Phân tích bài thơ Sóng của tác giả Xuân Quỳnh

Đề bài:

Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

 

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

 

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

 

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

 

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức!

 

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

 

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Biển Diêm Điền, 29.12.1967

(Văn học 12, tập một, Nxb. Giáo dục, 2000, tr.228 - 230)

Gợi ý làm bài

I. Những lưu ý về tác giả Xuân Quỳnh

- Xuân Quỳnh là nhà thơ tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, cũng là gương mặt đáng chú ý của nền thơ Việt Nam hiện đại.

Bản sắc thơ Xuân Quỳnh tươi tắn, hồn hậu và nồng nhiệt

- Quê ở thôn La Khê, xã Văn Khê, một vùng có nghề dệt lụa nổi tiếng. Mồ côi mẹ từ nhỏ, không sống gần cha. Niềm khao khát tình thương, tình yêu, mái ấm gia đình, sự nhạy cảm với tình mẫu tử ở Xuân Quỳnh có lẽ còn do bắt nguồn từ một tuổi thơ nhiều thiệt thòi.

- Nhà thơ khởi đầu từ sân khấu, nhưng mê thơ nên rời bỏ để hoạt động văn học. Xuân Quỳnh sớm được chú ý, nhưng lại phải vượt qua nhiều khó khăn để có thể gắn bó với thơ.

- Bản sắc thơ Xuân Quỳnh tươi tắn, hồn hậu và nồng nhiệt. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn gắn bó thiết tha với cuộc đời, con người, khao khát tình yêu, trân trọng, chăm chút cho hạnh phúc bình dị đời thường.

- Thơ tình yêu là một mảng đặc sắc ở Xuân Quỳnh. Đó là tiếng thơ bày tỏ trực tiếp những khát khao sôi nổi, mãnh liệt mà chân thành, tự nhiên của một trái tim phụ nữ trong tình yêu.

II. Cảm nhận chung về bài thơ

- Bài thơ được viết trong chuyến đi của Xuân Quỳnh về vùng ven biển Diêm Điềm, tỉnh Thái Bình, ngày 29.12.1967.

- Bài thơ có một âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng, gợi ra các nhịp con sóng liên tiếp gối nhau, lúc tràn lên sôi nổi, lúc êm dịu lắng lại. Thể thơ 5 chữ với những dòng thơ thường là không ngắt nhịp, cùng với sự trở đi trở lại, bồi hoàn của hình tượng sóng đã tạo ra nhịp điệu và âm hưởng ấy. Nhưng sự mô tả nhịp điệu bên ngoài (sóng) là để diễn tả nhịp bên trong của tâm hồn: những đợt sóng của tình yêu khao khát, dào dạt, sôi nổi và da diết lắng sâu. Mượn sóng để nói khát vọng tình yêu, nhà thơ đã tìm được một hình tượng thật xác đáng và đẹp.

- Kết cấu hình tượng của bài thơ, nổi lên bao trùm là hình tượng Sóng, nhưng bài thơ còn có hình tượng “em”. Sóng là ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân của em. Hai nhân vật ấy phân đôi ra để soi chiếu vào nhau và cộng hưởng. Tâm trạng người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để thấy mình rõ hơn, nhờ sóng để biểu hiện những trạng thái xúc động, những khát khao mãnh liệt của mình.

III. Phân tích

1. Bài thơ viết về tình yêu nhưng ngay từ đầu nhà thơ không trực tiếp bộc lộ tâm trạng của mình mà mượn Sóng, một hình tượng gần gũi, để nói.

Sóng nhớ tới bờ

Sóng thể hiện những trạng thái trái ngược: dữ dội/dịu êm; ồn ào/lặng lẽ. => Tâm hồn đang yêu tự thức nhận về những biến động khác thường của lòng mình và khát khao vượt ra khỏi những giới hạn chật chội, tìm đến những miền bao la, vô tận như con sóng phải tìm ra sông bể. Khát vọng tình yêu được cảm nhận như khát vọng vĩnh hằng, muôn thuở của nhân loại, mà trước hết là của tuổi trẻ.

2. Từ tự nhìn lại để thức nhận về tình yêu trong lòng mình dẫn đến nhu cầu phân tích, lý giải. Đó như một quy luật tự nhiên của tâm lý: Sóng bắt đầu... Khi nào ta yêu nhau.

Soi vào lòng mình, đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi về khởi nguồn của tình yêu, nhân vật trữ tình đã nói lên được quy luật sâu xa của tình yêu: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu (Xuân Diệu).

3. Tình yêu đi liền với nỗi nhớ. Nỗi nhớ của người phụ nữ đang yêu được diễn tả thật sâu đậm. Bao trùm cả không gian (Dẫu xuôi về phương Bắc, Dẫu ngược về phương Nam); chiếm lấy cả tầng sâu và bề rộng (Con sóng... trên mặt nước); khắc khoải trong mọi thời gian (ngày, đem, cả trong mơ). Nó choán đầy cõi lòng, không chỉ trong ý thức mà cả tiềm thức (Lòng em nhớ đến anh, Cả trong mơ còn thức).

Người phụ nữ đang yêu mạnh bạo, chân thành bày tỏ những khát khao trong lòng => Đây là điều mới mẻ cả trong đời lẫn trong thơ. Đó là tình yêu hết mình, quên mình, đòi hỏi sự duy nhất, tuyệt đối, đi liền với khát khao về mái ấm gia đình, với sự gắn bó lâu bền, thủy chung Quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh có gốc rễ trong tâm thức dân tộc.

Tâm trạng khát khao và nỗi nhớ da diết trong bài thơ nhờ cách thể hiện sóng đôi qua emsóng làm cho nó vừa được bộc bạch trực tiếp lại vừa được miêu tả với các sắc thái cụ thể, gợi cảm, mỗi nét tâm trạng đều trở lại một điệp khúc, như những vòng sóng nối nhau, dội lại, cộng hưởng và lan tỏa.

Sóng nhớ tới bờ: Ngày đêm không ngủ được / Con nào chẳng tới bờ. Dù muôn vời cách trở.

Em nhớ đến anh: Cả trong mơ còn thức / Nơi nào em cũng nghĩ / Hướng về anh một phương.

4. Nhạy cảm với thời gian, ý thức về thời gian gắn với niềm âu lo và khát khao trong hiện tại:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Tình yêu đi liền với nỗi nhớ

Nhưng âu lo mà không dẫn đến thất vọng. Trái lại, càng sống hết mình, mãnh liệt hơn. Vượt lên tất cả là sự dâng hiến:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Đó là niềm khao khát dâng hiến, đồng thời cũng là ước muôn vĩnh viễn hóa tình yêu của mình để nó sống mãi với thời gian.

5. Bài thơ thể hiện những cung bậc của tình yêu có khi mạnh mẽ, táo bạo, nhưng ở đây vẫn mang đậm bản sắc của trái tim người phụ nữ Việt Nam, nồng nhiệt mà cũng rất đôn hậu. Đó cũng là lý do khiến người đọc yêu thích bài thơ và tiếng thơ Xuân Quỳnh trở thành tiếng hát từ trái tim yêu của người phụ nữ nước Việt.

Tư liệu tham khảo

Ngôi - nhà - thơ của một phụ nữ

Nếu không có tai nạn quái ác ngày 29.8.1988 cướp mất cùng lúc ba tài năng: Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ và Lưu Quỳnh Thơ, thì chẳng mấy ngày nữa, chị đã tròn 50 tuổi. Ngày Xuân Quỳnh mất, mới 46 tuổi, đang tràn đầy sức sáng tạo: đã có 6 tập thơ (in riêng), 7 tập truyện thiếu nhi... Sau ngày chị ra đi, nhiều nhà thơ, nhà phê bình đã ghi nhận rất công tâm những đóng góp của Xuân Quỳnh, điều mà trước đó chẳng phải ai cũng thừa nhận. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân: Có lẽ từ thời Xuân Hương, qua các chặng đường phát triển, phải đến Xuân Quỳnh, nền thơ ấy mới thấy lại một thi sĩ mà tài năng và sự đa dạng của tâm hồn được thể hiện ở một tầm cỡ đáng kể như vậy, dồi dào phong phú như vậy. Nguyễn Duy đặt Xuân Quỳnh là một trong vài ba cái tên được xếp hàng đầu nếu lập danh sách những nhà thơ tiêu biểu nhất thời nay. Còn Anh Ngọc khẳng định: đấy là một tài năng phong phú, sắc sảo, với những đóng góp có vị trí đặc biệt trong nền thơ Việt Nam hiện đại nói chung và... xuất sắc nhất trong giới thơ nữ nói riêng.

Ngôi - nhà - thơ của một phụ nữ

Bằng chứng của những đánh giá ấy chính là ngôi - nhà - thơ của Xuân Quỳnh chứ không đơn thuần là lời khen tặng, vì đương thời, hơn ai hết, chị từng “uất ức”, “khi mới bước vào nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ nên tôi quyết phải sống. Mà sống, tức phải viết” (Bản tiểu sử, ngày 29.8.1982).

Xuân Quỳnh đã trải qua nhiều năm tháng cơ cực, vất vả. Mồ côi mẹ sớm, chỉ được học đến lớp sáu. Sau này, lăn lộn nhiều nơi, nhiều nghề, chị vẫn cố gắng chăm chỉ tự học. Từ năm 1955, Xuân Quỳnh gia nhập Đoàn ca múa Trung ương, ở đó, chị thành đạt, được đi biểu diễn 13 nước. Nhưng cuối cùng, nhất quyết bỏ nghề, theo “nghiệp” thơ. Cuộc đời không hứa trước những vinh quang chị gặt hái ở làng văn, còn bản thân thì luôn nhận thấy chông gai, tai ương trên con đường ấy. Song, làm thơ với Xuân Quỳnh là “sống thêm một cuộc đời nữa”, và không thể từ bỏ, vì như thế, khác nào đánh mất mình:

Ôi trời xanh - xin trả cho vô tận

Trời không xanh trong đáy mắt em xanh

Và trong em không thể còn anh

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa!

(Nếu ngày mai em không làm thơ nữa!)

Hiếm thấy một nhà thơ nào có sự hòa quyện “nhiều con người” trong cùng một phụ nữ như Xuân Quỳnh. Thơ chị là khúc hát trữ tình đằm thắm của người con, người tình, người vợ, người mẹ, của một công dân. Chừng ấy con người mặt trong ngôi - nhà - thơ của một tâm hồn phong phú. Người làm thơ tài hoa nhưng hết đỗi hồn nhiên, thành thật và sâu lắng trong cảm xúc của mình. Bởi vậy, ngôn từ thơ Xuân Quỳnh cầu kỳ, cao xa mà gần gũi, thân thuộc hằng ngày. Chị đã thổi vào thơ hơi ấm nồng nàn của trái tim và dáng vẻ, cốt cách của mình lên câu chữ. Điều ấy làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Xuân Quỳnh! Và, cũng giải thích vì sao thơ chị tràn ngập hình ảnh con người, cuộc sống bình thường lại không rơi vào tầm thường. Những hình ảnh ấy đi vào thơ với bóng dáng thân thuộc và tràn ngập tình thương mến của tác giả. Chị viết về Mẹ của anh (mẹ chồng) như chính mẹ mình, hơn nữa, với sự đồng cảm của người phụ nữ về niềm vui, nỗi đau, về hạnh phúc và bất hạnh ở đời:

Ngày xưa má mẹ cùng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần

Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao...

Những câu thơ cho con của Xuân Quỳnh thuộc vào loại hay nhất của thơ về trẻ em. Có người nói “chùm thơ này đã nâng bản chất làm mẹ lên nghệ thuật làm mẹ”, vì những hiểu biết tinh tế tâm hồn tuổi thơ. Song, điều đáng quý vẫn là tình yêu dạt dào, sự chắt chiu, đùm bọc tuổi thơ của một người mà khi đối diện với các em vẫn thấy thiếu:

Nắng thì lưng mẹ làm cây

Đạn bom mẹ đã vòng tay làm hầm

Một năm... rồi mấy mươi năm

Có bao em bé còn nằm nữa đâu

Vầng trăng đã vỡ trên đầu

Dòng sông đã gãy nhịp cầu tuổi thơ...

(Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc)

Tình yêu của mẹ đối với con có phần thuộc về bản năng, tự nhiên nhi nhiên. Nghệ thuật ở mức thấp có tính tự phát của tình cảm. Nghệ thuật cũng như tình yêu, càng đẹp đẽ, tinh tế bởi ánh sáng trí tuệ. Những rung động đời thường trong thơ Xuân Quỳnh là cảm xúc sâu sắc của trí tuệ và mang đậm cá tính sáng tạo của một cây bút tài hoa.

Đóng góp nhiều trong đời làm thơ của Xuân Quỳnh là mảng thơ tình. Từ những ngày mới ra mắt bạn đọc, người ta đã cảm nhận thơ tình của cô diễn viên múa có hơi hướng “là lạ”. Một người con gái tự tin ở sức mình, hơn nữa, còn muốn chở che cho người khác:

Ngủ đi anh! Cứ ngủ

Đã có em thức canh

Cho đẹp giấc mơ anh,

Ngủ đi anh! Hãy ngủ

...

Ngủ ngon anh! Để mai bình minh đến

Buồm chúng ta lại tung cánh ra khơi.

(Ru)

Càng về sau, bản tính tự tin ấy đã khắc phục được sự e dè, thụ động cố hữu của người phụ nữ Việt Nam. Tình yêu được diễn đạt với mọi cung bậc: phóng khoáng, thiết tha và dữ dội hơn:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ.

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau rạn vỡ.

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió.

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố.

(Thuyền và biển)

Anh trở về, trời xanh của riêng em

Tuy nhiên, những đột phá ấy chỉ cốt diễn đạt đầy đủ mọi nẻo đường của tình yêu chứ không bao giờ biến hóa đi. Người đọc thấy thơ Xuân Quỳnh thiết tha, đằm thắm và gần gũi với bao trái tim đôi lứa đang yêu:

Bầu trời xanh hơn cả lúc nằm mơ

Và hạnh phúc trong bàn tay có thật:

Chiếc áo mắc trên tường

Màu hoa sau cửa kính

Nồi cơm reo trên ngọn bếp đèn

Anh trở về, trời xanh của riêng em.

(Bầu trời đã trở về)

Mấy tháng trước khi qua đời, như một điềm gở, có người chép gửi đến Xuân Quỳnh mây câu thơ của nữ bá tước thi sĩ Pháp, Noailles:

Tôi ao ước thơ tôi ngày mai ấy

Bao chàng trai sẽ cầm đọc say mê

Họ quên hết người vợ hiền thực tại

Mở hồn ra nồng nhiệt đón tôi về.

Xuân Quỳnh đọc và nói: “Nếu thơ tôi là nguyên nhân làm đổ vỡ hạnh phúc của người khác thì tôi không làm thơ nữa”. Sự thật, Xuân Quỳnh bao giờ cũng đứng ở ngôi - nhà - mình để làm thơ tình. Và ở đó, chị là người yêu, người vợ, người mẹ... thiết tha mong đợi cuộc sống bình yên. Tâm hồn người phụ nữ ấy trong trẻo, đôn hậu, giàu yêu thương và vị tha, đến cuối đời vẫn chắt chiu, lo lắng cho người khác. Cho dù “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” ấy, Xuân Quỳnh đã sống hết mình và có những bước đi dài trên con đường nghệ thuật đâu dễ ai cũng có được!

8.1992

BÙI QUANG HUY

(Những ngả đường thi ca)

Viết bình luận