Phân tích tấn bi kịch của nhân vật Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa" của nhà văn Nam Cao

Tôi nhớ có một nhà văn Nga đã phát biểu: Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, còn những gia đinh bất hạnh thì đau khổ theo kiểu riêng của mình trong nỗi đau chung của cuộc đời. Rõ nhất là dưới bóng đêm của xã hội cũ, mỗi con người đều gắn liền với mỗi số phận, mỗi nỗi đau riêng. Mỗi tác phẩm văn chương lại xuất phát từ cuộc đời. Hầu như trong cuộc đời cũ, những áng văn chương sống lâu với thời gian phần nhiều lại là những tác phẩm viết về nỗi đau của con người.

Phải chăng bản thân những băn khoăn về nỗi đau ấy tự nó bộc lộ một khát vọng cao đẹp. Có lẽ nhà văn muốn đồng hành với đồng bào, đồng loại của mình trên hành trình đi đến một chân trời hạnh phúc và vẹn toàn. Nam Cao là một trong những nhà văn như thế qua nhiều tác phẩm, nổi bật là 'Đời thừa ” với tấn bi kịch của nhân vật Hộ.

Đời thừa

Đọc "Đời thừa”, tiếp xúc với văn sĩ Hộ, người đọc cứ bị ám ảnh mãi về những bi kịch tinh thần mà người trí thức dưới xã hội thực dân nửa phong kiến phải gánh chịu. Có lẽ khi viết “Đời thừa ”, Nam Cao đã sống với nỗi đau của người trí thức - một chứng nhân trong cuộc - bởi vậy ông rất tin vào những điều tốt đẹp trong nhân cách của người trí thức. Và đồng thời ông cũng bộc lộ khát khao về hạnh phúc của những nhân vật đáng thương ấy. Người trí thức tiểu tư sản là một hình ảnh nổi bật trong những sáng tác của Nam Cao. Viết về người trí thức, ông không chỉ viết bằng vốn liếng, quan sát của mình mà còn viết với sự thông cảm sâu sắc. Bản thân cuộc đời ông lắm gian nan nhưng ông chỉ quan tâm đến sự thiếu thốn về vật chất, mà điều ông đặc biệt để ý đến là những trăn trở day dứt, thể hiện những khát vọng cao cả, những sự nghiệt ngã trong cuộc đời thực đã dìm xuống. Đó là những con người "lực bất tòng tâm" để rồi dẫn họ đến một bi kịch tinh thần. Nhân vật Hộ đã mang đủ những tính cách như thế.

Anh là người chồng của một người vợ ốm yếu, là cha của những đứa con hay đau bệnh. Gánh nặng gia đình và trách nhiệm của một người chồng, người cha luôn đè nặng trên đôi vai của anh. ở một phương diện khác, anh lại là một nhà văn. Đây là công việc mà anh tự cho là hết sức cao quý. ở Hộ luôn có sự giằng co không dung hòa nổi, không giải quyết được mâu thuẫn giữa tư cách một nhà văn và trách nhiệm của một người chủ gia đình.

Với tư cách là trụ cột gia đình, Hộ đã có ước muốn nào cho tổ ấm nho nhỏ của mình? Trong thực tế, anh đã làm được gì cho gia đình ấy? Hộ chỉ là một nhà văn nghèo sống bằng tình thương. Ước mơ của Hộ là mang lại hạnh phúc cho vợ con mình - những người mà anh thương. Hộ luôn biết vươn lên với một nguyên tắc sống "kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên đôi vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình". Thời gian đầu, Hộ đã trung thành với nguyên tắc ấy. Hộ cúi xuống đế cứu giúp cuộc đời đau khổ của Từ với một tình thương, một tâm hồn hoàn toàn vô tư, độ lượng. Anh đã từng có một suy nghĩ hết sức cao đẹp: nếu cần anh cùng sẵn sàng hi sinh niềm say mê nghề nghiệp của mình cho hạnh phúc gia đình, ở thời gian đầu, Hộ đã làm được việc đó. Nhưng cái gánh nặng gia đình ngày càng nặng, con đường phía trước còn quá dài. Đôi vai anh trĩu xuống, đôi chân anh dừng lại. Vả lại Từ chẳng thể đỡ đần gì về mặt kiếm sống cho chồng vì không vốn và bận bịu đàn con thơ. Từ đã không san sẻ được cái gánh nặng cuộc đời với chồng mặc dầu trong thâm tâm Từ rất muốn làm như thế. Cứ loay hoay mãi trong vòng ràng buộc "áo cơm", Hộ lại rơi vào sự bế tắc bất lực. Còn đâu những hoài bão lớn mà Hộ đà từng vun đắp? Bấy giờ đói rét đã có nghĩa lí đối với nhà văn say mê lí tưởng ấy rồi. Anh không còn dám khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Anh đã biết giá trị của đồng tiền và cái nhục của một thằng đàn ông không nuôi nổi vợ con. Hộ giận cuộc đời thật khắt khe đối với mình, giận vợ con và giận cả bản thân mình. Hộ tìm quên lãng trong hơi rượu, và những lời lẽ bốc đồng cay nghiệt, cộc cằn như một tên vô lại trút cả lên đầu vợ con: "ngày mai, chỉ ngày mai thôi là tôi đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi cái nhà này... Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ có biết ăn với hét? Cả con mẹ nữa... cũng đáng vật một nhát cho chết nốt ...". Hộ đã rơi vào sự tha hóa từ những lời lẽ thồ lỗ như thế. Nhưng Nam Cao đã biết dừng lại đúng lúc. Ông không để cho nhân vật của mình trượt dài trên con đường tha hóa, để rồi một lúc nào nhìn lại, Hộ lại hối hận vì những lầm lỗi không thể tha thứ được. Ở đây, nhà văn để cho người trí thức như Hộ suy nghĩ; trăn trở để tự suy xét mình. Họ là những người ưa hướng nội. luôn sống với nội tâm của mình. Phải chăng nhờ đặc điểm này mà họ có những khoảnh khắc thức tỉnh, để không trở thành những tội nhân đáng thương, những kẻ đáng lên án của xã hội. Hộ cũng là một con người như thế. Sau những cơn say. Hộ lại ân hận và tự giày vò, nguyền rủa mình. Hộ không ngờ rằng có lúc con người mình lại đồi bại như thế. Nhờ tự vấn lương tâm mà Hộ đã có phút thức tỉnh, ăn năn, ân hận. Cho dù Hộ là con người cao quý thế nào đi chăng nữa, Hộ cũng đã gây ra đau khổ cho người thân, đó là lỗi lầm đáng trách. Nhưng còn một điều may mắn, Hộ vẫn là một con người. Cũng bởi vì còn là một con người nên Hộ đã khổ, đã phải rơi vào bi kịch: Nỗi khổ tâm do mâu thuẫn không giải quyết được giữa cái khổ vật chất và tâm hồn. Hộ luôn bị giằng xé giữa hai đối cực của tình cảm và của hành động, đó là sự chọn lựa giữa sự cao cả và cái thấp hèn; giữa lòng vị tha và tính vị kỉ ... Đấy là tấn bi kịch ghê gớm, quằn quại. Nỗi dằn vặt ấy Nam Cao đã thấy được, đã hiểu được, hiểu sâu vào nội tâm nhân vật của mình. Đây chính là nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn Nam Cao...

Nhà văn Nam Cao

Nhưng nếu chi có thế thì cuộc đời của văn sĩ Hộ chưa đáng "thừa". Trong ý thức, Hộ chưa bao giờ rẻ rúng nghề văn của minh. Ngược lại, anh rất sung sướng và tự hào về nghề văn "thử có người giàn bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi chưa chắc tôi đã đổi". Hộ đã nói một cách chân thật suy nghĩ của mình như thế.

Đọc một đoạn văn hay, Hộ ngây ngất đầy khoái cảm nhưng đó cũng chính là lúc Hộ nhận ra rằng, chỉ tại "tôi mê văn quá nên mới khổ”. Hộ luôn ấp ủ một ước mơ: Tác phẩm của mình sẽ đoạt giải Nô-ben, sẽ làm lu mờ những tác phẩm khác. Chúng ta không nên có thái độ cực đoan đối với nhân vật Hộ. Hộ không phải là kẻ háo danh. Anh chỉ muốn tác phẩm mình thực sự có giá trị, phải vượt lên trên tất cả để trường tồn với không gian và thời gian. Một tác phẩm hay phải bao quát cả bề rộng và chiều sâu, chứa đựng tình người lớn lao, mạnh mẽ. Hộ đã nói điều này trong lúc uống rượu, nhưng đừng nghĩ rằng đây là những lời lẽ bốc hơi men, mà đây là những lời lẽ chân tình, chân thực đã được ấp ủ lâu trong lòng Hộ, mang khát vọng cháy bỏng trong tâm can Hộ. Đây là những điều mà ngày thường anh không nói ra.

Theo thời gian, Hộ phải quay về với cuộc sống thực tại. Những giây phút hạnh phúc ấy quả là ngắn ngủi, ít ỏi trong cuộc đời Hộ. Chính Từ đà kéo Hộ trở về với thực tại, một sự thực nghiệt ngã với những cái tẹp nhẹp, tủn mủn: mắm, gạo, thuốc, tiền nhà... Hộ như vỡ mộng, đâm ra cáu gắt nhưng vẫn không trốn được những cái tẹp nhẹp ấy. Thế là nhà văn Hộ phải viết ẩu, viết vội mặc dù anh tự biết rằng "sự câu thả trong văn chương thì thật là đê tiện Hộ không cho phép mình là kẻ đê tiện nhưng thực tế thì Hộ đã phải viết toàn những cái vô vị nhạt nhẽo... quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá dễ dãi". Khi đọc lại những trang viết như thế, Hộ cảm thấy xấu hổ: "Thôi thế là hết ! Ta đã hỏng đứt rồi". Hộ đã không tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi mà chi còn là một người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu có sẵn. Điều này có nghĩa Hộ đã là một con người thừa, "thừa" với ngay cả cái nghề mà anh ta tự hào: "cái mộng văn chương ngày nào bây giờ cũng chỉ là mộng". Hộ cố nhớ lại những gì rất xa xôi, là hoài bão tốt đẹp trong đầu một chàng trai trẻ hăm hở bước vào đời và bước vào nghề. Cuộc đời sáng tác có lẽ đã chấm hết bởi những tác phẩm Hộ viết và tiếp tục viết sẽ chẳng còn cần thiết cho đời nữa. Là một người thừa trong nghiệp văn, nhưng Hộ lại vẫn còn là con người đầy lòng tự trọng, vẫn còn có cái khát vọng cao cả, vì vậy mà anh ta đã khổ, đã rơi vào bi kịch.

Chính những bất công phi lí của xã hội thực dân nửa phong kiến đã không "nuôi " nổi những ước mơ cao đẹp của con người. Từ đó tạo nên bi kịch. Đấy cũng chính là chiều sâu của cuộc đời thường, một nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn Nam Cao.

Người trí thức trong tác phẩm của Nam Cao dường như luôn ở tư thế giằng co giữa hai đối cực của tình cảm, của quá trình tâm lí, của nhân cách. Có lúc họ hi vọng nhưng rồi lại tuyệt vọng, chán chường. Nhiều lúc làm ranh phân chia những đối cực ấy mỏng manh như những sợi tóc, chênh vênh, chao đảo. Nhưng Nam Cao đã không để cho nhân vật của mình rơi xuống hố sâu của cái ác và cái xấu. Họ vẫn là người, mang trong mình tính cách của một người trí thức có tâm huyết.

Đọc xong tác phẩm, có một điều đáng quý là tấm lòng của Nam Cao, vừa cảm thông trước bi kịch khổ đau của Hộ, vừa bao dung trước những lỗi lầm, vừa trân trọng những hoài bão tốt đẹp, phát huy những khát vọng cao cả mà nhân vật muốn vươn tới. Điều này thật đáng quý và đó là tấm lòng nhân đạo của nhà văn hiện thực xuất sắc Nam Cao khi dựng lên bi kịch của người cầm bút trước đây.

Viết bình luận