Tiếng nói tri âm của Hoài Thanh với Thơ mới 1932 - 1941 qua đoạn trích Một thời đại trong thi ca (có thể mở rộng ra cả tiểu luận)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Đề bài đưa ra một vấn đề khá rộng và cũng khá mới mẻ đối với đoạn trích: đó là tiếng nói tri âm của Hoài Thanh với Thơ mới 1932 - 1941. Lâu nay, ở đoạn trích này, người ta thường chỉ quan tâm đến cái ý nghĩa văn chương của Thơ mới mà chưa chú ý đến ý nghĩa xã hội của nó, chưa đi sâu tìm hiểu tấm lòng của nhà phê bình đối với Thơ mới cùng những suy nghĩ của ông đối với "thế hệ thơ mới" (cả thi nhân và độc giả) trong bối cảnh lịch sử xã hội lúc bấy giờ. Tất cả đã tạo nên tiếng nói tri âm đồng cảm sâu sắc của Hoài Thanh với Thơ mới mà đoạn trích cuối tiểu luận có thể xem là đoạn kết tinh và tiêu biểu in đậm phong cách nghị luận văn chương của nhà phê hình.

Những điều trên đây có thể giúp anh (chị) suy ngẫm thêm trên văn bản đoạn trích để chọn vấn đề bàn luận và chọn cách viết với các thao tác lập luận phù hợp.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Nhiều người yêu Thơ mới, nhưng hiểu được sâu sắc và có được tiếng nói tri âm với Thơ mới thì không ai bằng Hoài Thanh, người đã dành nhiều thời gian và tâm sức để viết nên cuốn sách nổi tiếng về phong trào Thơ mới 1932 - 1941: Thi nhân Việt Nam. Tiếng nói tri âm ấy của nhà phê bình đã nhanh chóng chiếm được cảm tình độc giả, trở thành tiếng nói đồng điệu của bao thế hệ yêu Thơ mới từ bấy đến nay, đưa con số tái bản Thi nhân Việt Nam lên tới 33 lần tính đến năm 2006. Có thể tìm thấy tiếng nói tri âm ấy đối với từng gương mặt thơ nhưng tập trung nhất ở bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca mà tiêu biểu là đoạn trích trong phần cuối.

Con số tái bản Thi nhân Việt Nam lên tới 33 lần tính đến năm 2006

Tiếng nói tri âm ấy có gì mà thu hút người đọc đến vậy? Trước hết, đó là tiếng nói của một con người không chỉ yêu Thơ mới mà còn rất hiểu Thơ mới. Chính vì yêu nên mới hiểu và càng hiểu càng yêu hơn. Hoài Thanh vốn là một người sành thơ. Ông đã nhìn phong trào Thơ mới bằng con mắt biện chứng, theo quan điểm phát triển của lịch sử một cách khoa học: "Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ. Các thời đại vẫn liên tiếp cùng nhau và muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể". Từ thơ cũ mà ông nhận ra thơ mới và sự khác biệt giữa hai thời đại thi ca: "Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi". Lần đầu tiên, "chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó, xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam" đã mở ra một thời đại mới trong thi ca: đó là thời đại của Thơ mới 1932 - 1941 mà đặc điểm nổi bật là cái tôi - cảm xúc đối lập với cái ta - đạo lí trong thơ cũ. Cái tôi là bản ngã của mỗi con người mà ai cũng có. Nhưng trong những thời kì lịch sử nhất định (thời trung đại), do hệ tư tưởng chính thống của thời đại không chế, ép buộc nên cái bản ngã ấy không được bộc lộ, phải giấu kín hoặc triệt tiêu, nhà thơ phải nói lên tiếng nói của cái ta - đạo lí chung của thời đại ấy. Đó là thơ phi ngã. Chỉ khi nào cái tôi ấy được giải phóng thì thi nhân mới có thể nói lên những điều thành thực tự đáy lòng mình. Cái tôi - đó chính là "khát vọng được thành thực” (chữ dùng của Hoài Thanh), là sự tự khẳng định bản ngã của nhà thơ trước cuộc đời, là sự tự ý thức về cá nhân mình trong cuộc sống xã hội. Cái tôi ấy đã bị xã hội phong kiến kiềm chế trong bao nhiêu thế kỉ, giờ đây trong một bối cảnh lịch sử mới của thời kì hiện đại, đặc biệt vào những năm 30 của thế kỉ XX, mới có điều kiện để giải phóng và bùng nổ mãnh liệt: "Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đán tung bờ vỡ đê". Và khi đã được giải phóng thì nó sẽ "làm giàu cho thi ca" bằng những cảm xúc mới mẻ và những cách tân nghệ thuật. Chính vì thế, mà tuy mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân, nhưng "ngày một ngày hai, nó mất dần cái vẻ bỡ ngỡ. Nó được vô số người quen". Và người ta đã yêu thích nó, tìm đến với nó. Bởi chính nó đã làm nên một thời đại mới trong thi ca như ông đã khẳng định: "Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu". Đó là mặt tích cực của cái tôi trong Thơ mới.

Nhưng bên cạnh đó, nhà phê bình còn chỉ ra mặt bi kịch của cái tôi: "Người ta lại còn thấy nó đáng thương. Mà thật nó tội nghiệp quá!". Đó là nỗi buồn lạnh và bơ vơ, muốn thoát đi đâu cũng không được: "Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận (...) Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Đây là nỗi buồn thơ của một thế hệ thi nhân mất nước mang cái tôi cô đơn, bé nhỏ trước Cách mạng tháng Tám đã làm nên âm hưởng, giọng điệu đặc trưng của Thơ mới giai đoạn này.

Ý nghĩa xã hội của Thơ mới

Hiểu như thế là đã hiểu thấu đến gan ruột của Thơ mới. Nhưng dầu sao đây cũng chỉ là trên ý nghĩa văn chương của nó. Hoài Thanh không dừng ở đó mà còn hiểu sâu thêm một tầng bậc nữa: ý nghĩa xã hội của Thơ mới. Bi kịch của cái tôi trong Thơ mới không chỉ là bi kịch của văn chương mà nó còn phản ánh "cái bi kịch ngấm ngầm trong hồn người thanh niên" hồi bấy giờ: đó chính là tâm lí thời đại, là bi kịch của lớp người trẻ đương thời, một nguyên nhân sâu xa đưa họ đến với tiếng Việt và Thơ mới. Nhà phê bình đã viết những câu thật sâu sắc về cái ý nghĩa xã hội này của Thơ mới: "Xuân Diệu, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại, chỉ nói cái khổ sở, cái thảm hại của hết thảy chúng ta"; "Ngày nay lớp thành kiến phủ trên linh hồn đã tiêu tan cùng lớp hoa hoè phủ trên thi tứ. Phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta. Nhưng ta bàng hoàng vì nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều, một điều cần hơn trăm nghìn điều khác: một lòng tin đầy đủ. Đó, tất cả cái bi kịch đương diễn ngấm ngầm, dưới những phù hiệu dễ dãi, trong hồn người thanh niên. Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt..." Không phải ai cũng nhìn thấy và viết được những ý tưởng như thế về hiện tượng Thơ mới lúc bấy giờ, và cái ý nghĩa xã hội của Thơ mới trong bài tiểu luận này thật đáng trân trọng.

Nhưng còn đáng trân trọng hơn là tấm lòng đồng cảm sâu xa của nhà phê bình đối với các nhà thơ mới. ông chia sẻ với họ về bi kịch của cái tôi, lại cảm phục họ về tình yêu tiếng Việt. Những dòng chữ ông viết về họ ở đây thật chân thành, tha thiết như những tiếng nói tri âm: "Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng". Và điều này đã khiến ông lạc quan tin tưởng vào họ, vào tinh thần nòi giống, vào truyền thống dân tộc để càng vững tin hơn vào ngày mai của đất nước. Bài tiểu luận khép lại rồi mà dư vị của tấm lòng ấy vẫn còn nồng nàn, thiết tha trên từng câu chữ.

Đoạn trích đã vượt ra ngoài một bài nghị luận văn chương để thành tiếng nói tri âm của một người yêu Thơ mới đối với phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Nó là của Hoài Thanh nhưng nó cũng là của tất cả chúng ta. Chính vì thế mà nó còn mãi trong tâm tưởng một dân tộc yêu thơ và sẽ đi lên cùng với hành trình thơ của đất nước.

Viết bình luận