Phân tích hào khí Đông A qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão và phân tích ý nghĩa của nỗi “thẹn” trong bài thơ

HƯỚNG DẪN

1. Người xưa đã từng lấy chính tên triều đại nhà Trần làm định danh cho cả một thời đại và hào khí thời Trần được gọi là hào khí Đông A (theo chữ Hán thì chữ Trần do chữ Đông và một bộ phận của chữ A ghép thành). Tinh thần độc lập, tự cường, khí thế và sức mạnh quyết chiến thắng, niềm tự hào trước truyền thống dân tộc và chiến công thời đại là những biểu hiện nội dung của hào khí Đông A. về mặt hình thức, hào khí Đông A thể hiện qua âm hưởng hào hùng, những hình tượng nghệ thuật lớn lao, kì vĩ. Bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão đã kết tinh được hào khí đó trên cả phương diện nội dung của hình thức nghệ thuật.

Phân tích hào khí Đông A qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

- Về nội dung, hào khí Đông A thể hiện qua niềm tự hào trước sức mạnh của con người và sức mạnh thời đại. Con người với lí tưởng lớn lao, cao cả, với tầm vóc, tư thế hành động thật kì vĩ: “Múa giáo non sông trải mây thu”. Câu thơ trong nguyên tác “Hoành sóc giang sơn khớp kỉ thu” dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo (hoành sóc) mà trấn giữ đất nước. Con người xuất hiện với một tư thế hiên ngang mang tầm vóc vũ trụ. Con người với hành động thật phi thường giữa khoảng trời đất, không hề biết mệt mỏi: trải mấy thu. Có được cái tầm vóc ấy, cái hào khí ấy vì người tráng sĩ thời Trần vừa là sản phẩm của thời đại, vừa là sự thể hiện sức mạnh của thời đại, của dân tộc: “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. “Ba quân” là chỉ quân đội, binh sĩ nói chung, ở đây là quân đội nhà Trần. Tuy nhiên hình ảnh “ba quân” còn là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc lúc bấy giờ. Thơ Đỗ Phủ có câu: “Tiểu nhi ngũ tuế khí thôn ngưu" (Trẻ nhỏ năm tuổi mà đã có khí thế nuốt trâu). Tác giả sử dụng cụm từ “khí thôn ngưu” nhưng câu thơ của họ Phạm là một sáng tạo với hình ảnh so sánh “tam quân tì hổ”. Câu thơ của Đỗ Phủ là một thông báo, còn câu thơ của Phạm Ngũ Lão lại gợi lên hình ảnh sức mạnh, khí thế hùng dũng của quân đội nhà Trần.

- Về nghệ thuật, hào khí Đông A thể hiện qua âm hưởng hào hùng, sảng khoái và hình tượng kì vĩ trong bài thơ. ở Tỏ lòng, làm nổi bật hình ảnh con người kì vĩ là một bối cảnh không gian, thời gian kì vĩ. Khôn gian mở ra theo chiều rộng của núi sông. Thời gian đâu phải là chóc lát mà là mấy năm rồi (,kháp kỉ thu'). Lời tự thuật nỗi lòng của tác giả chân tình, mộc mạc nhưng đầy hào sảng. Với bút pháp nghệ thuật hoành tráng, bài thơ của Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được hào khí thời đại Đông A - một trong những thời đại hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam.

2. - Vẻ đẹp cái tâm của người anh hùng thể hiện qua nỗi “thẹn”. Phạm Ngũ Lão “thẹn” chưa có mưu tài mưu lược lớn như Vũ hầu Gia Cát Lượng thời Hán để trừ giặc, cứu nước. Xưa nay, những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn. Nguyễn Khuyến trong bài Thu vịnh từng bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ tới Đào Tiềm - một tài thơ, một danh sĩ cao khiết thời Tấn: “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Đó là nỗi thẹn có giá trị nhân cách. Trong bài Tỏ lòng, nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão là chưa lập được công danh như Gia Cát Lượng. Đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, ước nguyện lập công danh của người anh hùng họ Phạm lại là biểu hiện của ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Nỗi thẹn như vậy không làm con người thấp bé đi, mà trái lại, càng nâng cao nhân cách con người.

Tỏ lòng vừa là nỗi lòng riêng của Phạm Ngũ Lão, vừa thể hiện xu thê chung, tất yếu của thời đại: sức mạnh, tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự chủ cho đất nước.

Viết bình luận