Tại sao nỗi nhớ em trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên lại được đặt ở khổ cuối cùng trong những nỗi nhớ nhân dân? "Nhớ em" so với những nỗi nhớ khác trong bài thơ như thế nào?

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng cho Thúy Kiều nhớ về Kim Trọng trước khi nhớ về cha mẹ khi nàng ở lầu Ngưng Bích. Như vậy, trong tình cảm thông thường người ta sẽ hoàn toàn không trách Chế Lan Viên nếu ông đặt nỗi nhớ em lên đầu tiên. Đặt nỗi nhớ em, người yêu da diết nhất của mình xuống cuối cùng có lẽ là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của tác giả.

Bắt đầu nỗi nhớ là việc nhớ về nhân dân Tây Bắc, tác giả "gặp lại" nhân dân để nhớ nhân dân, để thấy mình được tái sinh và cũng để trả ân trả nghĩa với nhân dân. Có thể coi là chân sóng thứ nhất để rồi từ đây nó ào lên nỗi nhớ anh, nhớ em, nhớ mế. Chân sóng thứ hai là nhớ bản, nhớ đèo để rồi nó dẫn đến nỗi nhớ em khôn tả. Nhớ em, nhớ người mình yêu thương trong cái chiều sâu thẳm nhất của trái tim nên có thể coi đợt sóng thứ hai như một đợt sóng ngầm kéo dài đến vô tận.

Nỗi nhớ em

So sánh nhớ em "như dông về nhớ rét" là một liên tưởng rất lạ nhưng lại rất thấm thìa. Hai từ nhớ được lặp lại trong câu "Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét" tạo thành một phương trình mà anh như mùa đông còn em như là rét. Chính vì vậy việc anh nhớ em có cái bản chất sâu xa của quy luật tự nhiên: mùa đông thì có rét. Tuy nhiên, cái dễ gợi liên tưởng nhất trong việc so sánh nỗi nhớ em so với các nỗi nhớ khác là chính cái rét mùa đông thường khiến cho những đôi lứa yêu nhau cần nhau hơn, nhớ nhau nhiều hơn. Chúng ta cần nhớ rằng đây là cái rét đầu tiên mà người cán bộ lên với chiến khu Tây Bắc, lẽ dĩ nhiên cái lạnh của núi rừng vào mùa đông đối với người ấy sẽ là một kỉ niệm khó quên. Vì vậy, việc so sánh nỗi nhớ em với cái rét của mùa đông quả thật gây cảm xúc mạnh cho người đọc.

Tuy em là nhân vật được tác giả yêu thương nhất nhưng không vì thế mà nỗi nhớ em sẽ được nói đến đầu tiên. Tác giả nhớ về nhân dân, về người anh, người em, về mế, về bản, về làng cứ ào ào tuôn ra không ngớt, nhưng nhớ về em thì luôn chảy ngầm trong tác giả và nó là một đợt sóng riêng mạnh mẽ không chung chảy với bất kì ai.

Chính những sáng tạo nghệ thuật độc đáo này đã đem lại thành công cho khổ thơ cũng như cho toàn bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.

Viết bình luận