Nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có lòng “hiếu nghĩa đủ đường”, nhân cách trong sáng. Em hãy chứng minh

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Mở đầu tác phẩm Truyện Kiều của mình, Nguyễn Du đã viết như vậy. Ông viết cho người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại có cuộc đời đầy gian truân đau khổ. Đó là Thuý Kiều. Nàng là hiện thân của những gì tuyệt vời về tài sắc, về nhân cách trong sáng, tấm lòng hiếu nghĩa mọi bề không bao giờ thay đổi dù cho cuộc đời nàng đầy những cơn sóng lớn vùi dập thân xác và tâm hồn. Điều đó được thể hiện rất rõ ràng trong suốt chiều dài của cuốn truyện thơ mà người đọc, người nghe đều dễ nhận thấy.

Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn

Thuý Kiều được sinh ra trong một gia đình trung lưu, cha mẹ nàng đã già yếu. Vì thế tấm lòng hiếu nghĩa đầu tiên của nàng là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Nàng đã hi sinh đời con gái, hi sinh cả mối tình đầu đẹp tuyệt vời của mình để bán thân lấy tiền chuộc cha và em:

Hạt mưa xá nghĩ phận hèn

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.

Không một ai ép buộc Kiều nhưng nàng đã tự nguyện với tất cả lòng lo lắng thương yêu cha mẹ. Nàng thật có hiếu với lòng hi sinh cao cả

Đâu đã hết, khi lưu lạc, rơi vào chốn lầu xanh, Kiều không lúc nào là không nhớ đến song thân:

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?

Kiều ở lầu Ngưng Bích với biết bao tâm trạng buồn tủi, lo âu tê tái nhưng nàng vẫn không quên đạo làm con, nàng cảm thấy có tội vì không chăm sóc được cha mẹ già. Thuý Kiều xa nhà là bởi vì đâu? Nàng phải chịu bao đau khổ là vì đâu? Cũng do một phần là nàng đã tự nguyện bán mình chuộc cha và em. Nàng không bao giờ trách cứ gia đình mà còn luôn nghĩ rằng mình có lỗi. Tấm lòng của nàng thật đáng thương, đáng trân trọng biết nhường nào.

Khi Kiều phải tiếp khách làng chơi, khi tỉnh rượu tàn canh, tâm hồn và thể xác rã rời nhưng nàng vẫn nhớ đến cha mẹ mỗi ngày một già yếu đi:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

Kiều luôn hướng về quê nhà. Phải chăng đó là nguồn sống của nàng giúp nàng xua bớt ưu tư phiền muộn?

Ngay cả khi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, nàng cũng nghĩ đến cảnh:

Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.

Kiều đâu ham gì công danh quyền quý nàng chỉ muốn làm mẹ cha vui lòng, nở mày nở mặt với mọi người, như thế là nàng đã báo đáp được ơn sinh thành.

Không chỉ có hiếu với mẹ cha mà nàng còn nhớ thương đến hai em:

Sân hoè đôi chút thơ ngây.

Nàng thương Thuý Vân, Vương Quan còn trẻ dại, nàng luôn mong cho hai em được hạnh phúc dù nàng đang khổ hơn rất nhiều.

Cuối cùng, Kiều luôn có nghĩa đối với người yêu, người đã từng thề nguyền sẽ sống đến tóc bạc răng long.

Kiều phải chịu biết bao dằn vặt đau đớn khi trao duyên cho em. Nhưng nàng quyết phải làm vì nếu không nàng sẽ trở thành con người bội bạc, quên nghĩa, quên tình:

Để lòng thì phụ tấm lòng với ai.

Kiều hình dung ra cảnh Kim Trọng và thường lo cho chàng cứ mòn mỏi trông chờ nàng:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Nhân cách trong sáng như Thuý Kiều

Nhân cách của Thuý Kiều là thế, tấm lòng hiếu, nghĩa của nàng không bao giờ thay đổi. Kiều sống có ân nghĩa: nàng mang ơn và quyết trả ơn những người đã giúp đỡ mình đồng thời nàng cũng thẳng tay trừng phạt những thế lực bạc ác vùi dập cuộc đời nàng.

Tấm lòng nhân nghĩa của nàng Kiều hoà quyện nhân cách trong sáng tạo thành một con người tuyệt vời.

Khi nàng lọt vào lầu xanh, ngày ngày phải tiếp khách làng chơi, nàng luôn ưu tư đơn độc. Cuộc sống buông thả, sa đoạ ở lầu xanh cùng với những thú vui vật chất vẫn không làm Kiều vui được:

Mặc người mưa Sở mây Tần

Nhưng mình nào biết có xuân là gì?

Đối với Kiều, ngày nào còn ở chốn lầu xanh thì ngày đó nàng không thể biết tới mùa xuân vui tươi, ngược lại chỉ là một chuỗi ngày băng giá, đen tối. Nếu nàng có vui thích thì chỉ:

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Và mặc dù:

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa vẫn không làm nàng giảm bớt những phiền muộn, những nhục nhã xót xa cho cuộc đời mình. Mọi hành động của nàng đều là gượng ép, miễn cưỡng bởi vì chốn lầu xanh không phải nơi ở của một cô gái có tâm hồn, nhân cách trong sáng như Thuý Kiều.

Ngày xưa cũng như ngần này, các cô gái đã sa vào chốn bùn nhơ thường khó thoát ra được mà có khi ngày càng buông thả cho cuộc đời mình trôi về đâu thì trôi. Nhưng Kiều thì không thế, nàng luôn mang trong lòng tâm sự:

Ôm lòng đòi đoạn xa gần

Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau.

Nỗi đau của Kiều nó cứ âm ỉ cháy làm cõi lòng Kiều héo úa vì đau đớn. Điều đó chứng tỏ tâm hồn Kiều trong sáng, thật khó làm vẩn đục được. Kiều luôn muốn vươn lên khỏi chốn bùn nhơ và nàng làm mọi cách để thoát ra khỏi nơi lầu xanh, Kiều không bao giờ thích ứng được với cuộc sống xấu xa này.

Ở cuối tác phẩm của mình, Nguyễn Du có viết:

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Thật vậy, Thuý Kiều với nhân cách trong sáng, tấm lòng hiếu nghĩa của mình thật đáng để mọi người nể và cảm phục. Nàng luôn là hiện thân của một tâm hồn tuyệt vời như là viên ngọc ngày càng được mài dũa. Truyện Kiều sống mãi trong lòng người đọc qua nhiều thế kỉ cũng là nhờ phần chính ở nhân vật Thuý Kiều đẹp đẽ này.

Viết bình luận