Phân tích đoạn trích Việt Bắc (Việt Bắc – Tố Hữu)

Sau chiến thắng lừng lẫy trên chiến trường Điện Biên Phủ (7 - 5 - 1954), Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, miền Bắc nước ta được giải phóng, mở ra một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của cách mạng.

Tháng 10 - 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử trọng đại đó, nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài Việt Bắc. Đây là bài thơ dài, gồm 152 câu viết theo thể lục bát. Phần lớn bài thơ tái hiện một giai đoạn gian khổ, vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành những kỷ niệm sâu nặng trong lòng người. Phần sau tác giả nói lên sự gắn bó máu thịt giữa miền ngược và miền xuôi trong một viễn cảnh hoà bình tươi sáng của đất nước và kết thúc bằng lời ngợi ca công ơn của Bác Hồ, của Đảng đối với dân tộc. Có ý kiến cho rằng: Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đoạn thơ trong sách giáo khoa được trích từ phần đầu của bài thơ Việt Bắc:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn ?

Ta với mình tuy một mà hai

Với hình thức kết cấu hỏi đáp, người đọc sực nhớ đến một hình thức quen thuộc trong ca dao: Minh về có nhớ ta chăng? - Ta về ta nhớ hàm răng mình cười... Nhưng ở khung cảnh này, dường như nhà thơ chỉ mượn hình thức của ca dao, còn nội dung đã được đổi mới từ tình cảm giao duyên sang bình diện mới: đó là ý thức về cội nguồn. Nên chi, điều nhắc nhở ở đây trước hết là nhắc nhở về cội nguồn - cái cội nguồn nghĩa tình những tháng năm gian lao kháng chiến: Áo chàm đưa buổi phân li - Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay... Sự lưu luyến trước buổi phân li đôi ngả sao mà da diết, sao mà nao lòng đến thế! Điều đó không phải ngẫu nhiên, càng .không phải vô cớ. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, tất thảy kỷ niệm như cùng dội về choáng ngợp - nhất là những kỷ niệm đã từng chung vai gắn bó: Minh đi có nhớ những ngày - Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù... Tất thảy thiên nhiên, cảnh sắc, con người Việt Bắc như cùng thẫn thờ đứng lặng. Trong một đoạn thơ 14 câu đan xen sự kiện mình đi - mình về tác giả sử dụng một kết cấu hết sức đặc biệt: mỗi câu lục (sáu chữ) mình đi lại tương xứng với một câu lục kế tiếp mình về, và ở tất cả các câu bát (tám chữ), đều có sự cân xứng hình ảnh và nhịp thơ rất hài hoà:

1. Mưa nguồn suối lũ // những mây cùng mù

2. Miếng cơm chấm muối / / mối thù nặng vai

3. Trám bùi để rụng / / măng mai để già

4. Hắt hiu lau xám / / đậm đà lòng son

5. Nhớ khi kháng Nhật / / thuở còn Việt Minh

Các câu lục đi - về xen nhau, còn các câu bát chia đều làm hai vế, được ngăn cách bởi một dấu phẩy... tạo ra sự cân đối mà hô ứng nhịp nhàng như trên cùng đôi vai, trong cùng lý tưởng của một chủ thể. Đặc biệt câu thơ Mình đi, mình có nhớ mình là một sự hài hoà quyện hình ảnh ta - mình đến độ đồng nhất.

Ở đoạn thơ tiếp theo: Ta với mình, mình với ta - Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh..., việc đảo phách (ngắt nhịp 3/3 ở câu lục) và đảo từ, hai đối tượng mình - ta càng trở nên quấn quyện, để từ đó nỗi nhớ được lan toả dư ba. Nỗi nhớ ở đây (nỗi nhớ giữa người về xuôi và người ở lại) còn được ví với nỗi nhớ người yêu - một cung bậc thiêng liêng và thi vị nhất của con người, gắn với từng cảnh vật và sinh hoạt hàng ngày: Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khỏi cùng sương, sớm khuya bếp lửa và được điệp lại: Nhớ từng... như mỗi lúc gia tăng, cụ thể. Hàng chục lần nhắc tới nỗi nhớ, gắn với từng sự việc, con người cụ thể nhưng nét nghĩa nhớ không hoàn toàn giống nhau. Nỗi nhớ đồng đội, nỗi nhớ lớp học, cơ quan, nỗi nhớ sinh hoạt rất đặc trưng miền núi: Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều - Chày đêm nện cối đều đều suối xa... Âm thanh mõ trâu, tiếng chày giã gạo nơi con nước dường như còn ngân vang, dường như còn thấm đẫm trong hình dung về Việt Bắc. Chưa hết! Nỗi nhớ còn in đậm những hoa cùng người, rừng xanh hoa chuối, mơ nở trắng rừng, người đan nón, cô em gái hái măng... Câu thơ: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi - Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng là một câu thơ xuất thần. Nó vượt qua mức độ một câu miêu tả, vươn tới sự tài hoa trong nghệ thuật pha màu rừng xanh (màu nền) và hoa chuối đỏ tươi (tiêu điểm và nốt nhấn) - nhất là sự phản chiếu lấp lánh từ phía đèo xa ánh lại. Bức tranh thiên nhiên - con người ở đây bỗng có hồn, sáng lên và lay động. Đó cùng là lời nhắn nhủ tâm tính của người ra đi với người ở lại: Ta về mình có nhớ ta, Ta về ta nhớ.... Nỗi nhớ khôn nguôi về nhũng gì đã qua, những gì đã trải: những Phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, phố Ràng...; nỗi nhớ như những dấu nối tình cảm ngân dài không dứt: Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà.... Nỗi nhớ đó được chuyển hoá từ chủ thể sang đối tượng: Ai về ai có nhớ không? Trong nỗi nhớ, không chỉ có cảnh và người, không chỉ có thiên nhiên và sinh hoạt - trong nỗi nhớ còn vẹn nguyên thanh âm vang dội của cuộc hành quân ái quốc:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay...

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn

Không phải một ngả đường mà nhiều ngả đường Việt Bắc, âm thanh bước chân đoàn quân bừng bừng hoà khí. Câu thơ nối nhau qua điệp từ (điệp điệp trùng trùng), qua hình ảnh thơ nối dài vô tận: điệp điệp trùng trùng - ánh sao - mũ nan - dàn công... tạo ra một sức mạnh tổng hợp, công phá nhấn chìm kẻ địch: Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay. Một loạt động từ mạnh được sử dụng để diễn tả hào khí vẹn nguyên trào dâng mãnh liệt. Nếu như ở đoạn thơ trên, nỗi nhớ tạo nên dấu nối âm vang chiến thắng:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo Dê, núi Hồng

Niềm vui chiến thắng tưởng như tràn qua giới hạn câu thơ, tràn qua khoảng trống giữa các con chữ và các dòng thơ... đến bất tận!

Trọng niềm vui dào dạt, nỗi nhớ lại trở về với thủ đô kháng chiến Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang một thuở mà trung tâm là hình ảnh Bác Hồ - biểu tượng của lý tưởng và mềm tin yêu vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Kết thúc đoạn thơ là một khái quát:

Mười lăm năm ấy ai quên

Quê hương cách mạng dựng nên cộng hoà 

Ý thức cội nguồn, lòng biết ơn quê cách mạng - đó là lẽ sống, lẽ làm người chân chính. Một Việt Bắc gian lao, bền bỉ, một Việt Bắc nghĩa tình và yêu nước - sẽ mãi còn là nỗi nhớ và tình cảm sắt son. Đoạn thơ được thể hiện bằng lối gieo vần truyền thống, hình ảnh và ngôn ngữ mộc mạc giản dị mà nồng đượm nghĩa tình - đậm đà tính dân tộc và tính nhân dân, thể hiện sâu sắc tình cảm không chỉ của riêng tác giả mà còn là tình cảm của tất cả chúng ta với quê hương Việt Bắc thân yêu.

Viết bình luận