Nêu cảm nghĩ về nhân vật Trương Ba trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Trong đoạn trích, qua sự hiện diện của hồn Trương Ba, những lời lẽ độc thoại và đối thoại của hồn Trương Ba, có thể thấy Trương Ba là một người có nhân cách trong sáng. Con người ấy sống ngay thẳng, trung thực, hết lòng thương yêu vợ con, coi việc mang lại hạnh phúc cho những người thân yêu là lẽ sống của đời mình, dũng cảm đối mặt với những cái xấu xa, kiên cường giữ vững phẩm giá để mình được sống thành thực là mình. Đoạn trích là đỉnh điểm của xung đột kịch, những căng thẳng dồn nén cao độ đẩy đến chỗ không thể không giải quyết. Hồn Trương Ba đã bị dồn vào sự đau khổ cùng cực nhất: tự mình ý thức được sự tha hóa của mình, bị thân xác anh hàng thịt xỉ nhục, bị bọn cường hào nhũng nhiễu, nhìn thấy con trai hư hỏng mà không dạy dỗ được, bị những người thân chê trách, xa lánh vì như lời cô con dâu "mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi...". Tất cả những cái đó khiến hồn Trương Ba vốn cao khiết không thể chịu đựng được nữa, không thể khuất khục trước thể xác, trước những cái xấu xa và tự đánh mất mình. Lời đối thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích cho thấy lẽ sống cao đẹp của Trương Ba: "Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi! Còn lấy lí lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc!". Từ đó Trương Ba đã đi tới một quyết định sáng suốt, đúng đắn: trả lại thân xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết vĩnh viễn, để hình ảnh Trương Ba được sống trong mọi người mãi mãi như bản chất vốn có của Trương Ba. Đế Thích lại đưa Trương Ba vào cuộc thử thách cuối cùng: nhập vào xác cu Tị, một em bé hàng xóm vừa chết. Hồn Trương Ba rất thương cu Tị vì đó là một đứa bé ngoan, bạn thân của cái Gái, cháu nội yêu quý của ông. Nhưng ông không thể tái diễn bi kịch sống trong thân xác mượn của người khác: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Vì thế ông đã xin Đế Thích cho cu Tị được sống lại, còn mình thì xin được chết, cho dù Đế Thích có nói rõ cho ông thấy tất cả sự hư vô khủng khiếp của cái chết. Trương Ba ra đi với ước vọng mọi người sẽ nhớ tới mình đúng như Trương Ba của ngày xưa, với niềm tin sự sông vẫn tiếp tục và những điều tốt đẹp lại nảy mầm, sinh sôi, đâm hoa kết trái trên cõi đời này. Và đúng là Trương Ba đã ra đi, nhưng cái chết ấy lại là bắt đầu sự bất tử của hình ảnh Trương Ba, lẽ sống cao đẹp của Trương Ba: "Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà rẫy cỏ... Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu..".

Trương Ba

Dựa theo truyện cổ dân gian để sáng tạo nên nhân vật Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đưa ra một quan niệm đẹp về cách sống: Hãy sống chân thật là mình, không giả dối hay vay mượn kiểu sống của ai, hãy sống vì mọi người, vì hạnh phúc và sự tốt đẹp của con người.

Viết bình luận