Nguyễn Đình Thi đã suy tư và cảm nhận như thế nào về quê hương, đất nước Việt Nam trong phần cuối bài thơ. (Từ: “ôi những cánh đồng quê chảy máu" đến hết)

Nhà thơ Huy Cận đã viết:

“Sống vững chãi bốn ngìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thật sáng hai bờ tư tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”

Đúng vậy, đối với mỗi con người Việt Nam lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước luôn cháy trong huyết quản. Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi là một bài ca như vậy. Với “Đất nước”, Nguyễn Đình Thi không viết về hình ảnh của một miền quê cụ thể nào mà bao trùm lên toàn bài thơ là hình tượng đất nước đau thương nhưng bất khuất, anh hùng, là niềm tự hào về quê hương Việt Nam đặc biệt là trong phần cuối bài thơ.

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Nguyễn Đình Thi đã viết thật xúc động, đầy ấn tượng về hình ảnh đất nước bị giặc giày xéo trong chiến tranh.

“Ỏi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều”

Đây quả là những câu thơ giàu giá trị tạo hình, gây được ấn tượng sâu sắc bằng những hình ảnh đập mạnh vào giác quan người đọc. Những hình ảnh này được xây dựng bằng thủ pháp ngược sáng của điện ảnh và nhiếp ảnh, làm nổi bật những tương phản gay gắt: trong ánh chiều tà, những hàng dây thép gai của giặc tua tủa như đâm nát cả bầu trời, bóng chiều hắt xuống làm cho cánh đồng vùng vành đai trắng đỏ rực lên như đang chảy máu. Từ những hình ảnh ấy có thể thấy được sự tàn phá của bom đạn chiến tranh và sự dã man của kẻ thù.

Trên cái nền của cảnh đất nước đau thương ấy, Nguyễn Đình Thi đã làm nổi bật tàm trạng của người chiến sĩ:

“Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu"

Quả thật là tinh tê, Nhà thơ đã cảm nhận được sâu sắc những rung động trong tâm hồn người ra trận. Chữ “dài” đi với chữ “nung nấu” cùng với chữ “bồn chồn” đa diễn tả rất đạt mối quan hệ giữa tình cảm thường trực và đột xuất, thể hiện thật thỏa đáng và sâu sắc sự hài hòa giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước.

Bằng sự trải nghiệm của mình, Nguyễn Đình Thi đã đi đến những khát quát cao độ của những gian khổ, những mất mát hi sinh to lớn của đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:

“Ngày, nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh”

Và những đau thương ấy còn được thể hiện qua tội ác của giặc. Những tội ác mà “trời không dung, đất không tha”.

hình tượng đất nước đau thương nhưng bất khuất

Thế nhưng vượt qua những đau thương, gian khổ, hi sinh đất nước chúng ta vụt chói lòa trong chiến thắng của cuộc chiến tranh yêu nước và vì thế lòng tự hào, niềm tin về tương lai của đất nước ở bài thơ càng bừng sáng. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh khái quát, tượng trưng cho đất nước từ trong máu lửa của chiến tranh, từ trong đau thương căm phẫn đứng dậy hào hùng:

“Súng nổ rung trài giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Chỉ với bốn dòng thơ 24 chữ ngắn gọn, bạn đọc có cảm tưởng như trước mặt là một đoàn quân đang chui lên từ lòng đất và hô vang khẩú hiệu “tấn công”. Trên cái nền của máu, lửa, bùn lầy bức tượng đài của đất nước sừng sững hiện lên chói ngời. Cả đất nước Việt Nam đoàn kết một lòng thành một sức mạnh quật khởi ngút trời.

Bác hồ đã từng nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Và nước Việt Nam đã làm được như vậy. Bài thơ “Đất nước” đã soi bóng vào tâm hồn tác giả để rồi bộc lộ vẻ đẹp của mình trong khổ đau, gian nan, vất vả, nhọc nhằn.

Viết bình luận