Giải thích và chứng minh câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công”

Tôi không nhớ câu thơ, lời hát do ai viết. Song, đúng là một triết lí tuyệt vời bởi nó đúng với chúng ta những điều đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Đời người là vô cùng rộng lớn và không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Kể cả những người thành đạt nhất cũng không tránh khỏi đôi lần thất bại. Có những thất bại đắng cay. Song, chính sự thất bại đã làm con người trưởng thành, giàu kinh nghiệm lên và vững vàng đi tới chiến thắng. Chính vì thế mà ông cha ta đã đúc kết thành câu tục ngữ để khuyên dạy cháu, con: "Thất bại là mẹ thành công".

Thất bại giúp ta nhìn ra sai sót

Trước hết, ta hiểu câu tục ngữ như thế nào? Câu tục ngữ có sáu tiếng nhưng trong đó có hai từ trái ngược nhau: "thất bại" và "thành công". Đồng thời, chỉ trong có bốn từ đó thôi, mà dân gian kết hợp vừa so sánh để khẳng định qua từ "là", lại vừa kết hợp nghệ thuật ẩn dụ: coi thất bại là người mẹ (của "thành công"). Khi nói đến "mẹ" ai chẳng nghĩ đến sự dạy bảo chí tình, chí nghĩa; ai chẳng biết mẹ mong mỏi điều tốt cho các con, mẹ mong cho các con thành đạt. Vậy cớ gì vô lí khi "thất bại" của mỗi người chúng ta lại được ví như mẹ ta. Vì thất bại giúp ta nhìn ra sai sót, nhìn ra chỗ yếu của mình để bổ sung cho hoàn thiện, để thêm cho sức mạnh. Thất bại nhiều lần, ta sẽ rút kinh nghiệm được nhiều lần để đi đến chiến thắng. Thất bại lớn hay nhỏ, ít hay nhiều, nếu ta không nản lòng ngã chí, tất sẽ thành công. Trong cuộc sống con người ta không phải lúc nào cũng đẹp, cái gì cũng thành công. Song, điều quan trọng là phải có nghị lực nhìn vào cái thất bại ấy, mà rút kinh nghiệm, mà học hỏi, bổ sung cho hoàn thiện vốn hiểu biết của mình thì chắc chắn thành công sẽ đến.

Ta hiểu như thế vì cái lí, cái tình đều đúng. Ta hiểu như thế còn bởi tấm gương của các bậc tiền bối chính là kim chỉ nam cho ta theo. Ngày xưa, dân gian ta ca ngợi mãi con người "có công mài sắt, có ngày nên kim" như ông Đoàn Tử Quang - một con người có nghị lực phi thường. Sau nhiều lần đi thi không đỗ, ông vẫn tu dưỡng dùi mài kinh sử đèn sách, tiếp tục đi thi nhiều lần và đến năm 81 tuổi, ông đã đỗ Trạng nguyên. Thật là một tấm gương sáng để khẳng định giá trị câu tục ngữ "Thất bại là mẹ thành công"

Ta cũng không thể quên ông trạng "Văn hay chữ tốt" Cao Bá Quát đã từng "thất bại" khi viết dùm bà lão hàng xóm lá đơn kêu oan. Lá đơn ấy của Cao Bá Quát lời lẽ thì hay còn chữ xấu quá quan không đọc nổi. Bà cụ đã chẳng kêu được oan mà còn bị đuổi ra khỏi công đường. Từ "thất bại" ấy ông đã nhận ra rằng văn có hay mấy mà chữ xấu thì cũng chả ích gì. Không chỉ rèn rũa văn chương ông còn miệt mài luyện chữ và trở thành nổi danh khắp nước làng "văn hay chữ tốt". Đó chẳng phải "Thất bại là mẹ thành công" sao?

Ngày nay, cũng rất nhiều anh, chị học lớp 12 rất giỏi, song đi thi đại học không phải đỗ ngay. Có thể năm sau, năm sau nữa mới đỗ. Nhưng các anh, các chị cũng luôn luôn rèn luyện với tinh thần "Thất bại là mẹ thành công" để quyết chí học hành.

Đạt thành công từ những thất bại ban đầu

Lại nói: chuyện xa hơn, trên thế giới, tấm gương của các thiên tài như, ông Ể-đi-xơn - nhà vật lí nổi tiếng thế giới - đã thất bại 1000 lần trong thí nghiệm, mới tìm ra được chất dùng làm dây tóc bóng đèn đấy. Nếu không có 1000 lần cố gắng của ông, thì không biết nhân loại bao giờ mới có dây tóc bóng đèn để phục vụ con người? Bao nhiêu lần thất bại để đổi lấy một thành công, nhưng là một thành công tuyệt vời - một thành công sinh ra từ một nghìn người mẹ thất bại. Thật đáng khâm phục!

Khi nhắc đến hoạt hình, một món "khoái khẩu" của lứa tuổi chúng ta không ai không biết đến Oăn Đi-xnây với những bộ phim và nhân vật hoạt hình nỗi tiếng thế giới, làm bao thế hệ trẻ thơ phải say mê. Vậy mà trước khi sáng tạo nên Đi-xnây-len ông đã từng bị sa thải khỏi tòa báo vì thiếu ý tưởng và nếm mùi phá sản không ít lần. Những thất bại ấy của Oăn Đi-xnây là "mẹ" để sản sinh ra những đứa con "thành công". Rồi nhà bác học Lu-i Pa-xtơ, nhà văn Lép Tôn- xtôi, ông chủ hẵng xe hơi danh tiếng Hen-ri Pho... đều đã từng gặp thất bại, không chỉ một lần. Vậy nhưng sau những thất bại ấy họ đã đứng lên. Bà mẹ thất bại đã nâng đỡ để một ngày vòng nguyệt quế vinh quang đến với họ.

Thật giản dị, các bạn ạ! Trong lớp các bạn có những học sinh học kém: có thể đã vài ba lần bị điểm yếu khi trả bài kiểm tra. Hãy nhắc bạn ấy rút kinh nghiệm ngay từ những người mẹ thất bại ấy. Thể nào bạn ấy sẽ học giỏi lên đấy!

"Chúng con cảm ơn các thầy cô giáo đã giúp chúng con đạt thành công từ những thất bại ban đầu, để ngày hôm nay, chúng con yêu Văn đến thế...".

Hãy xem lại việc học của mình nhé và đừng nản lòng. Hãy xem kĩ lại "công trình học tập thất bại" để rút ra kinh nghiệm đi đến thành công. Đừng bao giờ nghĩ rằng: "Mãi mãi mình là người học kém, mãi mãi mình là người thất bại!". Hãy vững vàng bạn nhé vì bên ta, câu tục ngữ của cha ông ta luôn nhắc nhở, động viên ta: "Thất bại là mẹ thành công" đó, hỡi các bạn!

Viết bình luận