Tình yêu lứa đôi qua tâm sự của người phụ nữ Việt Nam (Phân tích hai bài ca dao: Hòn đá ...” “Lửng lơ...”)

Tình yêu lứa đôi - phải chăng đó chính là sự hài hoà, đồng điệu giữa hai tâm hồn, hai cuộc đời riêng lẻ? Song từ:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,

Nghìn năm đâu dễ mấy ai quên.

Cho đến khi kiệu hoa anh rước nàng về, hai con người ấy còn phải trải qua bao thử thách, dập vùi; trải qua bao khắc khoải, lo âu. Và đây, ta hãy nghe những tiếng lòng sâu kín ấy qua dư vị ngọt ngào của làn điệu ca dao.

Vẫn biết trong tình yêu, tình cảm con người phải được tiến triển từ hai phía. Nhưng tạo hoá, dường như hữu ý, đã gán cho người phụ nữ một đời sống nội tâm giàu đẹp, phong phú hơn; chính vì vậy mà họ càng thực sự là phụ nữ và luôn uỷ mị, đáng yêu hơn qua đôi mắt người khác phái. Do vậy, tâm sự trong tình yêu lại là tâm sự của người phụ nữ, tôi nghĩ nó càng đạt đến cái thật cái cung bậc cao nhất vốn có của tình cảm con người. Cho nên, bàn về tình yêu lứa đôi lại là tình yêu lứa đôi qua tâm sự người phụ nữ Việt Nam, thiết nghĩ là một điều hoàn toàn hợp lý, hết sức cần thiết và thú vị.

Tâm sự của người phụ nữ đang yêu

Đây là lời thổ lộ trực tiếp của cô gái với chàng trai - người cô yêu bởi có lẽ khi tình yêu cô chắt chiu cho anh đã đạt đến mức chín mùi, không thể dồn nén được nữa, nó cần được giải toả:

Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

Hòn đá bạc đầu bởi tại sương sa.

Hòn đá, dòng nước chảy, sương sa... Câu nói đầu tiên của cô gái sao mà nhiều trắc ẩn? Ở đây, nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình dường như đã lặn vào hình tượng sự vật mất rồi. Trong nhận thức người nghe chỉ còn lại là những hiện tượng tự nhiên với cấu trúc câu khá độc đáo, nghe như có vẻ là lạ; thử nghe lại, nào là:

Hòn đá đóng rong / vì dòng nước chảy.

Rồi lại:

Hòn đá bạc đầu / bởi tại sương sa.

Hoá ra mỗi câu nói đều được phân định thành hai vế rạch ròi nhưng người nói - cô gái đã đặt ngược vấn đề tạo một logic câu trái với mối quan hệ nhân - quả thông thường. Ta thừa biết, nếu bà huyện Thanh Quan viết: Vài chú tiểu dưới núi lom khom thì có lẽ câu thơ chỉ đạt được mức độ gợi tả thường tình, nhưng khi nữ sĩ đặt bút: Lom khom dưới núi tiều vài chú thì câu thơ bà lập tức chuyển mình để trụ lại với thời gian. Cũng vậy, ở đây cô gái đã đưa chủ thể cũng là điều cô muốn nhấn mạnh ra đầu câu nhằm tạo một ấn tượng cần thiết cho người nghe, cụ thể là chàng trai - đối tượng trữ tình. Nhưng cái cần nói là hai câu thơ trên hàm chứa ẩn ý gì? Hòn đá đóng rong, Hòn đá bạc đầu - ngay trong hình tượng sự vật cũng có cài gì đó trúc trắc, bị kìm hãm bởi những tác động khách quan: Vì dòng nước chảy, bởi tại sương sa, (có dị bản là vì bởi sương sa, theo tôi, dị bản này có lẽ kém đạt hiệu quả nghệ thuật hơn, âm hưởng của vì bởi dường nhẹ nhàng quá, ngược lại từ dùng bởi tại có vẻ nặng nề hơn, nó thể hiện được cái day dứt, bức bối mà cô gái cần thể hiện. Song, nhìn chung phải chăng cả hai cách lựa chọn từ ngữ cho vế câu trên dường như đều có sự bất hợp lý nếu không muốn nói là thừa từ khi xét về mặt chức năng của chúng? Thiết nghĩ, vì, bởi, tại... cho nên... Do vậy, vì bởi hay bởi tại không thể tồn tại song song nhau). Đến đây thì người nghe chỉ phần nào lờ mờ hiểu được cái ấm ức trong tâm trạng nhân vật trữ tình mà thôi. Cái ấm ức đó do đâu mà ra? Có lẽ đây là cội nguồn, nguyên nhân cũng là điều sâu kín nhất trong tiếng lòng của một đời con gái. Bấy nay, nó dồn nén tích tụ lại để có dịp nó trào vỡ nó lấn lướt cái mặc cảm thường tình của người phụ nữ khi đối diện với người khác phái, đó là:

Em thương anh không dám nói ra.

Bởi vì:

Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời.

(Có dị bản: Em thương anh chẳng dám nói ra).

Theo tôi, ta nên chọn cách nói ban đầu dù biết rằng trong ngôn ngữ Việt không hay chẳng đều có ý nghĩa phủ định nhưng không - tôi nghĩ nó mang tính chất phủ định tuyệt đối hơn, nó khẳng định được nỗi sợ mà cô gái muốn giãi bày) Nguyễn Du hơn một lần đặt Kiều đối diện với cái phấp phỏng này mà trở thành nhà phân tích tâm lí vĩ đại của mỗi thời đại:

Nặng lòng xót liễu vì hoa

Trẻ thơ nào biết đâu mà dám thưa.

Ta cần nhớ đây là lời thổ lộ tình yêu của một phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Cô gái dám nói ra chứng tỏ tình yêu cô dành cho bạn tình cảm tha thiết, sôi nổi đến mức nào! Chính vì vậy mà nó đã vượt lên những lề lối đạo đức cổ hủ bất di bất dịch: sợ mẹ, sợ cha dù nỗi sợ kia có ngang bằng với những thế lực siêu nhiên ghê ghớm, khủng khiếp là đất và trời, nó ngẫu nhiên thoát li quan niệm nhân phẩm phụ nữ hà khắc, hẹp hòi: Trâu đi tìm cọc chứ cọc không bao giờ tìm trâu. Cho nên, có thể nói bài ca dao ra đời ở một khoảng thời gian có lẽ rất xa nhưng nghe lại, đọc lại ta như nghe tiếng nói rắn rỏi của người phụ nữ ở thế kỉ mười chín, hai mươi. Thực vậy, thời ấy khi một phụ nữ dám chủ động trong tình yêu cũng có nghĩa là cô đã tự tách mình ra khỏi vòng xoay quỹ đạo của quan điểm đạo đức phong kiến cứng nhắc. Cô gái của quần chúng lao động ở đây vì vật có cái gì đó rất gần với nàng Kiều của Nguyễn Du - người phụ nữ đã dám liều lĩnh, táo tợn quá quắt dưới đôi mắt hẹp hòi của xã hội phong kiến, nàng đã:

Xắn tay mở khoá động đào.

Thậm chí còn:

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.

Chỉ vì muốn tìm đến tình yêu chân chính, đích thực.

Nỗi sợ cha, sợ mẹ của cô gái là to tát, khủng khiếp thật, người nghe đến đây có lẽ đã hiểu thấu được cái trắc ẩn trong câu nói đầu tiên của cô, câu nói đầu tiên của cô, câu nói ấy chính là kết quả của nỗi sợ, hèn chi mà:

Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

Hòn đá bạc đầu bởi tại sương sa.

Hòn đá hoá ra là hình ảnh ẩn dụ tình yêu nồng nhiệt của cô gái với chàng trai. Còn dòng nước chảy, sương sa thực ra chúng là hình ảnh đại diện cho những tác động khách quan từ phía xã hội. Chúng luôn kìm hãm, rình rập ụp những đau thương lên số phận tình yêu của cô bất cứ lúc nào. Đây là lời nói đặc trưng cho ca dao, dân ca, càng hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nó, ta càng thấy nó thâm thuý, đẹp đẽ biết chừng nào.

Tình yêu của nàng hi vọng được trọn vẹn

Dù sao thì nỗi sợ ban đầu cô gái đã vượt qua. Vật là tình yêu của nàng có hi vọng được trọn vẹn. Không đâu! Nỗi sợ đã qua là quá khứ, còn hiện tại cô đang nơm nớp lo cho tương lai. Nỗi sợ sau mới là đáng sợ, ghê gớm, khủng khiếp hơn nhiều. Nếu nỗi sợ ban đầu hướng về thiên nhiên bao la, rộng lớn thì nỗi sợ sau hướng vào chính lòng anh, và sự son sắt, chung thuỷ của anh dành cho em đó là:

Sợ vừng mây bạc trên trời mau tan.

Mặc dù:

Em với anh cũng muốn kết đôi.

Lại một lần nữa, trở về với qui củ ước lệ. Cô gái đã ẩn dụ cuộc tình giữa mình và chàng trai, xa hơn nữa là tình yêu chung thuỷ của chàng trai bằng hình ảnh vừng mây bạc. Phải đủ một tình yêu trọn vẹn đến mức nào, sự nâng niu, quí trọng thậm chí tôn sùng đến mức nào, người phụ nữ mới có hình ảnh so sánh bạn tình mỹ lệ, tuyệt vời đến vậy? Vừng mây bạc sao mà nó đẹp, nó lấp lánh, chói chang quá! Có một cô gái cũng nhìn người mình yêu và ghi nhận cảm xúc:

Thấy anh như thấy mặt trời

Chói chang khó ngó trao lời khó trao.

Rõ ràng, dưới mặt nhìn chếch choáng men tình thì người họ yêu dường như luôn rạng rỡ, vĩ đại. Song, có lẽ họ cũng ý thức được một điều: bạn tình của họ càng rực rỡ, vĩ đại thì họ càng khó vươn tới, tình yêu cũng khó lòng vẹn toàn. Cho nên, ở đây cô gái đã sợ: Sợ vừng mây bạc trên trời mau tan.

Đám mây kia có lấp lánh, huy hoàng thật đó nhưng nó xa quá, nó mong manh dễ tan biến quá cũng như có chắc gì tình yêu của chàng trai dành cho cô gái được lâu bền không? Bởi vì:

Lòng mẹ là bến bờ

Lòng anh là biển khơi.

Đây mới chính là vấn đề, là giới hạn cuối cùng của sự thắc thỏm, lo sợ cũng là tâm lí thường tình của những cô gái khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Bởi nếu anh không chung thuỷ với em thì em sẽ không còn có hội trở về với tình cảm ban đầu mà mẹ cha đã dành cho em - em chẳng những mất anh mà còn mất luôn cả những người em gần gũi, thân thương nhất. Qua đó, ta càng thấy hết cái độc đáo trong nghệ thuật kết cấu, so sánh ví von của bài ca dao. Một bên là hình ảnh hòn đá thô ráp biểu tượng sự bất biến, tình yêu chung thuỷ của cô gái còn một bên là vừng mây bạc đại điện cho sự mong manh, dễ tan vỡ trong tình cảm chàng trai. Chúng đối lập nhau như lửa với nước nhưng tạo nên tính logic trong tình và lí một cách nhuần nhị.

Còn đây, bạn hãy cùng tôi nghe lại tâm sự cũng của một cô gái trong tình yêu lứa đôi nhưng là lời của một cô gái khuê các, lá ngọc cành vàng. Có lẽ vì vậy mà lời ở đây óng chuốt, nuột nà hơn. Nó đạt đến mức tinh luyện, hiếm có bài ca dao nào lại đặt được khả năng sử dụng ngôn ngữ trang trọng bóng bẩy như bài ca dao này. Như vậy, ta có thể xác định nó ra đời vào lúc văn chương bác học đã ăn sâu vào đời sống nhân dân và dĩ nhiên, tác giả của nó phải là một cô gái có tri thức tương đương với Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Huyền Trân công chúa... lúc bấy giờ. Song, yếu tố quyết định vẫn là nội dung. Vậy thì bài ca dao muốn nói gì? Ta thử nghe lời đầu nàng muốn tỏ bày điều chi:

Lửng lơ bóng quế dãi thềm

Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng.

Chàng về lấy vợ cách song, Để thiếp tôi lơ lửng lấy con ông lái đò

Quả thật lời thơ sao mà mỹ miều, trau chuốt. Lửng lơ - từ dùng mang tính gợi hình, gợi tả xuất sắc, như ca dao xưa:

Chàng về lấy vợ cách song

Để thiếp tôi lơ lửng lấy con ông lái đò.

Lửng lơ, lơ lửng dường như đã làm không gian trải ra, thời gian cũng dài thêm nó đưa người nghe vào một vùng không gian mênh mông cô tịch mà trang trọng vô cùng, câu thơ sau cũng dàn trải, kéo dài ra:

Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng.

Ở đây, nhân vật trữ tình đã khéo kéo dùng điển tích xưa: Ngô Cương chặt quế suốt đời trên mặt trăng để làm cái nền xây dựng trạng thái tình cảm vì vậy mà nàng đã gọi mặt trăng là bóng quế và càng thú vị khi giữa không gian bao la vắng lặng ấy lại còn sống dậy mùi hương, giữa cái bị động thì nó là cái hoạt động tuy không đủ để xáo trộn sự yên tĩnh nhưng nó đủ thức tỉnh cái cô tịch bằng cách hương đưa bát ngát, cụ thể là nó làm cho cô gái càng thèm bận lòng. Tâm sự, nỗi lòng tác giả trong bài ca dao khác nào nỗi niềm Thuý Kiều thời ấy, cũng suy tư, trằn trọc:

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Không gian và thời gian cũng muốn cùng nàng day dứt, bận bịu:

Gương nga chênh chếch dòm song

Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.

Nhưng, có lẽ đến đây thì người nghe chỉ phàn nào đó thôi, cảm nhận lờ mờ về cái day dứt, bận lòng của cô gái khuê các. Nàng bận lòng vì đâu? Lời thơ sau giả mã:

Dao vàng bỏ đảy kim nhung

Biết rằng quân tử có dùng cho chăng.

Lại là hình ảnh so sánh bất ngờ. Phải chăng dao vàng và đảy kim nhung là tượng trưng cho nàng và chàng trai mà nàng yêu? Dao vàng đặt cạnh kim nhung đều là những vật quí - cô gái dường như đã thấy sự xứng đôi vừa lứa giữa mình và người mình thầm yêu trộm nhớ: cả hai ta đều là con nhà trâm anh thế phiệt. Thế là trọn vẹn, hạnh phúc của họ có cơ may đâm chồi? Nhưng đến câu thơ sau thì nhân vật trữ tình đột nhiên tự hạ thấp giá trị chính mình và do vậy càng nâng người yêu lí tưởng lên ngôi vị cao nhất của sự trân trọng tôn sùng:

Biết rằng quân tử có dùng cho chăng.

Cách dùng từ hoàn toàn phù hợp với tâm lí người phụ nữ đang yêu, gọi người yêu là quân tử và xem mình như một đối tượng phụ thuộc cho người quân tử để người có thể dùng. Bài ca dao rõ ràng bộc lộ khuynh hướng một mối tình đơn phương vừa chớm nở do sự mặc cảm, tự ti của cô gái dường như quá đáng, nàng yêu thầm, nhớ trộm nên đâm ra tương tư, ảo vọng. Thực ra nàng đang sống với người trong mộng. Rõ ràng là sự mặc cảm rất phụ nữ, rất trong sáng. Và với mặc cảm ấy, cô gái tự biến thành nỗi suy tư, trăn trở khôn nguôi. Cho nên trong đêm trừ tịch, hư không cô vẫn chập chờn nhận ra:

Đèn tà thấp thoáng bóng trăng.

Hoá ra cô đã thao thức trằn trọc suốt cả một đêm cho đến khi đèn tà - bấc đã cạn nghĩa là đêm đã qua. Cũng chưa hẳn là một đêm nay và rất nhiều đêm nữa bởi làm sao cắt nghĩa được tình yêu một khi mối tình ấy chưa được thoả nguyện, vẫn là mối tình si, hai trái tim yêu chưa hoà cùng nhịp đập. Đèn tà thấp thoáng bóng trăng - đó chỉ là một nhận thức mơ hồ trong không gian lung linh, mờ ảo, thực ra, có chắc gì cô gái ý thức được thời gian đang chuyển mình? Tâm thức cô giờ đây có lẽ chỉ tồn tại duy nhất hình ảnh người tình trong mộng ước tâm sự bức xúc, khó định hình biết cho ai biết ai người biết cho như Nguyễn Bính nói sau này. Mà có riêng gì cô đâu, những ai đã yêu và đang yêu, một thời vụng dại và một thời đắm đuối nghe lại, đọc lại câu ca dao không nhắc nhở lại quãng đời vàng son thật đẹp, không nhận ra chính mình trong đó? Song, hay nhất, đẹp nhất trong tiếng lòng cô gái khuê các này, theo tôi vẫn là câu cuối. Nó là đỉnh điểm của hình tượng mộng mị là tiếng buông xé lụa kết thúc một bản tình ca đơn phương nhưng cuồng nhiệt:

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này.

Cô gái đã thu trọn bóng hình chàng trai vào trái tim

Nó chỉ là lời trách móc bâng quơ thôi nhưng dường như ta nghe có cả tiếng thở dài bất lực. Ai - từ dùng hoàn toàn mang tính chất phiếm chỉ. Cô gái hỏi ai, trách ai đã cố tình đem đến cho cô cáu hình ảnh mà cô số trốn tránh. Đối tượng - con người mà cô hằng quan tâm sao cứ chập chờn trước mắt cô, sao cứ bàng quan mà thung thăng chốn này y sao càng đẹp, càng đáng yêu! Như đi ngang nhà cô gái, cô đã thu trọn bóng hình chàng trai vào trái tim mà hoài thai một mối tình si từ đó. Người ngọc - chỉ riêng cách gọi cũng đầy sự nâng niu, trân trọng biết chừng nào! Tác giả của nó không còn nhìn bạn tình bằng đôi mắt bình thường nữa mà bằng đôi mắt lấp lánh tình yêu. Nguyễn Du cũng hơn một lần trao cho Thuý Kiều đôi mắt ấy để cho trong chuyến du xuân, nàng nhìn chàng Kim mà thấy thực lạ lùng:

Hài văn lần bước dặm xanh

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

Hình ảnh chàng trai quá đẹp cho nên nó cứ xoắn lấy cô gái, thấy đó mà không thể nào với tới được. Hèn chi mà với cái khoảng cách nghiệt ngã vô tình ấy, sau này Hàn Mặc Tử - con người từng khạc hồn ra ngoài cửa miệng biến thành nỗi đau tứa máu, thành cái bức bối tột cùng làm nhức nhối tâm can bao lớp người:

Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp phũ phàng.

Hai bài ca dao có cùng dung lượng câu chữ, cùng là tiếng nói của người phụ nữ, cùng là số phận cuộc tình chông chênh, trắc trở. Nhưng nếu một bên là tình yêu sôi nổi ít nhiều được giải toả thì một bên là tình yêu đơn phương bưng bít khó giãi bày. Hai tâm sự, hai tiếng nói dĩ nhiên chưa thể là tiếng nói chung nhất nhưng nó đủ đại diện cho tâm sự phụ nữ một thời. Ấy là cái thời tình cảm, nhân cách con người bị giam hãm trong bốn bức tường thành phong kiến chật hẹp. Sao mà nó tù túng, nó ngột ngạt quá! Ngay cả tình yêu, cũng khó lòng mà vươn tới. Không hiểu sao nghe hai lời tâm sự em cứ xót xa thương tội cho hai cô gái. Một cô dám chủ động trong tình yêu thật đó, cô có can đảm làm chủ được cuộc tình mình nhưng tâm trạng người con gái ấy xuyên suốt tâm sự chỉ toàn là nỗi lo, là cái nơm nớp phấp phỏng đến tội nghiệp. Còn một cô bắt được những rung động đầu đời nhưng lại luôn sống trong một trạng thái tình cảm day dứt, bận bịu. Hai số phận cuộc tình đều có cái gì đó chênh vênh, khập khiễng quá! Áo mặc sao qua khỏi đầu, tam tòng tứ đức - quan niệm đạo đức phong kiến đã trói ghì người phụ nữ lại, họ buộc phải khép mình vào đó để có được cái gọi là đức hạnh, là chính chuyên, họ phải trút bỏ con người thật của mình, bóp chết tình cảm tự nhiên của mình để rồi sau đó nhìn lại thời con gái mà cay đắng, tiếc nuối:

Chồng con Là cái nợ nần

Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm.

Thật là chua chát, dở cười dở khóc! Ngay cả khi biết mình thực sự xứng đáng với người mình yêu, họ vẫn không khỏi dằn vặt:

Biết rằng quân tử có dùng cho chăng.

Họ dám tỏ tình để rồi sợ bị phụ tình:

Sợ vừng mây bạc trên trời mau tan.

Cho nên hạnh phúc có được trong tầm tay người phụ nữ thời ấy dường như quá mong manh, dễ tan biến, họ cố vươn tới mà nắm bắt nên đâm ra vội vàng, hấp tấp để sau đó ngậm ngùi trước sự đã rồi:

Em tưởng giếng nước sâu

Em nối sợi gầu dài

Ai ngờ nước giếng cạn

Em tiếc hoài sợi dây.

Dù sao, tất cả những điều đó thuộc về quá khứ. Người phụ nữ hôm nay có cái may mắn được sống trong một xã hội mà tình yêu tự do được tôn trọng, có quyền cất tiếng nói với lí lẽ riêng của họ. Họ có quyền làm chủ và nắm bắt hạnh phúc của chính mình!

Em thường hay ước mơ. Mơ người yêu lí tưởng... Cho nên, lấy đôi mắt hôm nay mà nhìn lại chặng đường người phụ nữ đã qua, lặn vào cái bể tâm sự mênh mông của họ, ta không khỏi dâng trào niềm thương cảm xót xa, càng thấm thía cái hạnh phúc được sống trong một xã hội tươi đẹp như hôm nay.

Tình yêu lứa đôi qua tâm sự người phụ nữ Việt Nam đặt trong không gian xã hội phong kiến xưa cũ, dĩ nhiên luôn gắn liền với nỗi lo, luôn bị kìm hãm. Song, qua đó ta bắt gặp lại những tình cảm, những mảng tâm hồn trong sáng như pha lê. Để một lần nữa, ta càng gần gũi và yêu kính hơn những người mẹ, người chị của ta mà có thể tự hào với bạn bè năm châu: Người phụ nữ Việt Nam chúng tôi khi đã yêu ai thì yêu với tất cả tấm chân tình.

Mắt đen cô gái Long lanh

Yêu ai yêu trọn tấm lòng thuỷ chung.

(Nguyễn Đình Thi).

Viết bình luận