Phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão

HƯỚNG DẪN

VỀ NỘI DUNG

1. Vẻ đẹp của người anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tưởng và nhân cách lớn lao

- Con người mang tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kì vĩ, thể hiện trong câu thơ đầu: “Múa giáo non sông trải mấy thu”.

Đó là tầm vóc vũ trụ, là tư thế hiên ngang như sánh cùng trời đất: hoành sóc giang sơn. Đó là hành động phi thường, không hề mệt mỏi: kháp kỉ thu.

Vẻ đẹp con người và vẻ đẹp thời đại quyện hòa vào nhau

- Con người với lí tưởng và nhân cách lớn lao. Lí tưởng và nhân cách ấy thể hiện qua cái chí, cái tâm của người anh hùng: chí lớn lập công danh trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân; cái tâm với nỗi “thẹn” mang giá trị nhân cách.

- Chí của trang nam nhi thời Trần là chí làm trai mang tinh thần thời đại Đông A và tư tưởng tích cực của Nho giáo. Đó là “công danh” của bậc “nam tử”: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm). Quan niệm lập công danh đã trở thành quan niệm lí tưởng của trang nam nhi thời phong kiến. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử, xã hội lúc đó, chí làm trai có nội dung tích cực và có tác dụng to lớn: cổ vũ con người từ bỏ lối sông tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân để cùng trời đất “muôn đời bất hủ”.

- Cái tâm của người anh hùng thể hiện qua nỗi “thẹn”. Phạm Ngũ Lão “thẹn” chưa có tài mưu lược lớn như Vũ hầu Gia Cát Lượng khôi phục cơ đồ nhà Hán. Nỗi thẹn của người anh hùng thời Trần là chưa lập được công danh trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Đó là nỗi thẹn có giá trị nhân cách. Nỗi thẹn ấy không làm con người thấp bé đi, trái lại, đã tôn cao vẻ đẹp của con người.

2. Vẻ đẹp của thời đại qua hình tượng “ba quân” với sức mạnh và khí thê hào hùng

- Thời đại Đông A mang khí thế hào hùng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng: Trong câu thơ thứ hai, hình ảnh “ba quân” là hình ảnh nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời tượng trưng cho sức mạnh dân tộc. Thủ pháp nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hóa sức mạnh vật chất của ba quân (Tam quân tì hổ - Ba quân mạnh như hổ báo) vừa hướng tới sự khái quát hóa sức mạnh tinh thần của đội quân mang “hào khí Đông A” (khí thôn ngưu - khí thế nuốt trôi trâu).

- Vẻ đẹp con người và vẻ đẹp thời đại quyện hòa vào nhau. Con người vừa là sản phẩm, vừa là sự thể hiện sức mạnh của thời đại, của dân tộc.

VỀ NGHỆ THUẬT

1. Thủ pháp nghệ thuật thiên về gợi, khái quát, đạt tới độ súc tích cao

- Đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, vẻn vẹn chỉ có 28 chữ nhưng đã nói lên được cả hào khí của thời đại Đông A, với sức mạnh của quân đội thời Trần và hùng tâm, tráng chí của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Tác giả không tả mà gợi lên sức mạnh của thời đại qua hình ảnh so sánh “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Không cần nhiều lời, bài thơ vẫn thể hiện được cả chí và tâm, cả tài năng và nhân cách của người anh hùng.

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

2. Bút pháp nghệ thuật có tính sử thi với hình ảnh gợi cảm, mang vẻ đẹp hoành tráng

- Từ ngữ cô đọng mà hình ảnh lại có sức gợi tả mạnh mẽ, sức truyền cảm lớn. Hai chữ: “hoành sóc” trong câu thơ nguyên tác: “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo mà đứng giữa đất trời, sông núi. Cây trường giáo ấy như phải đo bằng chiều ngang của non sông. Con người kì vĩ ấy như át cả không gian bao la. Làm nổi bật hình ảnh con người lù vĩ là một bốì cảnh không gian, thời gian kì vĩ. Không gian mở ra theo chiều rộng của núi sông. Thời gian trải dài theo năm tháng, “đã mấy thu”.

- Câu thơ thứ hai với thủ pháp nghệ thuật so sánh “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” gây ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan giữa hiện thực và lãng mạn. Hiện thực khi cụ thể hóa sức mạnh vật chất của ba quân {tam quân tỉ hổ). Lãng mạn khi hướng tới sự khái quát hóa sức mạnh tinh thần của đội quan mang “hào khí Đông A” (khí thôn ngưu).

Viết bình luận