Trình bày quan điểm sáng tác văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc và là một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào quốc tế cộng sản. Người được UNESCO công nhận là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, người mở đường cho nền văn học cách mạng. Sinh thời, Người không nhận mình là nhà văn, nhà thơ nhưng chính vì hoàn cảnh, nhiệm vụ cách mạng yêu cầu, môi trường xã hội và thiên nhiên gợi cảm hứng cộng với tài năng nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ chứa chan cảm xúc, Người đã trở thành nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Người đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật và cũng có ý thức và am hiểu quy luật đặc trưng của hoạt động văn nghệ, từ phương diện tư tưởng, chính trị đến nghệ thuật biểu hiện. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm sáng tác văn chương của Người.

Là nhà cách mạng vĩ đại lại rất yêu văn nghệ, Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Người đã xác định vị trí và vai trò to lớn của nghệ sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển xã hội. Tinh thần đó đã được Người nói lên trong bài thơ Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Chất thép ở đây chính là tính chiến đấu của thơ ca và văn học nghệ thuật. Quan điểm của Hồ Chí Minh là sự tiếp thu, kế thừa quan điểm dùng văn chương làm vũ khí chiến đấu trong truyền thống dân tộc và được nâng cao trong thời đại cách mạng vô sản. Trong bức thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa toàn quốc năm 1951, một lần nữa Người khẳng định: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước

Hồ Chí Minh quan niệm văn chương là một bộ phận và là vũ khí sắc bén của sự nghiệp cách mạng, nên khi sáng tác Người luôn xuất phát từ mục đích sáng tác và đối tượng tiếp nhận văn học để lựa chọn và quyết định nội dung, hình thức của tác phẩm. Mỗi khi cầm bút, Người luôn đặt ra các câu hỏi: Viết cho ai ? (đối tượng), Viết để làm gì ? (mục đích), sau đó mới quyết định Viết cái gì ? (nội dung) và Viết như thế nào ? (hình thức). Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là Người coi nhẹ tính nghệ thuật của văn chương. Người luôn căn dặn văn nghệ sĩ phải là người sáng tạo và có vai trò định hướng, nâng cao dần trình độ thưởng thức văn nghệ cho quảng đại quần chúng.

Hồ Chí Minh còn luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn chương. Người coi tính chân thật như một thước đo giá trị của nghệ thuật. Phát biểu trong triển lãm văn hóa năm 1945, Bác nhận xét về chất mơ mộng nhiều quá mà cái chất thật của sinh hoạt rất ít. Người căn dặn văn nghệ phải giữ cho tình cảm chân thực và miêu tả cho hay, cho chân thật, hùng hồn hiện thực phong phú của đời sống. Người nhắc nhở phải chú ý phát huy cốt cách dân tộc

chứ không nên gò bó vào khuôn, làm cho mất hết sự sáng tạo của văn chương nghệ thuật. Nhà văn phải chú ý đến hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề. Hình thức của tác phẩm phải trong sáng, hấp dẫn, ngôn từ chọn lọc, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt. Theo Người, tác phẩm văn chương phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân yêu thích.

Viết bình luận