩa của tết trồng cây do Bác Hồ phát động như thế nào và phong trào đó ở khắp nơi trên đất nước ta?

Mùa xuân, khi chim chóc bay về làm tổ; khi màu xanh, lộc biếc mượt mà trải dài trên đường phố, làng quê; khi hoa đào, hoa mai rực rỡ sắc hương trong nắng xuân, nhân dân ta lại vui vẻ tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Một trong những hoạt động đón xuân vui vẻ ấy là Tết trồng cây. Và trong những ngày ấy, ai ai cũng nhắc đến lời Bác:

Mùa xuân là tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Cây xanh góp phần điều tiết không khí trong lành

Đã từ lâu, con người sớm có ý nghĩ được sự gắn bó mật thiết giữa mình và thiên nhiên. Cây xanh góp phần điều tiết không khí trong lành để con người sống khỏe mạnh, cây xanh đem đến bóng mát cho con người mỗi khi trời nắng, cây xanh đem đến cho con người quả ngọt, trái sai, cây xanh gọi chim về làm tổ tặng ta tiếng hót mỗi buổi sớm mai

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng xã hội mới. Bác Hồ đã đề xướng ngày Tết trồng cây. Khi còn sống, năm nào mùa xuân đến, Bác cũng tự đi trồng cây. Noi gương Bác và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhân dân ta đều hăng hái trồng cây và dịp Tết. Tết trồng cây trở thành một thói quen, một phong trào không thể thiếu được trong dịp đầu xuân. Tết trồng cây trở thành ngày hội của nhân dân ta.

Nhân dân ta tổ chức Tết trồng cây hàng năm là để tưởng nhớ đến Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và để làm theo lời dạy bảo quý báu của Người.

Mỗi dịp Tết trồng cây, chúng ta thêm gắn bó với thiên nhiên, đất nước, làm đẹp thêm cho khung cảnh xung quanh nơi chúng ta sống, bảo vệ môi trường lành mạnh nơi chúng ta ở, làm giàu thêm cho cuộc sống của chúng ta.

Tết trồng cây cũng gây cho con người tinh thần gắn bó, cảm hòa với nhau hơn vì một mục đích tốt đẹp vì lợi ích chung của xã hội, của con người.

Trồng thêm cây xanh, chúng ta góp phần khôi phục lại sự tàn phá, khai thác bừa bãi rừng, chống xói mòn, tăng thêm sự màu mỡ cho đất, điều hòa mực nước của sông ngòi, hạn chế lũ lụt, ngăn gió biển, nước biển tràn vào phá hoại mùa màng. Trồng thêm cây xanh, chúng ta còn tạo ra một tiềm năng của cải vật chất lớn lao cho đời sống mỗi gia đình và xã hội. Hàng triệu cây chúng ta trồng mỗi năm, trong một thời gian sẽ có một lực lượng gỗ lớn để xây dựng nhà cửa, đóng thuyền bè, vật dụng cần thiết cho cuộc sống, cung cấp cho công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp nhẹ và xuất khẩu. Đối với những thành phố công nghiệp, việc trồng cây xanh còn giữ được bầu trời trong lành, ngăn chặn được những độc hại do khí thải ở các nhà máy, do ô nhiễm của xe cộ đi lại.

Trồng cây, bảo vệ và giữ gìn cây xanh

Cuộc sống của con người sẽ vui hơn, đẹp hơn, học sinh chúng ta sẽ giữ gìn được sức khỏe tốt hơn trong mỗi ngày đến cơ quan, nhà máy, trường học trong những hàng cây rợp mát, trong tiếng ríu rít của chim chóc reo ca và trong niềm vui quây quần quanh mái ấm gia đình có hoa thơm trái ngọt.

Ngày ngày đi học giữa làn xe cộ tấp nập, khói thải từ nhà máy và xe cộ làm không khí ô nhiễm đấy là chưa kể đến lượng phế thải của rác, của những dòng sông đen ngòm nước thải. Khắp nơi trên thành phố, những khẩu hiệu: hãy cứu lấy bầu trời thành phố như thúc giục, nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn cho thành phố sạch đẹp, tạo cho thành phố có không khí trong lành. Việc tổ chức trồng cây trên đường phố, công viên, trường học vào những dịp Tết trồng cây theo lời dạy của Bác càng có một ý nghĩa lớn lao.

Nghĩ đến Bác Hồ và lời dạy bảo của Bác, chúng ta càng thấm thía về công lao to lớn của Bác đối với dân tộc và với mỗi chúng ta. “Trồng cây lại nhớ đến Người”, lời hát ngợi ca công ơn của Bác như nhắc nhở chúng ta ngày ngày. Làm theo lời Bác, chẳng những chúng ta phải lao động, học tập để xây dựng đất nước ngày một to đẹp hơn, đoàng hoàng hơn", mà còn phải thể hiện những ước mong bình thường mà Bác trước lúc đi xa dặn lại. Trồng cây chẳng phải vì lợi ích mười năm mà còn là vì lợi ích muôn đời cũng như trồng người vậy.

Tết trồng cây mà Bác Hồ kính yêu đề xướng là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa cho lợi ích đời sống và hạnh phúc lâu dài. Ngày hội trồng cây hàng năm vào dịp Tết, đã trở thành một phong tục tốt đẹp không thể thiếu được trong đời sống của nhân dân ta. Chúng ta phải biến hoạt động này thành ý thức thường trực và phát triển với quy mô rộng lớn, làm cho đất nước ta càng ngày càng xuân", làm cho màu xanh cây lá mãi mãi như là biểu tượng của một đời sống ấm no, hạnh phúc. Trồng cây, bảo vệ và giữ gìn cây xanh vì thế là trách nhiệm thường xuyên của tất cả chúng ta, nhất là dịp Tết trồng cây hàng năm.

Viết bình luận