Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống: Bên kia sông Đuống... Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Đề bài:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống:

Bên kia sông Đuống

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô

Mấy lọ phẩm hồng

Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm

Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn

Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo

Xì xồ cướp bóc

Tan phiên chợ nghèo

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng

Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong

Bước cao thấp bên bờ tre hun hút

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu

Mẹ ta lòng đói dạ sầu

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

(Văn học 12, tập một, Nxb. Giáo dục, 2000, tr.81)

Phân tích đề

Đề yêu cầu phân tích một đoạn trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Để có thể làm bài tốt, người viết cần nắm vững kỹ năng phân tích tác phẩm trữ tình (thơ); hiểu rõ hoàn cảnh sáng tác và nội dung của cả tác phẩm.

Khi phân tích cần lưu ý: đoạn thơ có một hình tượng trung tâm là người mẹ già. Người mẹ ấy trong nỗi nhớ của tác giả khi chưa có chiến tranh và trong hình dung của nhà thơ khi chiến tranh xảy ra. Các hình ảnh, chi tiết khác đều góp phần để nổi rõ hình tượng người mẹ.

Âm hưởng chung của cả đoạn thơ là nỗi xót xa, đau đớn của nhà thơ khi nghĩ về người mẹ. Do đó, tiết tấu của thơ cũng là nhịp điệu tình cảm ấy. Bởi vậy, khi phân tích, bên cạnh những từ, ngữ, ý, cần chú trọng đến nhịp điệu của cả đoạn thơ.

Dàn bài chi tiết

I. Mở bài

Trong dòng cảm xúc của Hoàng Cầm về Bên kia sông Đuống, người mẹ là vùng nhớ thương, đau đáu nhất:

Bên kia sông Đuống

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Nói đến quê hương, phải bắt đầu bằng người Mẹ

Theo lời kể của chính tác giả, thì sau khi nghe kể về tình hình quê hương ở vùng bị địch chiếm đóng, đêm ấy, ông trằn trọc, vật vã mãi: Trong người tôi lúc bấy giờ thật y hệt một cuốn phim của một người đạo diễn rối loạn tâm thần, các hình bóng quấn lộn vào nhau, các âm thanh màu sắc chen chèn lấn rối bốn bề, và trên bức vách, các hình thù ngả nghiêng theo ánh đèn dầu sở lắt lay. Một lúc lâu thi những hình ảnh rõ nét hiện lên bức vách, cứ như quay tròn nhường chỗ cho nhau. Quanh khuôn mặt dầu dãi của mẹ tôi, các bộ mặt khác như đậu chênh vểnh vào đấy... (Hoàng Cầm, thơ văn và cuộc đời, Nxb. Vãn hóa Thông tin, 1997, tr.218).

Sau này, nhìn lại đời thơ và đời mình, nhà thơ Hoàng Cầm còn viết: Nói đến quê hương, phải bắt đầu bằng người Mẹ. Mẹ là incarnation (Incarnation (tiếng Pháp): Sự hóa thân, sự hiện thân, tượng trưng (BQH)), là hiện thân trọn vẹn nhất, sinh động nhất của quê hương (Sđd, tr.186). Vì thế, mỗi dòng, mỗi chữ thơ của Hoàng Cầm khi viết về người mẹ như chạm khắc vào thời gian để đến nay vẫn còn biết bao xúc động đối với người đọc.

II. Phân tích

1. 5 câu đầu: 

- Từ nơi xa xôi, người con hướng về quê hương bên kia sông Đuống, nơi có người mẹ nghèo khổ:

Bên kia sông Đuống

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô

Mấy lọ phẩm hồng

Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm

Đó là hình ảnh,về người mẹ tảo tần, vất vả, đúng là người mẹ quê Việt Nam ngày xưa. Chỉ có 4 câu thơ nhưng hình ảnh mẹ lại rất gợi nhờ hàng loạt hình dung từ: già nua, còm cõi, hàng rong, cau khô, hoen sương sớm. Không nói rõ nhưng người đọc vẫn biết sự lam lũ của mẹ. Đặc biệt, câu thơ Vài thiếp giấy đầm hoen sương sớm thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của người con đối với nỗi cực nhọc của mẹ. Bao nhiêu sương sớm làm hoen những thiếp giấy là bấy nhiêu sương gió thấm đẫm vào người mẹ, Những từ chỉ số lượng: đám, mấy, vài càng cho thấy gánh hàng ít ỏi và sự vất vả kiếm sống của bà mẹ quê.

2. 6 câu tiếp:

- Cái vốn liếng ít ỏi ấy dù đủ để đau lòng người rồi, nhưng dẫu sao đó cũng là những ngày thanh bình. Đỉnh điểm của hoàn cảnh là khi lũ giặc tàn bạo xuất hiện:

Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn

Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo

Xì xồ cướp bóc

Tan phiên chợ nghèo

Từ chợt diễn tả là sự đột ngột, bất ngờ. Quân giặc đến thật bất ngờ, nhanh chóng gây nỗi hốt hoảng cho người dân nghèo. Câu thơ đồng thời diễn tả sự thảng thốt của chính tác giả.

- Kẻ thù không được tả nhiều, chỉ với 3 chi tiết, nhưng đã lột tả được bản chất tàn ác của chúng: mắt xanh trừng trợn, giày đinh đạp gãy quán, xì xồ cướp bóc. Nhà thơ gọi giặc Pháp theo cách dân gian, của người dân quê: lũ quỷ. Chúng không phải là con người nữa. Giặc đến đồng nghĩa với sự chết chóc, ảm đạm:

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Bà mẹ già nua quẩy gánh trở về khi chưa bán được một đồng;

Câu thơ chuyển sang thể lục bát như để diễn tả nỗi đau xót xa đến nghẹn ngào, không cùng của tác giả. Đôi mắt nhà thơ như nương theo ánh nắng chiều trong nỗi nhớ về quê hương xa xăm. Cảnh ở đây vẫn là bức tranh làng quê quen thuộc với cây đa, quán nước, những vắng lặng, buồn thảm. Trước mắt là cảnh tượng tan hoang khi giặc đến. Sự vắng lặng đến kinh hoàng bởi người ta cảm nhận được từng chiếc lá đa đang bay lác đác dưới ánh nắng chiều. Trên cái nền ấy là những vết máu loang trông ghê sợ. Còn đâu con sông Đuông lấp lánh trôi đi còn đâu bờ cát trắng phẳng lì, cùng những hội hè đình đám tưng bừng rộn rã?

- Nếu như ở các câu thơ trên, nhà thơ đã sử dụng nhiều hình dung từ và những từ chỉ số lượng để diễn tả nỗi nghèo khó của bà mẹ quê, thì ở đây cũng với những loại từ ấy nhưng hàm ý khác hẳn, nhất là khi chúng được đặt trong thế đối lập. Chẳng hạn: Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo là sự đối lập một đằng là sức mạnh cường bạo với sự yếu đuối, không có gì chống đỡ. Hoặc Xì xồ cướp hóc diễn tả hành động ngang ngược, trái với lẽ thường. Thông thường, vài ba không phải là nhiều nhưng vài ha vết máu hiện lên trên cảnh hoang tàn của phiên chợ nghèo đang vắng lặng thì có sức ám ảnh tâm trí con người rất lớn.

3. 7 câu cuối:

- Trên cái nền của cảnh chợ chiều tưởng như hoang vắng, không còn ai là hình ảnh người mẹ yếu ớt và cô đơn:

Chưa bán được một đồng

Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong

Bước cao thấp bên bờ tre hun hút

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu

Mẹ ta lòng đói dạ sầu

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Đây là những câu thơ giàu chất tạo hình của cả đoạn, gây ấn tượng cho người đọc.

- Đầu tiên là hình ảnh bà mẹ già nua quẩy gánh trở về khi chưa bán được một đồng. Xung quanh mẹ không có ai mà con đường như mỗi lúc một dài thêm: Bước cao thấp bên bờ tre hun hút.

- Bỗng nhiên xuất hiện hình ảnh con cò:

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu

Nhưng đây lại là hình ảnh con cò lạ lùng nhất xưa nay. Đó không là con cò trắng quen thuộc biểu tượng về người phụ nữ Việt Nam tảo tần, khuya sớm:

- Con cò đi đón cơn mưa,

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?

- Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

Đó càng không phải con cò thanh thoát, nhẹ nhàng, thong thả trong cảnh yên bình:

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng

Lần đầu tiên con cò đi vào văn chương với dáng vẻ hoảng hốt, sợ hãi:

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu

Đến con cò bé nhỏ kia cũng là nạn nhân của quân giặc. Những bãi mía nương dâungô khoai biêng biếc giờ không còn là đất sông của nó nữa.

- Hình ảnh con cò bay vùn vụt càng khắc sâu nỗi cô đơn, lẻ loi của người mẹ quê:

Mẹ ta lòng đói rách dạ sầu

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Nỗi khổ vật chât (lòng đói) đi liền với là nỗi khổ tinh thần (dạ sầu). Nhịp thơ lục bát 2/2 gợi gánh nặng chất chồng lên vai mẹ. Buổi chiều ảm đạm đọng mãi hình ảnh mái đầu bạc phơ của người mẹ già. Câu thơ chỉ tả mà cảm xúc lại nghẹn ngào, đau đớn.

III. Kết bài

18 câu thơ với hình ảnh trung tâm là người mẹ, được đặt trong bối cảnh bên kia sông Đuống, lại trải dài trong một ngày không yên tĩnh. Đó là thời gian của chiến tranh. Vì thế, một ngày nhưng cũng là một đời, đời người trong chiến tranh. Lẽ thường, khi chiến tranh xảy ra, em thơ và người mẹ là những người đáng thương nhất. Hình ảnh người mẹ vừa thể hiện một mặt đáng nói nhất của chiến tranh, vừa chất chứa biết bao tình cảm của người viết.

Hình ảnh bà mẹ trong đoạn thơ trên có thể là người mẹ ruột của tác giả, nhưng cũng là hình ảnh của biết bao bà mẹ trong chiến tranh. Khái quát hơn, đấy còn là hình ảnh đất nước Việt Nam trong thời kỳ cháy bỏng đau thương và căm hờn. Bởi vậy, đến những dòng thơ ấy gây xúc động sâu sắc cho người đọc.

Viết bình luận