Phân tích nhan đề và bốn câu đề từ ở bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Chế Lan Viên (1920 - 1989) tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam An, Cam Lộ (Quảng Trị), nổi tiếng từ phong trào Thơ mới, và là một trong những nhà thơ hàng đầu của thơ ca sau Cách mạng tháng Tám. Thơ Chế Lan Viên mang vẻ đẹp trí tuệ, song không tách rời tình cảm và gắn bó với con người, cuộc đời, thể hiện qua việc khai thác hình ảnh mới lạ, tầng lớp, sắc sảo cùng những tương quan đối lập giữa các sự vật, hiện tượng. Sau tập Điêu tàn (1937), Vàng sao (1942) Chế Lan Viên tìm đến gắn bo với cách mạng, cho xuất hiện hàng loạt tác phẩm thơ (Ánh sáng và phù sa - 1960, Hoa ngày thường - Chim báo bão - 1967, Những bài thơ đánh giặc - 1972, Đối thoại mới - 1973, Hoa trước lăng Người - 1976, Hái theo mùa - 1977. Hoa trên đá - 1984, Ta gửi cho mình - 1986) và một số tập tiểu luận phê bình. Tập Ánh sáng và phù sa (1960) phản ánh sâu sắc quá trình của người nghệ sĩ, trí thức đi từ "thung lũng đau thương" của cuộc đời cũ ra "cánh đồng vui" của cuộc đời mới. Bài thơ Tiếng hát con tàu (rút từ tập thơ trên) bắt nguồn từ một sự kiện kinh tế - xã hội những năm 1958 - 1960: phong trào vận động người miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi. Song, bài thơ không sa vào minh họa, tuyên truyền chính sách, mà vượt lên diễn tả những tình cảm rộng lớn, trường tồn: tình cảm đối với nhân dân, đất nước cùng những suy nghĩ về ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca.

Tiếng hát con tàu

Nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu qua phép nhân hóa đã mang một ý nghĩa biểu tượng. Con tàu là hình ảnh độc đáo diễn tả khát vọng lên đường. Tiếng hát là khát vọng cất thành tiếng, nhân thành nhạc, là hành khúc lên đường say mê, giục giã. Hóa ra đây là một con tàu tâm hồn đi suốt bài thơ thành biểu tượng sinh động cho cảm xúc chủ đạo của tác giả: khát vọng lên đường đến với nhân dân, đất nước và ngọn nguồn sáng tạo của thơ ca.

Tư tưởng ấy được khắc sâu thêm bởi bốn câu đề từ. Bốn câu thơ chứa đựng hai hình ảnh: Tổ quốc và nhân dân. Tổ quốc vừa xuất phát từ một miền đất cụ thể: Tây Bắc, vừa có xu hướng khái quát: "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc" để phát triển thành hình ảnh rộng lớn: "Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát". Âm thanh tiếng hát làm hình ảnh Tổ quốc đẹp bay bổng, tiếng hát như khúc ca lao động trên đất nước hồi sinh sau những tháng năm gian khổ. Hình ảnh con người thật độc đáo qua hai lần hóa thân kì diệu: "Khi lòng ta đã hóa những con tàu", "Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu" nói lên sự gắn bó sâu sắc giữa con người với Tổ quốc, và con người mang khát vọng mãnh liệt như con tàu hối hả lăn bánh về phía đất nước, nhân dân.

Như vậy, nhan đề và đề từ có hai ý nghĩa. Thứ nhất: Bày tỏ tình yêu và khát vọng hòa nhập, cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân, Thứ hai: Cái "ta" ở đây còn là một nhà thơ, nên khát vọng công dân gần với khát vọng của người nghệ sĩ tìm về Tổ quốc như tìm về ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật.

Viết bình luận