Phân tích nghệ thuật nghị luận đặc sắc của Phạm Văn Đồng qua bài tiểu luận Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Năm 1963, trên miền Bắc nước ta, lễ kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu đã được tổ chức hết sức trọng thể. Đây được xem là một cái mốc giàu ý nghĩa của tiến trình nghiên cứu về nhà thơ yêu nước lớn này của dân tộc. Trong số những bài viết ra đời nhân dịp đó, tiểu luận Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng có một vị trí khá đặc biệt, do cách đặt vấn đề và khả năng gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới của nó.

Nói đến Phạm Văn Đồng, chúng ta đều biết đến ông với cương vị là một nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà ngoại giao tài ba; hơn nữa, ông còn là nhà giáo dục, nhà lí luận văn hóa. Mặc dù công việc chính trị, ngoại giao của đất nước bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian để tìm hiểu và viết về các danh nhân văn hóa Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh,... Tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc như một nén hương thơm thắp lên nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3 - 7 - 1888). Đặc biệt, trong tác phẩm này, người đọc không chỉ nhận thức được về tầm quan trọng, to lớn trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, mà còn khẳng định đây là áng văn nghị luận mẫu mực.

Nguyễn Đình Chiểu

Trước hết, khi muốn nghị luận một vấn đề gì đó, người nghị luận phải xác định được mục đích, yêu cầu nghị luận. Phạm Văn Đồng viết bài tiểu luận trong quy luật đó. Ông viết tác phẩm này vừa để tưởng nhớ Nguyễn Đình Chiểu vừa để định hướng, điều chỉnh cách nhìn nhận, đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông; khơi dậy tinh thần yêu nước trong thời đại chống Mĩ cứu nước, đồng thời khôi phục giá trị đích thực của tác phẩm Lục Vân Tiên, thể hiện mối quan hệ giữa người nghệ sĩ chân chính và hiện thực cuộc đời.

Để khẳng định đây là áng văn nghị luận mẫu mực thì còn phải kế đến cách lựa chọn nhan đề Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của tác giả. Đây được xem như một luận đề vừa bao quát, vừa gợi hình ảnh khẳng định. Nhan đề ở đây là một cụm danh từ thể hiện rõ nội dung cần phân tích trong toàn bài văn.

Tiếp theo cách đặt nhan đề là cách sắp xếp bài viết. Bài văn chia thành ba phần chính rất rõ ràng, mạch lạc và mang tính khoa học cao.

Ở phần đặt vấn đề, tác giả viết một câu luận điểm: Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ dân tộc, nhất là trong lúc này. Từ đó, tác giả đưa ra một nhận định, một cách nhìn mới mẻ về Nguyễn Đình Chiểu bằng cách so sánh, liên tưởng văn chương của ông như vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Mặt khác, có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của cuốn Lục Vân Tiên mà ít biết về thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp. Đây là cái nhìn khoa học, có ý nghĩa như một định hướng để tìm hiểu về văn chương Nguyễn Đình Chiểu. Như vậy, tác giả đã đặt vấn đề một cách thẳng thắn, độc đáo: nếu vấn đề một cách trực tiếp và lí giải nguyên nhân với cách so sánh cụ thể, giàu hình tượng. Đó cũng là cách đặt vấn đề khoa học, sâu sắc, vừa khẳng định được vị trí của Nguyễn Đình Chiểu vừa định hướng tìm hiểu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, phê phán một số người chưa hiểu biết về Nguyễn Đình Chiểu.

Ở phần giải quyết vấn đề, tác giả đưa ra ba luận điểm bổ sung đế chứng minh cho luận điểm xuất phát, ở luận điểm thứ nhất, tác giả nói đến cuộc đời và quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là cuộc đời của một chiến sĩ suốt đời phấn đấu, hi sinh vì nghĩa lớn. Cho dù bị mù cả hai mắt, không trực tiếp cầm súng nhưng ông đã cầm bút và coi văn chương là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù. Với Nguyễn Đình Chiểu, thiên chức của thơ văn là chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược và tay sai; vạch trần những âm mưu, thủ đoạn và lên án những kẻ lợi dụng văn chương làm điều phi nghĩa. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Còn ở luận điểm thứ hai, tác giả nói đến những nét đặc sắc trong văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả đã đặt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ để làm nổi bật giá trị hiện thực, giá trị lịch sử của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Theo ông, thơ văn yêu nước chống ngoại xâm của Nguyễn Đình Chiểu đã làm sống lại một thời kì khổ nhục nhưng vĩ đại, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm bằng những hình tượng văn học sinh động và não nùng, làm xúc động lòng người. Tiêu biểu nhất là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và bài thơ Xúc cảnh. Với Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc, lần đầu tiên trong văn học viết nước nhà, người nông dân xuất hiện với tư thế một nghĩa sĩ. Và đây là khúc ca những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ có sức nặng đấu tranh mà còn đẹp ở hình thức biểu hiện, có những đóa hoa, hòn ngọc rất đẹp,... Văn chương Nguyễn Đình Chiểu đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống thực dân. Và đó chính là những giá trị đã khiến Nguyễn Đình Chiểu trở thành ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng. Và ở luận điểm cuối cùng, tác giả đã nói đến giá trị tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, nhưng đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa. Vì vậy, những nhân vật trong Lục Vân Tiên như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Vương Tử Trực,... đều là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa khinh tàiT trước sau một lòng mặc dù khổ cực, gian nguy vẫn quyết phấn đấu, theo đuổi nghĩa lớn, luôn đấu tranh chống lại cái giả dối bất công. Đó là điều chúng ta phải hiểu đúng để có thể thấy hết giá trị đích thực ở tác phẩm lớn nhất này của Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên, tác giả cũng không phủ nhận những hạn chế của tác phẩm Lục Vân Tiên: giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi ở thời đại chúng ta, theo quan điểm chúng ta thì có phần đã lỗi thời, trong tác phẩm vẫn còn có những chỗ lời văn không hay lắm nhưng cũng chính tác giả đã lí giải điều đó để tránh việc đánh giá sai tác phẩm. Đây chính là cách lập luận đòn bẩy, bắt đầu lập luận là một sự hạ xuống, nhưng đã là sự hạ xuống để nâng lên; xem xét Lục Vân Tiên trong mối quan hệ mật thiết với đời sống nhân dân, khẳng định đó là một công trình nghệ thuật có giá trị về nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật; là một tác phẩm gần gũi, thân thuộc với nhân dân, sống trong lòng nhân dân, được nhân dân yêu mến và giữ gìn.

Ngôi sao sán

ở phần kết thúc vấn đề, tác giả đã kết luận lại bằng một luận điểm có tính chất kết luận: Đời sống và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng. Câu văn đã khẳng định vẻ đẹp nhân cách, sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc; nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị to lớn của cuộc đời, văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.

Khi viết bài tiểu luận này, tác giả không viết về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu bằng giọng điệu khách quan, khô khan của người ngoài cuộc. Ngược lại, trong bài viết của mình, Phạm Văn Đồng đã phát huy trí tưởng tượng và cảm xúc để đắm mình trong bầu không khí của những tháng năm gian khổ hào hùng. Đồng thời, tác giả cũng không viết về Nguyễn Đình Chiểu với nỗi tiếc thương của người hoài cổ. Tác giả luôn nhìn người xưa từ hôm nay. Chính vì thế mà con người đang sống hết mình giữa trung tâm của cuộc chiến đấu hào hùng tất thắng chống đế quốc xâm lược vừa có điều kiện để thông cảm hơn với một con người cũng đang sống hết mình trong công cuộc chống thực dân oanh liệt mà đau thương ở thuở ban đầu, vừa thấu hiểu những giá trị của văn thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả đã kết hợp quá khứ và hiện tại, thể hiện tấm lòng cảm thông, trân trọng với những giá trị văn hóa của người xưa.

Nội dung và hình thức là hai mặt có quan hệ mật thiết với nhau trong mỗi bài viết hay tác phẩm văn học. Đánh giá một tác phẩm không chỉ chú ý đến nội dung mà còn quan tâm đến hình thức. Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là bài nghị luận đạt chuẩn mực cả về nội dung lần hình thức. Bài viết đã thể hiện cách nhìn nhận đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông; thể hiện sự mẫu mực về thể loại văn nghị luận. Tác phẩm khẳng định sự đóng góp của Phạm Văn Đồng đối với nền văn nghệ dân tộc.

Viết bình luận