Phân tích tâm trạng cô đơn và nỗi đau khổ của chinh phụ trong đoạn Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

HƯỚNG DẪN

1. Ngoại cảnh trong cảm nhận của người chinh phụ:

Cảnh vui hay buồn thường phụ thuộc vào tâm trạng người ngắm cảnh. Nguyễn Du từng nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong trường hợp này cũng vậy, “cảnh buồn người thiết tha lòng”, người chinh phụ đang buồn nên chỉ nhìn thấy những khía cạnh buồn, sắc thái buồn của cảnh. Và nàng mượn cảnh để bộc lộ lòng mình. Hiện ra trong đoạn thơ là những chi tiết cảnh vật: hiên vắng, chim thước chẳng mách tin, ngọn đèn vô tình, tiếng gà eo óc giữa canh khuya, cây hòe rủ bóng trong đêm vắng, sương đẫm ướt cành cây, côn trùng rên rỉ trong mưa... Nỗi bật lên tất cả là một cảm giác vắng lặng đáng sợ. Thỉnh thoảng có tiếng gà eo óc từ xa vọng lại, chung quanh có tiếng giun dế nỉ non chỉ càng làm người trong cảnh cảm nhận rõ hơn sự cô tịch, trống vắng mênh mông của không gian. Tất cả gợi cảm giác về sự thiếu vắng, trơ trọi, xa xăm và lạnh lẽo. Qua đó có thể thấy tâm trạng đang hết sức cô đơn, trống trải của người chinh phụ. Cảnh vắng lặng làm nổi bật lên sự lẻ loi của con người. Chinh phụ chẳng có ai để làm bạn, để sẻ chia, an ủi.

Tâm trạng cô đơn và đau khổ của người chinh phụ

2. Tâm trạng cô đơn và đau khổ của người chinh phụ:

Sự thương nhớ, lo âu và mong đợi chồng làm cho người không nguôi bồn chồn, khắc khoải. Nàng muốn làm gì đó để khuây khỏa nhưng luôn luôn cảm thấy bất lực.

- Khi nàng dạo trước hiên vắng thì những bước chân thầm lặng cứ nặng nề bởi những nỗi niềm đeo đẳng (“thầm gieo từng bước”).

- Khi nàng ngồi bên cửa sổ thì không biết bao lần cuốn rèm lên rồi lại buông rèm xuống - cuốn rèm lên để mong nhìn thấy một cánh chim đưa thư chồng đến, chờ mong đến mỏi mòn nàng đành buông rèm xuống, nhưng rồi không thể yên lòng nàng lại cuốn rèm lên để tiếp tục hi vọng, đợi chờ (“Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”).

- Bên ngoài rèm, không có được cánh chim mong đợi, chinh phụ quay vào bên trong rèm mong làm bạn với ngọn đèn để khuây khỏa nỗi lòng nhưng rồi lại đau xót nhận ra rằng ngọn đèn chỉ là vật vô tri, và chỉ còn lại (“lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”).

- Xung quanh người chinh phụ hoàn toàn hiu quạnh, chỉ có tiếng gà eo óc xa xa vẳng lại và bóng cây hòe trong đêm phất phơ che phủ quanh nhà.

- Trong Truyện Kiều, khi Kim Trọng và Thúy Kiều gặp gỡ, chuyện trò tương dắc, Nguyễn Du viết: “Ngày vui ngắn chẳng đầy gang”. Còn ở đây ngược lại, chinh phụ chỉ một mình một bóng nên đối với nàng “khắc giờ đằng đẵng như niên”. Và môi sầu của nàng cũng được cụ thể hóa, nó dằng dặc mênh mông không bờ bến, “tựa miền biển xa”. Thời gian tâm lí và không gian ước lệ này nói lên sự cô đơn, đau buồn, khắc khoải khôn nguôi của người chinh phụ.

- Nàng muốn đốt trầm hương để làm thanh thản lòng mình nhưng tâm hồn như đã chìm đắm trong nỗi buồn nên chẳng còn cảm nhận được hương thơm. Nàng muốn soi gương để trang điểm lại dung nhan nhưng khi soi gương lại càng đầm đìa nước mắt vì thấy bóng mình lẻ loi trong gương.

- Nàng muốn gảy đàn để khuây khỏa nhưng sợ nỗi sầu nặng trĩu trong lòng làm cho đứng dây uyên ương, chùng phím loan phượng, tạo nên điềm rủi khiến vợ chồng không còn được đoàn tụ.

- Nàng muốn gửi lòng nhớ thương chồng cho gió nhưng xa xôi quá gió không mang tới được, trời thì cao không thấu hiểu được.

Từng những chi tiết trên có thể thấy người chinh phụ hết sức cô đơn, sầu não và tâm trạng ấy ngày càng khắc khoải, bức xúc, không ngớt dày vò nàng vì nàng không có nơi nào để sẻ chia, không có cách để giải tỏa. Nàng chỉ còn biết độc thoại và sống trong mơ tưởng.

b) Ngôn ngữ của người chinh phụ và giá trị biểu hiện của nó:

Chinh phụ ngâm là một tác phẩm trữ tình nên đó đôi lúc ngôn ngữ của người kể, tả và ngôn ngữ độc thoại nội tâm cửa nhân vật trữ tình - người chinh phụ - hòa quyện vào nhau, khó tách bạch. Trong đoạn trích, người chinh phụ rất cô đơn với tâm trạng ngổn ngang trăm môĩ - nhớ thương, mong đợi, lo lắng, buồn rầu... nên nàng không thể không bộc bạch nỗi lòng với ai đó.

Lúc nàng than thở với ngọn đèn:

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Lúc thì nàng nhắn nhủ với gió xuân:

Lòng này gửi đông có tiện'?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Mà cũng có thể hiểu đấy là những lời nàng đang tâm sự cùng chồng nơi xa xôi. Nhưng dù thế nào đi nữa, thực ra đó cũng chỉ là mình tự nói với mình mà thôi. Ngôn ngữ đối thoại ở đây cũng chính là ngôn ngữ độc thoại nội tâm vì đôi thoại chỉ hoàn toàn trong tưởng tượng để khắc họa đậm thêm nỗi lòng bi thiết, tâm trạng nhớ nhung của mình. Tính chất độc thoại nội tâm càng bộc lộ rõ nét ở những câu thơ gần như cuối đoạn:

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lèn bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong....

Có thể nói ngôn ngữ của người chinh phụ không chỉ bộc lộ tâm trạng sầu nhớ chồng mà còn thấy được mức độ, sắc thái của những nỗi niềm đó, nó khắc khoải, giày vò, chồng chất, triền miên, làm con người như tê dại cả tâm hồn...

Ngôn ngữ của người chinh phụ và giá trị biểu hiện của nó

c) Nguyên nhân nỗi đau khổ của chinh phụ:

Nỗi đau khổ của người chinh phụ là một cung bậc tình cảm đa thanh, phức hợp từ nhiều nguyên nhân.

- Nàng yêu chồng tha thiết, đôi lứa đang hạnh phúc, gắn bó bỗng phải đột ngột lìa xa không biết ngày nào gặp lại. Nàng rơi vào tình cảnh lẻ loi, trơ trọi, đôì diện với nỗi cô đơn giữa không gian mênh mông và thời gian dằng dặc (Ở một đoạn khác nàng đã tự hỏi: “Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ/ Chàng há từng học lũ vương tôn?/ Cớ sao cách trở nước non/ Khiến người thôi sớm thì hôm những sầu? hay “Nỡ nào đôi lứa thiếu niên/ Quan san để cách hàn huyên bao đành”).

- Vì yêu chồng nên nàng luôn quan tâm đến sự an nguy của chồng. Mỗi ngày nàng mong ngóng tin tức chàng. Sự bặt tin khiến nàng lo lắng không yên.

Từ nỗi lo âu đó, nàng bị ám ảnh bởi viễn cảnh tan vỡ, chia lìa vĩnh viễn nên luôn kiêng sợ những gì có thể tạo nên điềm xấu (“Sắt cầm gượng gảy ngón đàn/ Dây uyên kinh đứt phím loan ngại ngùng”).

- Nàng khao khát được sẻ chia, giãi bày, được chàng thâu hiểu nỗi lòng thương nhớ nhưng hoàn toàn không có phương tiện và điều kiện thực hiện.

Tựu trung lại, nguyên nhân chính gây ra nỗi đau khổ của người chinh phụ là tình yêu bị chia cắt, hạnh phúc bị tước đoạt và bất lực trước số phận. Tác phẩm do có giá trị nhân đạo sâu sắc, từ nỗi lòng của người chinh phụ đã trỗi dậy thông thiết khát vọng hạnh phúc, yêu đương của con người trong xã hội loạn lạc chiến tranh.

3. Nhạc điệu đoạn thơ:

Bản dịch Chinh phụ ngâm được viết bằng thể thơ song thất lục bát vì nhạc điệu của thể thơ này rất thích hợp với loại tác phẩm trữ tình. Trong thể thơ song thất lục bát, mỗi khổ thơ gồm 4 câu theo trật tự 6 - 8 - 7 - 7. Mỗi khổ này như một chu kì. Cứ hết chu kì này lại đến chu kì khác. Nó xoay vần, tiếp nối, lặp đi lặp lại như tâm trạng buồn thương của nhân vật trữ tình cứ dằng dặc, triền miên không dứt. Mặt khác, sự đối xứng về thanh điệu ở 2 câu thất và đôi khi có cả tiểu đổi ở câu lục và câu bát cộng thêm cả vần chân và vần lưng được sử dụng song song đã tạo thành nhạc điệu dồi dào, réo rắt, rất thích hợp với việc diễn tả nội tâm bi thương với những âm điệu nhớ nhung sầu muộn, than vãn, oán trách...

Viết bình luận