Nhân vật Dế Mèn là nhân vật chính trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu kí” (Văn học 6). Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật đó

1. TÌM HIỂU ĐỀ:

- Đây là kiểu bài phát biểu cảm nghĩ về nhân vật văn học, cụ thể là phát biểu về nhân vật Dế Mèn trong truyện Dế Mèn phiêu lưu kí (Văn học 6).

- Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí trong chương trình lớp 6 được học qua ba đoạn trích:

+ Tôi sống độc lập từ thủa bé - Một sự ngỗ nghịch đáng ân hận suốt đời.

+ Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa.

+ Lại một chuyện rủi ro với các bạn Kiến - Sự tức giận của mấy cô bé học trò - Ai có công nhất?

Vì thế, bài làm có cái khó là phải bao quát được cả ba đoạn trích này. Nó đòi hỏi người viết phải đọc kĩ tác phẩm, tìm hiểu kĩ về nhân vật Dế Mèn trong ba đoạn trích, nắm được vấn đề cơ bản của nhân vật này trong các đoạn trích, trên cơ sở đó nêu được những cảm nghĩ về nhân vật sao cho thích hợp.

Cảm phục trước tài nghệ và sự dũng cảm của Dế Mèn

2. DÀN BÀI SƠ LƯỢC:

a) Mở hài:

- Giới thiệu về tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí và nhân vật Dế Mèn.

- Nêu cảm nghĩ chung về nhân vật Dế Mèn.

b) Thân bài:

- Phê phán thói kiêu ngạo, ngỗ ngược, lối sống ích kỉ của Dế Mèn.

+ Thói kiêu ngạo, ngỗ ngược của Dế Mèn.

+ Dế Mèn đã làm khổ, làm hại người khác.

Say mễ, hào hứng theo dõi cuộc tranh hùng của Dế Mèn với võ sĩ Bọ Ngựa.

- Bị hấp dẫn trước lí tưởng của Dế Mèn.

c) Kết bài:

Nhấn mạnh một lần nữa cảm nghĩ chung về nhân vật Dế Mèn trong ba đoạn trích.

3. DÀN BÀI CHI TIẾT:

a) Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí, một tác phẩm xuất sắc, rất nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài.

- Nêu cảm nghĩ chung về nhân vật Dế Mèn: phê phán thói kiêu căng, ngỗ ngược; hào hứng và cảm phục khi theo dõi cuộc tranh hùng giữa Dế Mèn với võ sĩ Bọ Ngựa; say mê trước lí tưởng của Dế Mèn.

b) Thân bài:

- Phê phán thói kiêu ngạo, ngỗ ngược, lối sống ích kỉ của Dế Mèn.

+ Phê phán Dế Mèn:

. Phê phán sự hông hách, kiêu ngạo, ngỗ ngược của Dế Mèn.

. Phê phán hành động làm khổ, làm hại người khác của Dế Mèn: hành động trêu chọc chị Cốc của Mèn đã dẫn tới cái chết thê thảm của Dế Choắt.

+ Cảm thông, cùng chia sẻ với thái độ hối hận của Dế Mèn.

. Dế Choắt bị chị Cốc mổ rất đau, không động đậy được nữa, nằm thoi thóp, Dế Mèn rất ân hận.

. Khi Dế Choắt chết, Dế Mèn đem xác Dế Choắt đi chôn với nỗi đau đớn khôn nguôi.

Dế Mèn đã dẫn tới cái chết thê thảm của Dế Choắt

- Say mê, hào hứng khi theo dõi cuộc tranh hùng của Dế Mèn với võ sĩ Bọ Ngựa.

+ Cuộc tranh hùng đầy căng thẳng, quyết liệt và hấp dẫn.

+ Cảm phục trước tài nghệ và sự dũng cảm của Dế Mèn.

. Dế Mèn tỏ ra tài nghệ cao cường, rất dũng cảm.

. Dế Mèn tỏ ra đã chín chắn hơn, khiến người đọc có thiện cảm hơn.

- Bị hấp dẫn trước lí tưởng của Dế Mèn.

+ Đồng tình với lí tưởng sống hòa bình của Dế Mèn.

+ Sự trung thực của Dế Mèn chiếm được tình cảm của người đọc.

c) Kết bài:

Nhấn mạnh một lần nữa cảm nghĩ chung về nhân vật Dế Mèn: vừa tỏ thái độ với thói xấu của Dế Mèn lúc tuổi trẻ, vừa bị hấp dẫn, đầy cảm phục trước hình ảnh Dế Mèn say mê lí tưởng, dũng cảm và trung thực.

4. GỢI Ý LÀM BÀI:

a) Mở bài:

Dế Mèn phiêu lưu kí là một tác phẩm xuất sắc, rất nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm viết về cuộc phiêu lưu kì thú, đầy sóng gió của chú Dế Mèn. Nhân vật rất đỗi quen thuộc đối với trẻ thơ này đã để lại ấn tượng, những tình cảm phong phú và sâu sắc trong lòng người đọc.

b) Thân bài:

Đọc Dế Mèn phiêu lưu kí người đọc có lúc không đồng tình, có thái độ phê phán thói kiêu ngạo của Dế Mèn. Cậy mình cường tráng, Mèn “dám cà khịa với tất cả mọi người bà con trong xóm”. Người ta nể Mèn, nhường nhịn Mèn, nhưng chú lại cứ tưởng họ sợ mình “không ai dám ho he”. Dế Mèn đã quát mắng mấy chị Cào Cào, thỉnh thoảng lại ngứa chân đá anh Gọng Vó. Dế Mèn có tính kiêu ngạo, không thèm nhìn ai, xốc nổi, lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba, tưởng mình là tay “ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Chú có biết đâu đó chỉ là thói hung hăng, hông hách hão, những cử chỉ ngông cuồng, ngu dại của mình mà thôi...

Với tính kiêu ngạo, hung hăng, hống hách, Dế Mèn đã trêu chị Cốc, đem đến cho Dế Choắt một tai họa khôn lường. Bất chấp lời khuyên can của Choắt, cho rằng mình không còn biết sợ ai hơn mình nữa, Mèn đã trêu chọc chị Cốc. Nhưng đến khi chị Cốc phản ứng lại thì Mèn lại hèn nhát chui sâu vào trong hang của mình, để mặc cho Choắt bị đòn oan. Hành động của Mèn thật đáng chê trách.

Sự nghịch ranh của Dế Mèn đã gây nên cái chết thê thảm của Dê Choắt. Khi Choắt bị chị Cốc mổ làm quẹo xương sống không sao dậy được nữa, Mèn rất hối hận. Dế Mèn hiểu rõ ràng cái chết của Dế Choắt chính là do “cái tội ngông cuồng dại dột” của mình gây ra. Mèn đem xác Choắt đi chôn với sự hối hận, đau đớn chân thành. Sự ăn năn, hối hận của Mèn đã gợi lên trong lòng người đọc một thái độ cảm thông, chia sẻ.

Hình ảnh Dế Mèn trong đoạn trích Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa có sức hấp dẫn thực sự đối với người đọc, đặc biệt là đối với những bạn đọc nhỏ tuổi. Người đọc cảm thấy đầy hào hứng khi theo dõi cuộc tỉ thí giữa Dế Mèn với Bọ Ngựa. Chăm chỉ theo dõi từng hiệp đâu, người đọc khi thì hồi hộp, khi thì lo lắng, khi hả hê trước chiến thắng vẻ vang của Mèn. Ai cũng khâm phục võ nghệ cao cường và lòng dũng cảm của Mèn. Qua lần chạm trán với Bọ Ngựa trong cửa hàng và cuộc tranh hùng với Bọ ngựa, người ta thấy Dế Mèn đã trưởng thành, trở nên chững chạc, chín chắn hơn, và vì thế, người đọc cũng có thiện cảm hơn đối với Mèn.

Lí tưởng của Dế Mèn là “muôn loài cùng nhau kết làm anh em”

Lí tưởng của Dế Mèn là “muôn loài cùng nhau kết làm anh em”, cùng nhau chung sống hòa bình. Đó là một mơ ước tốt đẹp. Dế Mèn đã không quản muôn vàn khó khăn gian khổ, đi tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện mơ ước đó. Dế Mèn đã cùng với Dế Chũi và Xiến Tóc lên đường đến vùng kiến để nhờ họ hàng nhà kiến truyền đi muôn nơi lời kêu gọi hòa bình. Do có sự hiểu lầm mà cả làng cả họ nhà kiến kéo nhau đến đánh đoàn du lịch của Dế Mèn. Dế Mèn đã chủ động gặp gỡ Kiến Chúa để thông cảm với nhau, cùng nhau nhận ra sự nhầm lẫn tai hại! Dế Mèn đã dõng dạc tuyên đọc kêu gọi hòa bình và đã được tất cả mọi loài vật reo hò, hưởng ứng. Muôn loài gần xa đều nhắn tin về hoan nghênh lời hịch hòa bình. Ước mơ và hành động đó của Dế Mèn có sức hấp dẫn và lôi cuốn tuổi trẻ giàu mơ ước và khát vọng.

c) Kết bài:

Qua chương I, Chương VI và Chương IX của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí, tính nết của Dế Mèn đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Thời gian đầu, Dế Mèn hiếu thắng, nông nổi, càng về sau, Dế Mèn càng trở nên từng trải, chín chắn hơn. Hình ảnh chàng “Dế Mèn yêu lao động, thích vui chơi, biết mơ ước, rất ghét đứa làm ác, cho nên khi gặp lí tưởng thì Dế Mèn giác ngộ và có lí tưởng” (Tô Hoài) là nhân vật tiêu biểu nhất cho hệ thống nhân vật phiêu lưu của Tô Hoài. Dế Mèn cũng là một nhân vật có sức sống mạnh liệt đã từ trang sách bước ra ngoài đời, chiếm được cảm tình và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người đọc, nhất là với lứa tuổi thiếu niên.

Viết bình luận