Sức mạnh của tình thương yêu con người thể hiện trong các tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), “Vợ nhặt” (Kim Lân)

Văn học Việt Nam sau năm 1945 không chỉ giàu tính chiến đấu mà còn giàu tính nhân đạo. Văn học thời kì này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ con người, giải phóng con người mà còn là sự thương yêu, bảo vệ con người. Hai tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” ra đời trong hoàn cảnh gần như tương đồng đã thể hiện rất rõ điều này, hai tác phẩm của hai tác giả hoàn toàn, khác nhau nhưng đều là sự đùm bọc, yêu thương nhau trong cái đói, cái khát. Trong bước đường cùng, con người ta vẫn đùm bọc, san sẻ và yêu thương nhau.

A Phủ đã khơi dậy trong tâm hồn Mị niềm thương cảm sâu sắc của những con người cùng cảnh ngộ

Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” trước hết là khát khao sống mãnh liệt của cô con gái người dân tộc khi bị vùi dập trong cái đói, cái khổ. Khát khao ấy bộc lộ mạnh mẽ nhất khi tiếng khèn, tiếng gọi bạn trên nương cao lúc mùa xuân về. Nói đúng hơn, đó là sự trỗi dậy mãnh liệt nhất của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc. Tình yêu thương con người được nhà văn Tô Hoài thể hiện đậm nét nhất khi Mị nhìn A Phủ bị trói cột ngay giữa nhà.

Thời gian lại lẳng lặng trôi đi, Mị vẫn tiếp tục “lùi lũi” với công việc của mình, cho đến một ngày, Mị phải chứng kiến cảnh A Phủ bị trói một cách vô cùng thảm khóc chỉ vì làm mất ngựa nhà thống lý. Lúc đó, tâm hồn Mị như khép kín, câm lặng.

Đã biết bao đêm ngồi sưởi lửa, Mị chứng kiến cảnh A Phủ bị trói ở cột nhà, cô tưởng chừng như đã dửng dưng trước những cảnh dường như quá đỗi quen thuộc của nhà Pá Tra. Nhưng đêm nay, dưới ánh lửa “bập bùng”, “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ đã khơi dậy trong tâm hồn Mị niềm thương cảm sâu sắc của những con người cùng cảnh ngộ. Càng thương mình, “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng như thế kia”, Mị càng thông cảm với nỗi đau của A Phủ. Một lần nữa, niềm khao khát sống mãnh liệt lại trỗi dậy trong cô, cô thấy thương cho A Phủ, thấy thương cho chính bản thân mình. “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi. Người kia việc gì mà phải chết thế”. Mị không thể dửng dưng, câm lặng được nữa, tình thương đã lấn át cả nỗi sợ và cả cái chết - cô sẵn sàng thế mạng cho A Phủ. Đó là giây phút tuyệt vời nhát trong cuộc đời Mị, cô đã có một quyết định thật táo bạo là cởi trói, giải thoát cho A Phủ. Có lẽ lúc này, Mị không thể cam tâm nhìn con người vô tội kia bị trói nữa. Bên cạnh niềm khao khát sống mãnh liệt, đó còn là tình thương giữa người với người, sự xót xa khi con người bị hành hạ dã man. Con người đã từng dám chết khi không chấp nhận kiếp sống trâu ngựa, từng sấn sang cam chịu thân phận nô lệ để trả nợ cho cha, lại một lẫn nữa sẵn sang chết để cứu một người đang chịu hoàn cảnh oan nghiệt như A Phủ.

Mị cởi trói cho A Phủ, và rồi khát vọng tự do, long ham sống đã bừng tỉnh trong cô. Mị phải sống, “ A Phủ, cho tôi đi! ở đây thì chết mất”. Và thế là “Mị vụt chạy, băng đi!”. Giải thoát cho A Phủ, Mị cũng tự giải thoát luôn cho chính mình, cắt đứt những sợi dây vô hình đã cột chặt đời cô vào quãng đời tủi nhục trong nhà thống lý Pá Tra. Tuy hành động của Mị là một hành động tự phát nhưng nó là kết quả phát triển tất yếu của một quá trình mà sức sống tiềm tàng trỗi dậy không ngừng trong tâm hồn Mị. Từ trong cái điạ ngục giam cầm đầy đọa mình biết bao nhiêu năm tháng, Mị đã vùng lên tìm cho mình sự tự do và cuộc sống mới. Nhà văn Tô Hoài đã mô tả quá trình diễn biến tàm lý và hành động của Mị thật tự nhiên và sinh động, vừa bất ngờ, vừa tất yếu, điều đó phải kể đến tấm lòng nhà văn. Một tấm lòng bao dung, yêu thương con người đã để cho những người vô tội có một lối thoát. Và nếu như, nhà văn Tô Hoài đã để cho cô Mị của mình thoát khỏi cảnh tù túng, bị đàn áp dã man, để trở thành một nữ du kích Phiềng Sa sau này thì nhà văn Kim Lân, bằng tình yêu thương của mình đã để cho anh Tràng của mình tìm được hạnh phúc, tìm được tình yêu.

Mị vẫn tiếp tục “lùi lũi” với công việc của mình

Lòng yêu thương, sự trân trọng của tác giả đối với những người bất hạnh thể hiện ở cuộc dắt díu về làng của hai người. Hạnh phúc của Tràng được thể hiện qua ngòi bút tươi vui, dí dỏm, tinh tế của nhà văn Kim Lân. Nụ cười của anh cu khi thì “phởn phơ”, khi thì “tủm tỉm”, khi thì bật cười. Đi bên cạnh cô gái gầy gò và áo quần rách như tổ đỉa, Tràng không hề gợn trong mình một chút gì coi thường cô gái đó, thậm chí nhờ cô gái đó, anh đã quên hết “những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa”. Cô gái như một nguồn ấm áp, tỏa sáng cuộc sống u tốì của nhân vật Tràng, về phía cô gái, cô cũng không có chút mặc cảm nào về thân phận “bị nhặt” của mình. Trên đường về thì cô giễu anh “Bé lắm đấy”, khi thì măng anh “Khỉ gió!”. Cô vẫn cảm thây mình có đủ sức mạnh đối với phái mạnh như bất cứ những cô gái khác. Họ thực sự hướng về nhau, tìm thấy ở nhau những cảm xúc như những đôi tình nhân khác.

Gia đình Tràng như có thêm sinh khí mới với sự xuất hiện của cô vợ Tràng, tuy vẫn đói, vẫn khổ nhưng không khí thật ấm áp. Người mẹ dậy sớm, cùng nàng dâu mới quét tước dọn dẹp nhà cửa, anh Tràng dậy thấy những nguồn sáng ấm áp chiếu lung linh vào ngôi nhà của mình. Gia đình, tình yêu, sự yêu thương đã đem đến cho mọi người một niềm tin mãnh liệt “Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có khấm khá hơn”. “Chưa bao giờ trong nhà này, mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp đến thế”. Niềm tin yêu vào cuộc sống thật sự mãnh liệt. Cả nhà bên nồi cháo cám vẫn cảm thấy vui tươi, gần gũi.

Hai tác phẩm với những nội dung khác nhau nhưng tình người, lòng người thì vẫn gần gũi, ấm áp đến lạ lùng. Tô Hoài và Kim Lân bằng tình yêu thương đã thổi vào tác phẩm của mình một luồng khí nóng, luồng khí ấm áp tràn đầy tình yêu thương con người, điều đó đã khiến cho các nhân vật trong tác phẩm xích lại gần nhau hơn. “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” không đơn thuần mang giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc.

Viết bình luận