Tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Hãy trình bày ngắn gọn những nội dung chính của tác phẩm này

Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký, 1942 - 1943) là tập nhật ký bằng thơ của nhà cách mạng, nhà thơ, vị lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh. Tác phẩm nguyên tác bằng chữ Hán, được sáng tác trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch - Trung Quốc giam giữ trong các nhà lao tỉnh Quảng Tây từ 29/8/1942 đến 10/9/1943.

Ngục trung nhật ký

Ngày 13/8/1942, lấy tên Hồ Chí Minh lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc mang danh nghĩa đại biểu Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ Quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, từ địa điểm cơ quan bí mật đóng ở Cao Bằng, đã lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế và liên lạc với các lực lượng chống Nhật của người Việt ở đó. Sau nửa tháng đi bộ, vào đến thị trấn Túc Vinh, thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Người bị chính quyền địa phương bắt giữ và bị giam cầm hơn mười ba tháng, bị giải tới, giải lui gần ba mươi nhà giam của mười ba huyện tỉnh Quảng Tây. Chính trong thời gian tù đày vô cùng khổ cực đó, Hồ Chí minh đã viết tập “Nhật ký trong tù”.

Như nhan đề chỉ rõ, “Nhật ký trong tù” trước hết là một tập nhật ký ghi lại những nét sinh hoạt hàng ngày của tù nhân, tình cảm và tâm tư của họ, những cảnh những việc tác giả gặp trên đường chuyển lao, suy nghĩ, cảm xúc của nhà thơ trong những ngày bị giam cầm... Bài Mở đầu (Khai quyển) đã nói rõ lí do sáng tác tập thơ: vì trong tù không biết làm gì đành làm thơ để “Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. Nhưng vì là thơ trữ tình, là nhật ký phản ánh tâm tình nên tập thơ vẫn trực tiếp phản ánh tâm hồn cao đẹp và bản lĩnh phi thường của tác giả - người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Tập thơ là một bức chân dung tự họa về chính con người Hồ Chí Minh.

Trước hết, tập thơ thể hiện một tấm lòng nhân ái sâu xa. Nhà thơ nói rất ít đến những đau khổ ghê gớm mà người phải chịu đựng hoặc nếu có nói thì nói bằng giọng bông đùa nhưng trái lại, Người đậ dành khá nhiều bài viết về niềm vui, nỗi khổ của những người cùng cảnh ngộ, những cảnh đời, số phận bất hạnh mà nhà thơ được chứng kiến. Điều đó thể hiện một tình yêu thương bao la và một tấm lòng hi sinh, quên mình cho hết thảy của tác giả tập nhật ký. Trong tập nhật ký có những tác phẩm đề tài tưởng chừng như vụn vặt, nói về sinh hoạt hàng ngày của người tù: cảnh chia nước, nghiện thuốc lá, cháo hoa, muối trắng, đau bụng... Nhưng chính chúng lại có ý nghĩa lớn, nó chứng tỏ tinh thân nhân đạo chân chính ở người viết: Quan tâm chu đáo đến đời sống cụ thể của mọi người.

thời gian tù đày vô cùng khổ cực

Không chỉ là những người bạn tù cùng cảnh ngộ, Hồ Chí Minh còn giành tình cảm của mình cho tất cả những người lao động nghèo khổ, những cư dân Trung Quốc tốt bụng, ở những nơi mà nhà thơ từng đi qua (Chiều tối, Phu làm đường, Mạc ban trưởng, Hầu chủ nhiệm ân tặng bộ nhất thư..,). Những tình cảm ân nghĩa sâu đậm, vượt lên khỏi những giới hạn của sự phân biệt đẳng cấp xã hội trong chốn lao tù tối tăm đó thật đáng quý. Cũng chính trên cơ sở lòng nhân ái sâu rộng đó, Nhật ký trong tù còn có những bài mang nội dung châm biếm sắc sảo, là thước phim vô cùng quý giá đả kích thâm thúy chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch, hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc thối nát khi đó.

Tập nhật ký cũng chất chứa nỗi niềm thương nhớ đất nước và khát khao tự do để trở về với dân tộc, với cuộc kháng chiến của nhà thơ cách mạng. Lúc ngủ hay lúc thức, khi đang trong tù hay trên đường chuyển lao... dường như không lúc nào tác giả nguôi đi nỗi nhớ nước (Đêm thu, Ôm nặng, Không ngủ được...) và nó trở thành nỗi đau khổ lớn nhất, vượt lên trên tất cả những nỗi đau khổ khác. Tập thơ cũng là khát khao tự do, khát khao chiến đấu đến cháy ruột của một con người mà lẽ sông đâu tranh đã trở thành máu thịt.

Một đặc điểm nổi bật nữa trong Nhật ký trong tù là tinh thần chiến thắng, chủ nghĩa lạc quan cách mạngg làm nên ánh sáng tràn ngập mỗi trang thơ. Đó là tiếng cười hồn nhiên, khỏe mạnh cất lên giữa cảnh ngộ vô cùng khổ cực, lúc lại là tiếng cười tự trào trước những hoàn cảnh trớ trêu với những đau khổ cả về thể xác và tinh thần (Đêm ngủ ở Long Tuyền, Giữa đường đáp thuyền đi Ung Nính, Dây trói...). Luôn bắt gặp hình ảnh Hồ Chí Minh hiện lên trong tư thế ung dung, tự do tự tại, vượt lên và chịến thắng hoàn cảnh. Nhật ký trong tù ngời lên chất thép cách mạng, khi bộc lộ trực tiếp qua những vần thơ tràn đầy khí phách hào hùng, khi hiện ra như một chất thơ bay bổng, nhẹ nhàng, chất thép thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của người tù, người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.

Nhật ký trong tù phản ánh một nhân cách cao đẹp, đồng thời cũng thể hiện một phong cách thơ độc đáo mà đa dạng đạt tới sự hài hòa cao độ, vừa rất mực giản dị hồn nhiên, vừa hàm súc, thâm trầm, giàu nội dung, vừa có cốt cách cổ điển, tiếp thu truyền thống thơ ca phương Đông lại vừa rất hiện đại; vừa có bút pháp hiện thực nghiêm ngặt vừa lãng mạn bay bổng; vừa sáng ngời chát thép lại vừa thắm thiết tình người và chan chứa chất thơ.

Từ khi ra đời, Nhật ký trong tù trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học của dân tộc. Tác phẩm không chỉ mang lại cho người đọc mọi thời đại thấy được hiện thực lịch sử một giai đoạn nhất định mà cũng rất quan trọng, nó hoàn thiện bức chân dung tự họa về người tù cách mạng, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Hồ Chí Minh, người được coi là người Việt Nanrđẹp nhất, đồng thời cũng là người tượng trưng cho nhiều giá trị cao quý của nhân loại.

Viết bình luận