Quan niệm của anh (chị) về giá trị nhân đạo trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà anh (chị) đã đọc

Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực phê phán kiệt xuất, là người có công lớn trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Trong các tác phẩm của mình, ông hướng ngòi bút vào khám phá hiện thực ở cả bề sâu và bề rộng với mục đích vạch trần sự ung nhọt của xã hội bằng thái độ châm biếm, trào phúng sâu cay. Sự phức tạp trong tư tưởng, thế giới quan của nhà văn khiến cho việc tiếp nhận và đánh giá của nhiều luồng khác nhau. Nhưng dù Vũ Trong Phụng có viết về hiện thực một cách nghiệt ngã và chua chát thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận một điều rằng: chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm của ông là có thực, bóc tách đằng sau tất cả những sự thực trần trụi, người ta cũng sẽ bắt gặp một tấm lòng đang đau đớn, xót xa vì những bất công, ngang trái trong xã hội.

Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực phê phán kiệt xuất

Chủ nghĩa hiện thực ở Việt Nam nảy sinh trên một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến (tuy có ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực phương Tây đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực trong văn học Pháp). Phanh phui hiện thực nhiều bất công ngang trái đó, nếu như Nguyễn Công Hoan nghiêng về khía cạnh phi lý đáng cười trong sự hư hỏng của con người; Ngô Tất Tố bênh vực cho người nông dân, người nông dân trong tác phẩm của ông khổ vì nhiều thứ: Vì sự bóc lột hà hiếp, ăn chặn của bọn cường hào lý dịch của làng xã và bọn quan lại mà Nguyễn Tuân gọi là “bọn ba ba dọi”; thì ở Vũ Trọng Phụng, chủ nghĩa nhân đạo mang dấu ấn riêng. Vũ Trọng Phụng sinh sống ở phố hàng Bạc - một trung tâm ăn chơi xa hoa nhất, chứng kiến đầy đủ cuộc sống xa hoa, trụy lạc của những con người nơi thị thành cũng như không ít những cảnh bất công ngang trái trong xã hội đó. ông bày tỏ thái độ thất vọng, chán nản đối với thực tại trong một giọng điệu mỉa mai, trào phúng. Dùng tiếng cười để tống tiễn những cái xấu xa, có thể nói, mỗi sáng tác của Vũ Trọng Phụng mang màu sắc giống như những vở hài kịch là ở chỗ đó. Chỉ có điều, ở hài kịch, đó là tiếng cười để tống tiễn những cái xấu xa, trái ngược một cách vui vẻ, còn trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng lại là một tấn bi - hài kịch mang đến một cái cười nhưng vẫn đầy băn khoăn, trăn trở. Ớ Vũ Trọng Phụng, người ta bắt gặp cái nhìn có vẻ cực đoan về tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh tác giả. Người ta cảm tưởng như nhà vãn đang ném về thực tại cái nhìn hằn học nên chỉ thấy những “khốn nạn”, “chó đểu”, không một chút niềm tin vào con người, không một chút màu sắc tươi sáng. Và bởi vậy, khi đi vào tìm hiểu các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, người ta bỏ qua hoặc phủ nhận giá trị nhân đạo mà tác phẩm mang lại. Nhưng có một thực tế rằng: Dù nhà văn viết về hiện thực với tất cả những thói hư tật xấu, không mội chút lạc quan, với tất cả những phê phán, mỉa mai thì đằng sau đó vẫn ẩn chứa một tấm lòng nhân đạo sâu sắc được thể hiện theo một cách riêng: tố cáo xã hội để khát khao thay đổi, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là một trong những biểu hiện tiêu biểu của nhân đạo, của vì con người. Có một điều không thể phủ nhận là: Vũ Trọng Phụng không phải là nhà văn của nông đân và nông thôn, lại càng không phải là nhà văn tri âm của nông dân (diều mà người ta căn cứ vào để đánh giá vào giá trị nhân đạo trong tác phẩm của ông) nhưng đó cũng là một điều hoàn toàn có thể giải thích được. Vũ Trọng Phụng là nhà văn của đời sống thành thị, suốt cuộc đời ông gắn với thành thị. Sinh ra và lớn lên ở phố hàng Bạc, Hà Nội - một trung tâm ăn chơi có thể coi như xa hoa bậc nhất đất Hà thành, ông được chứng kiến đầy đủ tất cả những gì gọi là xa hoa, trụy lạc, và cả sự tha hóa, biến chất cùng cực của con người và đưa nó vào trong tác phẩm dưới một giọng văn trào phúng đầy sức hấp dẫn. Không chỉ am hiểu về đời sống thành thị, Vũ Trọng Phụng lại sống cuộc sống nghèo khổ, vất vưởng. Vốn là một nghệ sĩ trí thức có tài năng lớn lại bị cái nghèo khổ ràng buộc, mang sẵn trong mình thái độ phẫn uất đối với thế lực đồng tiền và cuộc sống bất công giả dối cộng với tư tưởng bi quan định mệnh khiến cho ngòi bút miêu tả hiện thực của ông vốn đã sắc sảo nay dường như lại thêm phần cay nghiệt. Nhưng cần phải hiểu rằng, Vũ Trọng Phụng có một nét rất riêng: trên tinh thần phê phán xã hội, phê phán cái xấu, ông hướng tới khẳng định cái ngược lại, hướng tới những cái tốt đẹp hơn. Chỉ ra bằng sức mạnh nghệ thuật ghè gớm những hư hỏng, đốn mạt, đồi bại, lưu manh, tha hóa của con người trong xã hội thị thành, ông gọi đó là một xã hội “vô nghĩa lý”, “chó đểu”, “khốn nạn” cũng là một cách đập phá cho tan tành cái xã hội ấy, gián tiếp mơ ước về một xã hội “có nghĩa lý”, con người “có nghĩa lý”, những con người đẹp đẽ, cao thượng, đích thực với hai chữ Con người. Rất ít khi bộc lộ trực tiếp điều này nhưng cũng đã có lúc Vũ Trọng Phụng để cho nhân vật buột miệng nói ra: “Thế mới biết đời cũng có nghĩa lý lắm chứ” (Lỡ lời). Với nhà văn, sống phải thủy chung, tình nghĩa, như thế mới ra con người. Còn những kẻ mà ông đang gặp ở ngoài đời sống kia, những kẻ như Xuân “tóc đỏ”, như Nghị Hách, con cháu của cụ cố Hồng, rồi biến chất như Thị Mịch, bà đồ uẩn, con sen đũi... chẳng phải là những kẻ đáng nhận được sự phê phán, cười cợt hay sao?

giá trị nhân đạo trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng

Như vậy, có thể nói, một trong những biểu hiện cho giá trị nhân đạo trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là sự phản ánh một cách chân thực diện mạo xã hội đương thời, một xã hội mục ruỗng, thối nát đầy rẫy những tệ nạn có tính chất quốc nạn, cả một xã hội tha hóa, biến chất. Một xã hội mà đồng tiền có sức mạnh vạn năng, chi phối và làm khuynh đảo cuộc sống. Vi đồng tiền mà Nghị Hách có thể làm tất cả mọi việc. Đồng tiền biến Thị Mịch, một cô gái nông dân trong sáng thành một người đàn bà dâm đãng, hư hỏng (Giông tố). Đồng tiền và sự bất công có thể khiến một thằng “ma cà bông” chỉ giỏi trò lưu manh, lừa lọc như Xuân “tóc đỏ” trở thành một đôc - tờ, một “anh hùng cứu quốc”, “vĩ nhân của thời đại”, được thưởng Bắc đẩu bội tinh (Số đỏ). Xã hội thì đầy rẫy tệ nạn: nạn cờ bạc bịp, nạn mại dâm, nạn tham nhũng... mà cái nào cũng tác oai, tác quái, chi phối đến cuộc sống của mọi thành viên trong xã hội đó. Nói như vậy không có nghĩa là người ta chỉ bắt gặp ở Vũ Trọng Phụng thái độ phê phán. Bên cạnh tiếng nói đả kích, tố cáo xã hội, còn là tiếng nói của sự cảm thông đối với những người lao động nghèo thành thị. Điều này không có gì mâu thuẫn với tất cả thái độ của ông đã có ở trên bởi xét đến cùng, sự so sánh ít nhiều cũng phải bắt nguồn từ cảm thông với một ai đó, về một khía cạnh nhất định nào đó. Chính vì vậy mà khi đi vào lý giải các hiện tượng, người ta thường bắt gặp sự mâu thuẫn trong tư tưởng của nhà văn. Nhân vật ông già Hải Vân trong “Giông tố” có thể coi là một trong rất ít nhân vật nhận được tình cảm ưu ái của nhà văn. Mặc dù hình tượng nhân vật này giống với một kiểu anh hùng giang hồ nhiều hơn là một người cộng sận. Lý tưởng, khát vọng của Hải Vân là lấy tiền của người giàu chia cho dân nghèo mặc dù hành động thì có phần tiêu cực nhưng cũng có thể đó là hình ảnh một người cộng sản theo cách hiểu của Vũ Trọng Phụng và ông đã viết theo cái tâm của mình, một cách chân thành nhất, giá trị nhâ văn, nhân đạo là ở chỗ đó. Nói như nhận xét của Giáo sư Nguyền Đăng Mạnh: Hình như nói đến tài Vũ Trọng Phụng thì không ai phủ nhận nhưng khi nói đến tình thì nhiều người còn phân vân. Sức mạnh Vũ Trọng Phụng tập trung việc đả kích, phủ định một cách cay độc, thái độ căm hờn. Đó cũng chính là tình cảm của nhà văn đối với hiện thực thối nát: phơi bày, lật tẩy ung nhọt của đời sống và khát khao muốn thay đổi xã hội. Như vậy, ở điểm này, Vũ Trọng Phụng rất giống với một nhà văn hiện thực nổi tiếng của Pháp O.Ban - zắc, Cũng đã có rất nhiều lúc, Vũ Trọng Phụng đứng trên quan điểm của người lao động để nhìn nhận xã hội. Trong “Cơm thầy cơm cô”, ông đứng hẳn về phía con sen, thằng ở để bênh vực, tố khổ xã hội: “Còn xa tôi mới làm thầy kiện mà cãi không công cho những thằng chủ đưa từng hào chỉ cho con sen mua thịt quay”. Và ông coi họ là những nạn nhân của xã hội thối nát để bào chữa cho họ, cho sự “hu” của các cô gái trong “Lục xì” hay cảm thông với số phận của những cô gái “làm đĩ” trong “Kĩ nghệ lấy Tây”. Đặc biệt, với “Vỡ đê”, người ta bắt gặp tiếng thét căm hờn của ông hòa chung với tiếng thét của nhân dân vỡ đê. Ông đã đứng hẳn về phía người nông dân để lên tiếng chống lại những kẻ đang sống trên mồ hôi, nước mắt của họ.

Không thể phủ nhận một điều rằng Vũ Trọng Phụng có những hạn chế nhất định trong tư tưởng nhưng không thể phủ nhận được tài năng nghệ thuật của ông cũng như giá trị nhân đạo trong các tác phẩm của ông là có thực. Hiện thực xã hội cũng như những hoàn cảnh riêng đã khiến cho cái nhìn phê phán và ngòi bút trào phúng của Vũ Trọng Phụng có phần cay nghiệt nhưng xét đến cùng, ông vẫn là một nhà nhân đạo chủ nghĩa từ trong cốt tủy, vẫn là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng một nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam mang giá trị đặc sắc, và có ý nghĩa trong mọi thời đại.

Viết bình luận