Tình cảm yêu nước qua các sáng tác đã học của Nguyễn Trãi

Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen

Bui có một lòng ưu ái cũ

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông

Hiếm thấy trái tim yêu nước nào vĩ đại như Nguyễn Trãi. Yêu đến độ trong lòng lúc nào cũng bui có (chỉ có) một tình cảm trung hiếu, ưu ái với dân với nước. Yêu đến độ mỗi vần thơ câu văn viết ra lúc nào cũng chứa chan lòng yêu nước. Nói thơ văn Nguyễn Trãi thấm đượm tình cảm yêu nước không có gì là không đúng.

Bui có một lòng ưu ái cũ

Lòng yêu nước là tài sản quí báu nhất trong truyền thống tinh thần dân tộc Việt Nam. Nếu yêu nước là vật chất thì có lẽ Nguyễn Trãi là một người cực kì giàu có. Dường như trong mọi hoàn cảnh, trái tim ấy luôn hướng về, hướng cho đất nước. Khi cả dân tộc mải miết chiến chinh, khói lửa, Nguyễn Trãi luôn dùng ngòi bút của mình để viết những lá thư dụ địch qui hàng có “sức mạnh hơn mười vạn quân”. Khi cả dân tộc tưng bừng trong cuộc đại thắng, cũng bằng chính ngòi bút ấy, Nguyễn Trãi đã viết nên áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo tuyên bố nên sự lập lại của nền độc lập dân tộc. Bài cáo chứa đựng tinh thần yêu nước sâu đậm mà trước hết chúng ta có thể cảm nhận được điều đó qua những câu văn nêu lên chân lí khách quan về sự tồn tại của dân tộc:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam củng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Ý thức về sự tồn tại độc lập của dân tộc được Nguyễn Trãi thể hiện đậm nét qua các hành loạt từ từ trước, đã lâu, đã chia, củng khác. Ông có căn cứ xác đáng để khẳng định sự tồn tại dộc lập đó. Đó chính là cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời và lịch sử riêng, chế độ riêng của mỗi quốc gia. Nguyễn Trãi rất rạch ròi khi phân định những yếu tố đó. So với văn bản Sông núi nước Nam, có thể thấy ý thức độc lập dân tộc trong Bình Ngô đại cáo toàn diện và sâu sắc hơn nhiều. Toàn diện hơn vì ý thức độc lập dân tộc trong Sông núi nước Nam được xác định trên hai yếu tố lãnh thổ và chủ quyền, còn đến Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã bổ sung thêm một số yếu tố khác (văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử). Sâu sắc hơn vì trong quan niệm về dân tộc, Nguyễn Trãi đã ý thức được văn hiến và truyền thông lịch sử là những yếu tố cơ bản nhất, là hạt nhân để xác định dân tộc. Tất nhiên, Nguyễn Trãi luôn thể hiện ý thức bằng cảm hứng tự hào sâu sắc.

Với Nguyễn Trãi, yêu nước không chỉ là ý thức sâu sắc về sự tồn tại của dân tộc. Trong lịch sử tư tưởng phong kiến, có lẽ Nguyễn Trãi là người hiểu hơn ai hết sự gắn bó giữa dân với nước. Đó là lí do tại sao ngay khi mở đầu bài cáo, nhà văn đã viết:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Yêu nước là yêu dân. Và vì yêu dân, thương dân nên ông vô cùng phẫn nộ trước tội ác của giặc Minh:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Bằng những hình ảnh chân thực mà đau đớn, Nguyễn Trãi không ngại ngần vạch trần bộ mặt quỉ dữ tàn ác của quân cướp nước. Tội ác tày trời của chúng được tác giả tổng kết bằng những câu vãn giàu hình ảnh, sinh động:

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

Hai câu văn cũng chính là lời cáo buộc đanh thép của Nguyễn Trãi về tội ác của giặc Minh.

Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen

Cũng xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân, Nguyễn Trãi cùng những người đồng chí của mình đã dốc lòng phò tá Lê Lợi, làm nên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn oanh liệt, trừng trị quân cướp nước và bè lũ bán nước, trả lại độc lập, tự do cho dân tộc, nhân dân. Viết về những chiến công của quân ta trong cuộc giao tranh với quân giặc, Nguyễn Trãi không giấu nổi niềm tự hào về sức mạnh của đội quân chính nghĩa:

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

Đánh một trận, sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận, tan tác chim muông.

Nổi gió to trút sạch lá khô,

Thông tổ kiến phá toang đê vỡ.

Những câu văn đậm chất anh hùng ca đã lột tả hết khí thế xông trận của nghĩa quân Lam Sơn. Sức mạnh của đạo quân được nhà văn hình tượng hoá bằng những hình ảnh liên tiếp, mạnh mẽ, giàu sắc thái biểu cảm. Không tự hào về sức mạnh, về chiến công của quân đội mình, chắc chắn Nguyễn Trãi không thể viết những câu vãn hào sảng như thế.

Bài cáo kết thúc bằng lời tuyên bố dõng dạc về sự lập lại của nền độc lập dân tộc. Có lẽ lúc viết những dòng cuối cùng này là lúc Nguyễn Trãi hạnh phúc hơn khi nào hết. Bởi lẽ từ đây, đất nước đã sạch bóng quân thù và hơn hết, muôn vạn con dân yêu thương của ông sẽ được sống trong cảnh thanh bình, yên ấm.

Khi đất nước binh đao, lửa loạn, Nguyễn Trãi lúc nào cũng đau đáu khôn nguôi bao nỗi niềm tâm sự. Để rồi khi nền hoà bình được lập lại, lúc thảnh thơi, tâm hồn ấy mới có dịp tha thiết với cảnh sắc thiên nhiên. Từ khung cảnh chiều hè ven một làng chài, thi nhân đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Cảnh ngày hè sinh động và đầy sức sống:

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiển còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lẩu tịch dương.

Hiện lên trước mắt người đọc là bức tranh ngày hè với những đường nét, màu sắc, âm thanh, hương thơm và cảnh vật hết sức cụ thể. Màu lục của lá hoà làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu và ánh mặt trời buổi chiều như dát vàng lên những tán hoè xanh. Tiếng ve ngân như tiếng đàn. Những đoá sen hồng trong ao đang toả ngát mùi hương. Nhưng cái thần thái sinh động, đầy sức sông của bức hoạ Cảnh ngày hè không chỉ nằm trong sự giàu có về hình sắc, âm thanh... đó mà chất chứa ở các tính từ, động từ gợị tả trong bôn câu thơ: đùn đùn, phun, đỏ, tiễn, giitơng, dắng dỏi. Các từ đùn đùn (dồn dập tuôn ra), giương giương rộng ra), phun, tiễn (ngát, nức) gợi tả sức sống căng đầy chất chứa từ bên trong tạo vật, tạo nên những hình ảnh mới lạ, gây ấn tượng. Cây trước lầu, ngoài ao đều ở trạng thái tràn đầy sức sống, đua nhau trổ dáng, khoe sắc, toả hương. Cây hoè trước sân, lá lục đùn đùn, tán rợp giương ra. Cây lựu ở hiên trong khi còn liên tục phun những bông hoa đỏ thắm, thì sen hỏng ngoài ao đã kịp nức mùi hương.

Giữa ngày hè, chẳng ai còn nghĩ đen sự tĩnh lặng, im ắng. Trong bức tranh thiên nhiên mà Nguyễn Trãi đang hoạ lại trước người đọc bằng những con chữ, nhà thơ khôrig quên đem vào đó thứ âm thanh đặc trưng của chiều hè - tiếng ve. Từ tượng thanh dắng dỏi được đặt trước cầm ve làm nổi bật không khí nhộn nhịp của chiều hè nơi làng quê. Tiếng ve lúc chiều tà không gợi buồn mà trở thành tiếng đàn vang dội, râm ran khiến không khí trong lầu rộn rã hẳn lên.

Cảnh vật đang ở vào lúc cuối ngày (lầu tịch dương - mặt trời sắp lặn) nhưng sự sống thì không dừng lại. Có một cái gì thôi thúc tự bên trong đang ứa căng, tràn đầy, không kìm lại được.

Nhưng những tưởng khi đất nước thanh bình, nhân dân an cư lạc nghiệp rồi Nguyễn Trãi đã toại nguyện. Vậy mà nhìn cảnh sống của dân, đặc biệt là người lao động, Nguyễn Trãi vẫn ước mơ có tiếng đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong ngợi ca cảnh:

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Câu thơ sáu chữ dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ tâm hồn Nguyễn Trãi không phải là thiên nhiên mà là con người. Nguyễn Trãi mong cho dân được hạnh phúc (dân giàu đủ), nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người (khắp đòi phương).

Như vậy, với Cảnh ngày hè, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên độc đáo mà còn được cảm nhận sâu sắc về tấm lòng thiết tha với thiên nhiên, và sâu xa hơn, đó còn là tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Trãi. Đó cũng chính là chiều sâu nhân bản của lòng yêu nước tha thiết trong tâm hồn con người vĩ đại này.

Với lòng yêu nước mênh mang, sâu sắc đó, Nguyễn Trãi xứng đáng được mọi thế hệ người dân Việt Nam tôn vinh, ngợi ca và những sáng tác của ông luôn đáng được gìn giữ, nâng niu như những thứ tài sản quí giá nhất của dân tộc này.

Viết bình luận