Phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

A. DÀN BÀI

1. Mở bài

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lớn được Hồ Chí Minh viết và trang trọng tuyên bố trước công luận trong và ngoài nước về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện chính trị lớn, là kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng suốt gần một thế kỉ của dân tộc ta chống thực dân Pháp và phát xít Nhật: “bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hi vọng gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên).

2. Thân bài

a. Chủ đề của bản Tuyên ngôn Độc lập

Khẳng định, tuyên bố cho đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của thực dân Pháp trước dư luận quốc tế, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân thế giới vào sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

b. Phân tích

- Lí lẽ vừa khéo léo và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.

- Kết tội thực dân Pháp và khẳng định, biểu dương cuộc đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến của nhân dân ta.

- Tuyên ngôn:

+ Tuyên bố thoát li và xóa bỏ mọi ràng buộc với nước Pháp về quan hệ, hiệp ước, đặc quyền.

+ Tranh thủ sự ủng hộ của các nước Đồng minh đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

+ Khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam một cách mạnh mẽ.

+ Tuyên bố với toàn thể nhân dân thế giới về độc lập, tự do của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

3. Kết bài

Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực, có giá trị về nhiều mặt:

- Tuyên ngôn công bố quyền độc lập tự do của dân tộc ở trong và ngoài nước, khép lại một thời kì lịch sử tăm tối, nô lệ, mở ra một thời kì lịch sử mới tươi sáng.

- Tuyên ngôn có giá trị về mặt pháp lí.

- Tuyên ngôn là một văn kiện bênh vực quyền con người, dựa hẳn vào quyền con người để xây dựng và phát biểu quyền dân tộc.

Phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập

B. BÀI LÀM

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lớn được Hồ Chí Minh viết và trang trọng tuyên bố trước công luận trong và ngoài nước về quyền dộc lập của dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thánh công ngày 19-8-1945 thì chỉ gần hai tuần sau, một nghi lễ lớn đã được tổ chức tại Hà Nội để Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện được viết một cách sâu sắc và cảm động, là một văn kiện chính trị lớn, là kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng suốt gần một thế kỉ của dân tộc ta chống thực dân Pháp và phát xít Nhật. “Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hi vọng gắng sức và tin tưởng cùa hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên).

Có nhiều loại tuyên ngôn, tuyên ngôn về văn nghệ, tuyên ngôn về giáo lí của tôn giáo. Đó là những luận điểm được công bố có tính chất nhóm phái hoặc trên một loại hoạt động cụ thể. Tuyên ngôn của một đất nước, một dân tộc về quyền độc lập là thiêng liêng, cao cả.

Tuyên ngôn Độc lập nhằm khẳng định chân lí lớn lao và vĩnh cửu muôn đời là con người là phải được tự do, dân tộc phải được độc lập. Đó là những nguyên tắc thiêng liêng nhất, cao quý nhất. Trước đây, người ta thường nhắc đến bài thơ Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, xem đó là những văn kiện có tính tuyên ngôn. Để chứng minh cho những nguyên tắc thiêng liêng trên, Tuyên ngôn Độc lập trước hết dựa vào hai văn kiện cơ bản:

Trước hết là bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 ở Mỹ:

“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Luận điểm thứ hai dựa vào bản Tuyên ngôn Nhân quyên và Dân quyền của cách mạng Pháp 1791:

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những chân lí không ai có thể chối cãi được. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt: tác giả sử dụng những văn kiện đó của những nước lớn và chính họ hôm nay đã và đang đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản ấy.

Trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ cùng nói đến vai trò của tạo hóa: “tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được” (phải nhấn mạnh một quyền uy lớn đó là tạo hóa, đấng tối cao chi phối đến cuộc sống và hạnh phúc của mọi người. Trong bài thơ “thần”, Lí Thường Kiệt cũng viện đến “Thiên thư” - “Sách trời đã dịch”, đó là chân lí bất di bất dịch).

Lấy tuyên ngôn của Pháp và Mỹ làm cơ sở, làm nguyên tắc là rất khôn khéo vì đây là hai nước lớn, có nền dân chủ lâu đời và lúc đó lại đang dính líu về vấn đề Việt Nam, đi ngược lại truyền thống của họ. Tuyên ngôn Độc lập đã tố cáo và kết án chế độ thực dân Pháp. Trong cuộc đời hoạt dộng của mình, Hồ Chủ tịch đã lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Về chính trị, chúng thi hành những luật pháp dã man, không cho dân ta một chút quyền tự do dân chủ nào (quyền được tự do hội họp, quyền về ngôn luận, quyền ra nước ngoài).

Lập nhà tù nhiều hơn trường học; dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống suy nhược; “thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta; chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu”.

Về kinh tế, chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương, cướp không hầm mỏ, ruộng đất, nguyên liệu, độc quyền in giấy bạc và xuất nhập khẩu. Đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí (thuế nhà, thuế đất, thuế ruộng, thuế người, thuế chợ) - những thứ thuế làm cho những người nghèo khổ kiệt quệ.

Tuyên ngôn tiếp tục tinh thần của Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Hơn tám mươi năm đô hộ là hơn tám mươi năm đàn áp, chà đạp người dân nô lệ. Nói như Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn “bọn cướp nước đã đẩy hàng triệu đồng bào ta vào cảnh đói rét, nghèo nàn, đau khổ, bệnh tật, chết chóc, dốt nát, tối tăm, lạc hậu, lại vừa khoác lác khoe khoang rằng chính chúng nó đến là bảo hộ, khai hóa, đưa lại cho đất nước ta, đồng bào ta ánh sáng của văn minh, khoa học”.

Phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

Tuyên ngôn đặc biệt chú ý đến sự kiện mùa thu 1940: Nhật vào Đông Dương, mở căn cứ để đánh Đồng minh. Pháp dâng Đông Dương cho Nhật. Nhân dân ta phải gánh chịu hai tầng áp bức. Nhật bóc lột, vơ vét tiền của, gạo thóc dẫn đến thảm họa là hơn hai triệu người chết đói.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, nắm hoàn toàn chính quyền. Tác giả bản tuyên ngôn nhấn mạnh ý nghĩa nhiều mặt sự kiện này. Một là bộ mặt đớn hèn của thực dân Pháp một lần nữa lại bộc lộ. Hai là từ nay thực dân Pháp không còn dính líu và ràng buộc gì với nhân dân Đông Dương. “Trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”, “sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nừa”. “Sự thật là nhân dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.

Luận điểm trên vô cùng quan trọng vì thực dân Pháp đang âm mưu xâm chiếm lại nước ta. Chúng núp sau lưng quân đội Anh tuyên bố Đông Dương là đất bảo hộ của người Pháp. Trong thực tế, chúng đã bắt đầu tiến công chúng ta ở Nam Bộ và nhân dân miền Nam đã kiên quyết chống lại. Tuyên ngôn khẳng định mọi cam kết của bọn Pháp đã bị xóa bỏ.

Một trong những cơ sở để phát triển luận cứ là sức mạnh đấu tranh hàng trăm năm để giành quyền độc lập của dân ta. Suốt trong ngót một thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã không ngừng đấu tranh để giành quyền độc lập. Tuyên ngôn đề cao tinh thần dân chủ và quyền bình đẳng được hai Hội nghị quốc tế là Têhêrăng (12-1943) và Cựu Kim Sơn (6-1945) đề xướng và bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm, dân tộc đó phải tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Đó là những lí lẽ đầy sức thuyết phục và tuyên ngôn khẳng định đó không chỉ là lời kêu gợi mà sự thật thì dân tộc đó đã tự do và độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Câu nói đó thể hiện ý chí của tất cả dân tộc quyết tâm bảo vệ những gì đã giành được trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và cũng là sự thách thức với những lực lượng thù địch.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử lớn có giá trị về nhiều mặt. Tuyên ngôn công bố quyền độc lập tự do của dân tộc ở trong và ngoài nước, khép lại một thời kì lịch sử tăm tối, nô lệ, mở ra một thời kì lịch sử mới tươi sáng, dân làm chủ, đất nước độc lập.

Tuyên ngôn có giá trị về mặt pháp lí. Đây là một bản cáo trạng đanh thép tội ác của kẻ thù và đồng thời đề xuất những lập luận sắc sảo thuyết phục về quyền con người, quyền độc lập dân tộc, khẳng định tính chất pháp lí đúng đắn của cuộc cách mạng lớn lao này.

Tuyên ngôn còn là một văn kiện bênh vực quyền con người, dựa hẳn vào quyền con người để xây dựng và phát biểu quyền dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập là môt áng văn chính luận sắc sảo. Tác phẩm đã khẳng định chân lí lớn về độc lập dân tộc với cảm hứng trang trọng và lí lẽ đầy sức thuyết phục. Văn chương vừa sáng tỏ, chặt chẽ, vừa thiết tha hùng tráng. Đây là một tác phẩm chính luận có giá trị văn chương lớn.

Viết bình luận