“Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” (Phơ-rang-cơ-lanh). Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến trên

Thành công luôn là mơ ước của mọi người, mọi lúc, mọi nơi nhưng hiểu được nguyên nhân của sự thành công hay thất bại là điều không phải ai cũng làm được. Thành công có thể phụ thuộc vào mức độ bạn quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, tận dụng cơ hội; thành công đến khi bạn biết cách quản lí tốt thời gian, rèn luyện đạo đức, củng cố các mối quan hệ, các phương pháp tư duy; thành công thể hiện ở việc bạn biết cách đặt ra các mục tiêu, khai thác và phát huy khả năng tiềm tàng của bản thân... Điều đó cũng có nghĩa là bạn không thể ngồi đó để chờ thành công đến với mình hay chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ. Phải thực sự vào cuộc vì “Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” (Phơ-rang-cơ-lanh).

Thành công là khi bạn đặt ra một mục tiêu và đạt được mục tiêu ấy

Thành công là khi bạn đặt ra một mục tiêu và đạt được mục tiêu ấy. Nhìn chung, một người thành công trong cuộc sống là người đạt được những đỉnh cao trên con đường công danh, sự nghiệp, có được những địa vị nhất định về kinh tế, chính trị, có được một đời sống tình cảm hạnh phúc... Trong mỗi trường hợp khác nhau, thành công lại thể hiện ở những khía cạnh không giống nhau. Thành công và mức độ thành công tùy thuộc vào mục tiêu mà con người đặt ra cũng như sự đánh giá đối với những gì mà họ đạt được. Bởi vậy thành công có khi cũng chỉ thật đơn giản nhưng nó lại có một ý nghĩa rất lớn. Nếu như mục tiêu thường được đặt ra trong từng giai đoạn và khi đã chinh phục được một đỉnh cao, người ta lại hướng tới những đình cao khác thì thành công cũng vậy. Khi đã đạt đến được một thành công này, người ta không vì thế mà dừng lại, họ tiếp tục mong muốn đạt tới được những thành công cao hơn. Xã hội loài người vì thế mà ngày càng tiến bộ và con người cũng ngày càng phát triển hơn. Thành công là điều con người luôn hướng tới như vậy nhưng cũng là cái thực sự không dễ dàng để nắm bắt. Trên hành trình tìm kiếm thành công, có những người đạt được, còn số khác thì không. Tại sao vậy? Vì thành công không phải là một sự may mắn hay số phận mà đó chính là quả ngọt do cố gắng của một quá trình. Đến với thành công giống như việc ta bước đi trên một con đường. Và con đường đến thành công đó không hề dễ dàng. Trước khó khăn, kẻ nào ngại khó, ngại khổ mà chùn bước thì sẽ không bao giờ có thể đi đến đích. Câu nói chân thực nhưng cũng đầy hình tượng. Sự thực, kẻ lười biếng là những kẻ không muốn bỏ công sức ra để làm bất cứ việc gì nhưng lại trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Vậy nên hiển nhiên, trên con đường đi đến thành công đầy gian nan, thử thách, đòi hỏi sự nỗ lực hết mình thì họ sẽ dễ dàng nản chí mà dừng lại. “Dấu chân” là một cách nói hình tượng để ám chỉ việc để lại dấu ấn của mình mà ở đây chính là góp mặt vào trong đội ngũ của những người thành công trong cuộc sống. Con đường ấy không có dấu chân của kẻ lười biếng có nghĩa họ sẽ không bao giờ có thể biết được cảm giác hạnh phúc của người đạt được thành công thực sự của chính bản thân mình. Hạnh phúc và niềm vinh quanh khi cảm nhận thấy thành quả của bản thân sẽ chỉ giành cho những ai biết nỗ lực để đạt được nó.

Nực cười thay câu chuyện về anh chàng “ôm cây đợi thỏ”, thỏ chẳng thấy đâu mà mất buổi cày; câu chuyện về những kẻ chỉ biết nằm “há miệng chờ sung”: Thấy một quả sung rụng xuống, lại cứ nghĩ rằng mình chỉ việc nằm chờ cũng có thể no bụng. Cuối cùng chỉ trở thành trò cười cho thiên hạ. Thói lười biếng xưa nay vẫn bị dân gian mỉa mai phê phán một cách sâu sắc như vậy. Từ đó, ta suy nghĩ về hậu quả của nó trong cuộc sống con người, trước con đường dẫn đến thành công. Quả sung thứ nhất rụng bắt được là do ngẫu nhiên, may mắn, vậy mà thay vì tự trèo lên để hái chúng và sau đó có thể thỏa thích tận hưởng thành quả của mình thì người kia lại nằm đó chờ có được những trái tiếp theo. Sung không phải lúc nào cũng rụng xuống sẵn để ăn và kết quả là mất một buổi mà bụng thì vẫn đói meo. Thói lười biếng đã khiến cho con người trở nên thụ động. Trên con đường để dẫn đến thành công cũng vậy. Làm sao bạn có thể tìm ra hướng đi nếu như không đặt ra cho mình một đích đến? Và không bắt tay vào cuộc nhưng quan trọng hơn là khi đã đặt ra được cho mình cái đích ấy bạn có đủ kiên nhẫn, đủ tự tin, đủ dũng cảm để vượt qua những khó khăn trên đường đi. Người lười biếng thường là những kẻ dễ tự hài lòng với những gì mình có dễ nản chí, buông xuôi.

Ở đây nói: “Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” không phải là để đối lập nó với sự chăm chỉ bởi để đi đến thành công, chỉ chăm chỉ thôi không đủ. Lười biếng sẽ dẫn tới việc ngại khó, ngại khổ, dễ tự hài lòng về bản thân, dễ chùn bước nhưng như thế không có nghĩa là chỉ cần chăm chỉ thì người ta sẽ giành được thành công. Làm thế nào để đạt được thành công? Giải đáp câu trả lời này ta biết mình phải đi những bước đi như thế nào trên con đường ấy. Thành công, tất nhiên, đó không thuộc về những người lười biếng. Thành công không phải là ngẫu nhiên. Để thành công, nói như một công thức mà Anh-xtanh đã đưa ra: 1% tài năng và 99% công sức và mồ hôi. Đầu tiên là phải có tài năng. Tài năng là tiền đề đưa con người đến với thành công nhưng quan trọng hơn nữa là người ta biết nỗ lực hết sức mình để có thể đạt được mục tiêu mà bản thân đã đề ra. Nỗ lực tìm kiếm cơ hội, nỗ lực phát huy thế mạnh bản thân, nỗ lực khẳng định mình... Tất cả không hề đơn giản nhưng nếu như làm được chúng, ta đang bước những bước đi thật vững chắc để tiến dần đến với thành công. Thành công không phải ai cũng đạt được. Thành công không hề dễ nắm bắt. Nhưng quan trọng hơn là phải biết bắt tay vào để thử sức. Không phải chỉ là suy nghĩ mà còn phải là hành động từ đó phát hiện và phát huy thế mạnh bản thân. Trong đời có một điều còn tệ hại hơn thất bại là không dám thực hiện. Sẽ không thể tránh khỏi những thất bại, nhưng từ đó con người sẽ trưởng thành lên rất nhiều. “Mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại” và “Thất bại là mẹ thành còng”. Dám thất bại để lần sau không còn vấp ngã. Dám thất bại để bước tiếp những bước đi vững chắc hơn. Và điều quan trọng hơn là hãy luôn nhớ rằng không có thành công hay thất bại cuối cùng. Đó mới chính là phẩm chất của những người biết cách để mình thành công.

Thành công không phải là ngẫu nhiên

Thành bại là lẽ thường gặp trong cuộc sống. Biết cách tìm cho mình bài học thì dù thành hay bại cũng đều có một ý nghĩa nào đó. Người từng trải có thế dùng tuổi tác của mình để trải nghiệm và thấu hiểu, điềm đạm hơn trước những sự thăng trầm ấy. Nhưng người trẻ tuổi thì thường không như vậy. Tuổi trẻ có nhiệt huyết, sức sống dồi dào, có sự tự tin, năng động và sáng tạo nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm sống. Sức trẻ và sự năng động, táo bạo, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ có thể mang lại cho họ thành công nhưng cũng rất dễ vấp phải thất bại. Nếu như không xác định được thái độ và sự đánh giá đúng đắn trước thành bại thì sẽ hoặc dễ tự phụ mà coi thường mọi người xung quanh, hoặc dễ lâm vào chán nản, mất hết hứng thú làm việc. Đối với những người đang cần rèn luyện mình để hoàn thiện nhân cách và giúp ích cho sự phát triển xã hội thì cả hai đều thật tai hại. Cần không chỉ rèn luyện cho mình cách sống, cách làm việc thực sự khoa học, đạt kết quả cao, biết cách vạch ra hướng đi đúng đắn, và tìm ra con đường ngắn nhát để đi đến thành công mà quan trọng hơn là học cách đối mặt với khó khăn, gian khổ, đối mặt với thất bại để đứng lên và thành công từ chính những thất bại ấy. Làm được điều ấy, chúng ta sẽ dần trưởng thành và đạt được thành công cho bản thân mình, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Nếu bạn thực sự muốn thành công, còn chần chừ gì nữa mà không cố gắng ngay từ bây giờ. Đừng bao giờ ở đó, chờ đợi và hi vọng vào những điều kì diệu sẽ tự đến với mình. “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” đâu. Có thể kẻ lười biếng thành công nhưng đó chỉ là sự thành công do may mắn, ngẫu nhiên - chứ không thể là sự thành công bền vững, thật sự...

Viết bình luận