Khi bắt đầu công việc và khi gần đến mục đích là những lúc có nhiều nguy cơ thất bại nhất

Có một câu chuyện kể rằng: Một người đàn ông nổi tiếng về tài trèo cây hướng dẫn cho chàng trai trẻ trèo lên một cây cao. Ông yêu cầu chàng trai trèo lên chặt ngọn cây này. Trong suốt thời gian đó, khi chàng trai đang ở trong tình huống cực kỳ nguy hiểm, ông vẫn giữ im lặng không nói một lời nào. Chỉ đến khi chàng trai xuống được một nửa, ông mới nói lín: “Cẩn thận! Hãy coi chừng!”. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi ông: ông nói vậy để làm gì? Ở độ cao này an toàn hơn nhiều khi nãy chứ?”.

Nhưng sai lầm thường đến vào lúc người ta không thể ngờ đến

“Đó mới là vấn đề”, ông nói, "Khi cậu ta trèo lên đến độ cao nguy hiểm như lúc nãy và có thể ngã bất cứ lúc nào, thì cậu ta khắc biết cách để cẩn thận nên tôi không cần phải nhắc nhở. Nhưng sai lầm thường đến vào lúc người ta không thể ngờ đến...

Bạn nghĩ như thế nào về câu chuyện này? Nó rất phù hợp để minh chứng cho một ý kiến cho rằng: khi bắt đầu công việc và khi gần đến mục đích là những lúc có nhiều nguy cơ thất bại nhất.

Tại sao lại như vậy?

Dân gian ta vẫn thường hay nói: “Vạn sự khỏi đầu nan” - mọi sự khi bắt đầu bao giờ cũng rất khó khăn. Khởi đầu, đó là khi người ta phải đối mặt với rất nhiều thứ: sự lúng túng do chưa quen người, chưa quen việc, chưa tìm ra được hướng đi phù hợp để giải quyết vấn đề... chính vì những điều đó mà họ luôn phải đối mặt với suy nghĩ: khó khăn như vậy liệu mình có làm được hay không? Mình sẽ thất bại mất thôi... Những suy nghĩ tiêu cực ngay từ thời điểm mới bắt tay vào công việc chính là nguy cơ đẩy bạn đến thất bại. Hơn thế nữa, những khó khăn thất bại gặp phải trong giai đoạn này cũng dễ khiến người ta nản lòng mà không còn đám tiếp tục theo đuổi ước mơ, nghĩa là đang có nhiều nguy cơ thất bại nhất. Người ta đâu biết rằng nếu như vượt qua được khó khăn ban đầu đó, có thể mọi thứ sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Và thậm chí, chính những khó khăn ấy lại là cơ hội cho con người rèn luyện mình, thể hiện cá tính và phát hiện sức mạnh tiềm ẩn của bản thân. Thời điểm khi công việc gần đến mục đích cũng là thời điểm con người đối mặt với nhiều nguy cơ thất bại nhất. Cũng giống như lời giải thích của ông thầy trong câu chuyện đã được nhắc đến ở trên: “Khi cậu ta trèo lên đến độ cao nguy hiểm như lúc nãy và có thể ngã bất cứ lúc nào, thì cậu ta khắc biết cách để cẩn thận nên tôi không cần phải nhắc nhở. Nhưng sai lầm thường đến vào lúc người ta không thể ngờ đến..”.. Thời điểm lúc công việc chuẩn bị hoàn thành, mục đích chuẩn bị đạt được cũng là lúc người ta dễ chủ quan, không cẩn thận, không duy trì được những nề nếp góp phần làm nên chiến thắng mà mình đã duy trì trước đó mà dễ vấp phải những sai lầm không đáng có, vấp phải thất bại. Trong suốt quá trình thực hiện, người ta luôn biết rằng mình sẽ phải cố gắng thật nhiều để hoàn thành công việc, cũng như lúc đã trèo cây đến độ cao nguy hiểm người ta sẽ hết sức cố gắng vậy. Còn khi công việc đã hoàn thành, đôi khi mải mê với viễn cảnh của thành công trước mắt, với ý nghĩ ở thời điểm này thì mình không thể thất bại được nữa mà cuối cùng, thất bại đáng tiếc lại xảy ra. Lúc gần đến với vinh quang cũng là lúc con người ta có nguy cơ thất bại nhiều nhất là như vậy.

Chiến thắng bằng cách vượt qua những trở lực ngăn cản bạn đến với nó

Có thể nói ý kiến là sự chiêm nghiệm từ thực tế một cách chân thực. Nó phản ánh một tâm lý, thói quen thường gặp con người. Đứng trước khó khăn, nếu như không quyết tâm thực hiện, nếu như không hướng tới những điều tốt đẹp, họ sẽ dễ bị rơi vào trạng thái chán nản, từ chán nản mà buông xuôi công việc. Đó cũng là tâm lý chủ quan, nóng vội mong muốn nhanh đi đến đích. Cả hai tâm lý này đều là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thất bại rất cao. Người ta sẽ khó có cơ hội đến với thắng lợi cuối cùng ngay từ giai đoạn đầu tiên cũng như ở trong những phút giây tưởng như đã nắm chắc phần thắng trong tay. Vậy, để thay đổi điều này chúng ta phải làm gì?

Tất nhiên, cần bắt đầu từ chính nơi ta phạm sai lầm. Hãy thay đổi mọi thứ, hãy đưa mình đến chiến thắng bằng cách vượt qua những trở lực ngăn cản bạn đến với nó. Mỗi người hãy rèn luyện cho mình thói quen suy xét mọi việc thật kỹ. Xác định được rằng, khó khăn là điều không thể tránh khỏi đặc biệt là trong thời điểm khởi đầu, khi mọi thứ còn đang rất mới mẻ và chưa có được những hướng đi rõ ràng. Rèn luyện cho mình thói quen vững vàng đối diện với khó khăn, không nản chí, nhụt chí là điều đầu tiên quan trong để bạn có cơ hội thực hiện những bước đi tiếp theo, hướng tới thắng lợi. Bên cạnh đó, cũng cần xác định được nguy cơ thất bại có thể đến rất nhiều khi chuẩn bị kết thúc công việc, lúc mà tưởng như không còn có gì phải lo lắng, cần phải luôn thận trọng trong mọi hành động, không chủ quan trước ánh hào quang của chiến thắng phía cuối con đường mà quên mất rằng mình phải bước tiếp một chặng đường nữa mới có thể đến được với nó và ai có thể dám chắc rằng, trên chặng đường cuối cùng đó không có một rào cản nào đó xuất hiện, quật ngã bạn, nếu như bạn không luôn sẵn sàng đối phó với nó. Và tất nhiên, một điều cũng quan trọng và cần thiết không kém là việc cần phải cố gắng quyết tâm rất nhiều trong quá trình thực hiện. Khởi đầu tốt đẹp, khi bạn đã vượt qua khó khăn để bước tiếp, nhưng nếu như không cố gắng vượt qua những khó khăn tiếp theo thì mọi cố gắng ban đầu cũng trở nên vô nghĩa. Cố gắng mọi lúc, mọi nơi để có thể thực hiện mọi thứ một cách tốt nhất có thể và bỏ qua những sai lầm không đáng có, thành công sẽ đến với bạn.

Người ta thường nói: thất bại thường đến từ những điều mà chúng ta không ngờ tới. Bởi vậy, hãy sáng suốt trong mọi hoàn cảnh để biết rằng mình đang ở đâu và mình phải làm điều gì có ích cho bản thân, cho những điều mình đang theo đuổi, bạn sẽ đến đích.

Viết bình luận