Giới thiệu về nhà văn hóa nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện và đoạn trích Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại”. Đồng thời, hãy nêu chủ đề của bài viết

Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997) sinh ra trong một gia đình khoa bảng (thân phụ là cụ Nguyễn Khắc Niêm làm Thượng thư Bộ Lễ triều đình nhà Nguyễn), quê ở làng Gôi Vị, xã Sơn Hòa huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học tiểu học tại Hà Tĩnh và Huế, trung học tại Trường College Vinh, một trường có tiếng nhiều học sinh giỏi như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh)... Sau khi chuyển vào Huế học và đỗ Thành chung. Năm 1931, ông ra Hà Nội học lớp tú tài trường Bưởi và năm 1934, ông đỗ xuất sắc ba bằng tú tài ở trường Bưởi.Năm 1934, ông thi đậu vào trường Đại học Y khoa Hà Nội và đến năm 1937 thì ông được sang Pháp học tại Đại học Y khoa Paris. Năm 1941, ông tốt nghiệp bác sĩ hai bằng: nhi khoa và các bệnh nhiệt đới nhưng do Thế chiến thứ hai bùng nổ nên ông không thể trở về và tham gia hoạt động phong trào Việt kiều. Trong thời gian này, ông mắc bệnh lao và phải điều trị dài hạn trong trại an dưỡng Saint Hilaire du Touvet, tỉnh Grenoble, một bệnh viện dành cho trí thức và sinh viên Pháp. Sau 6 tháng điều trị, bệnh có đỡ, ông xin ra viện tiếp tục hoạt động. Nhưng vì ăn uống kham khổ và làm việc quá sức, bệnh tái phát. Nhưng nhờ nghị lực cao, dần dần lấy lại sức, vừa nằm điều trị, vừa đọc sách triết học Đông - Tây, tìm ra phương pháp dưỡng sinh hợp với thể bệnh của bản thân để tự cứu chữa, đồng thời tham gia các hoạt động ủng hộ kháng chiến ở Việt Nam.

Nhà văn hóa nổi

Tại Pháp, ông nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, phản đối chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ tại Đông Dương. Ông là người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Năm 1963, ông bị trục xuất về nước do các hoạt động chống chiến tranh. Năm 1964, ông là ủy viên ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, sáng lập và chủ biên tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, rồi làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới). Năm 1984, ông nghỉ hưu và được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba. Từ tháng 7 - 1996, ông bị ốm nặng, cầm cự bằng phương pháp dưỡng sinh và qua đời ngày 10 - 5 - 1997 tại Hà Nội. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Ngày 1 - 9 - 2000, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn Việt Nam, một thiên lịch sử của ông.

Nguyễn Khắc Viện là nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, nhà hoạt động xã hội có uy tín. ông là một kẻ sĩ hiện đại đã hoạt động hết mình trong việc làm cho thế giới hiểu đúng về đất nước và con người Việt Nam, xây dựng một xã hội Việt Nam văn minh, dân chủ. Từ đó giúp chúng ta hiểu thêm về con người và sự đóng góp của Nguyễn Khắc Viện, có thêm cơ sở để khẳng định ông là một nhà văn hoá nổi tiếng, những yếu tố góp phần hình thành con người văn hóa - Nguyễn Khắc Viện, ông đã viết hàng trăm bài báo, chủ biên nhiều sách tiếng Pháp và tiếng Việt được đánh giá cao trong và ngoài nước về các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, văn học, lịch sử, y học, tâm lí trẻ em,... ông là một hình mẫu kết hợp Đông - Tây của văn hóa Việt Nam trên con đường hội nhập với thế giới. Những tác phẩm bằng tiếng Pháp của ông có thể kể đến như Kiều (dịch, 1965); Kinh nghiệm Việt Nam (1970); Việt Nam, tổ quốc tìm lại (1977); Việt Nam, một thiên lịch sử (2007),... tiếng Việt như Hỏi đáp về dưỡng sinh, Bàn về đạo Nho (1993),...

Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại

Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” được trích từ bài Noi theo đạo nhà trong cuốn Bàn về đạo Nho (1993). Đoạn trích tập trung thể hiện quá trình tu dưỡng, rèn luyện của bản thân của tác giả, cũng như gợi ý về con đường phấn đấu trở thành kẻ sĩ hiện đại của người trí thức Việt Nam nói chung luôn thấm nhuần đạo lí Nho gia - những người trí thức của một dân tộc vốn có truyền thống văn hóa riêng của mình. Qua đó tác giả cũng muốn gửi gắm đến người đọc về chính kiến và đạo lí của một kẻ sĩ trong bối cảnh xã hội có những thay đổi lớn lao. Chính nhan đề Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” đã thâu tóm chủ đề đoạn trích.

Viết bình luận