Trong truyện cổ tích thần kì, thế giới trần tục và thế giới siêu nhiên, nhân vật trần tục và nhân vật siêu nhiên quan hệ qua lại với nhau tạo thành một thế giới cổ tích huyền ảo và thơ mộng. Qua một số truyện đã học, đã đọc, em hãy làm sáng tỏ ý trên

Sáng tác theo quan điểm vạn vật hữu linh (vạn vật đều có linh hồn)... truyện cổ tích đã hình thành một mảng đề tài có sự đan xen, hoà trộn giữa các yếu tố: thần linh - trần tục, siêu nhiên - phàm trần, thần thánh - con người, biến hoá kì vĩ với thế giới đời thường. Chính sự đan xen qua lại, tác động lẫn nhau của các yếu tố trên đã tạo nên đặc trưng của thể loại truyện cổ tích thần kì. Đồng thời điều đó cũng làm cho con người say mê, kích thích trí tưởng tượng khi tiếp xúc với thế giới vừa thần tiên vừa trần tục của loại truyện này.

Mỗi lần gặp khó khăn Tấm đều được bụt cứu giúp

Quả vậy, đọc truyện Tấm Cám, chúng ta không chỉ rung động với cốt truyện, tình tiết, nhân vật mà tâm hồn trở nên sảng khoái khi chúng ta bắt gặp Bụt, người đại diện cho thế giới siêu nhiên xuất hiện, phù trợ cô Tấm hiền lành. Cứ như vậy, mỗi lần gặp khó khăn, lập tức Tấm được thần linh cứu giúp. Họ xuất hiện không phải ngẫu nhiên, tình cờ. Họ đến đúng lúc và đứng hẳn về phía người hiền lành, những người bất hạnh. Làm sao đọc Tấm Cám mà quên được những hoá thân của nàng Tấm xinh đẹp nhưng cứ mãi bị cuộc đời với những thế lực đen tối hãm hại? hoá thân của Tấm để giành giật hạnh phúc bị chiếm đoạt, từ quả thị đến chim vàng anh, khung cửi và cuối cùng đạt được ý nguyện, hoá thành hoàng hậu, đầy những yếu tố siêu nhiên. Thế giới ấy ngự trị giữa đời sống thực của cô Tấm, hỗ trọ cả tinh thần lẫn vật chất để Tấm vượt qua bất hạnh.

Các truyện cổ tích thần kì khác cũng vậy. Sự đan xen, quan hệ qua lại giữa các nhân vật, thế giới thần linh với nhân vật, thế giới trần tục càng thể hiện rõ nét. ông lão bị hắt hủi, chọc ghẹo, khinh bỉ, hoá ra lại chính là Bụt. Bụt đã dành tặng đoá hoa hạnh phúc cho một đứa bé bất hạnh nhưng ngoan ngoãn. Đoá hoa kì ảo ấy đã giúp em hoàn thành nguyện ước giữa cuộc đời thực đầy sóng gió. Đọc truyện này ta bắt gặp mối quan hệ đầy cảm động, nhân từ giữa Bụt và con người hiền lành hoá thân trong mối quan hệ giữa ông lão với em bé mồ côi (Bông hoa ước).

Nổi bật hơn cả về mối quan hệ này là cổ tích Sọ Dừa. Ở đây, nhân vật thần tiên hoà đồng hẳn với thế giới trần tục. Trải bao nhọc nhằn trong cách nhìn một phía của người đời, hình thù dị dạng, xấu xí nhưng ẩn chứa một tâm hồn tốt đẹp, Sọ Dừa lớn lên hoá thành một chàng trai thông minh, tuấn tú.

Trong Lấy vợ Cóc cũng thế. Nhân vật siêu nhiên cũng là nhân vật chính có đầy đủ mối quan hệ với thế giới trần tục. Sự biến hoá, đổi ngôi của cóc là sự biến đổi của cả một quá trình tiếp xúc, giao tiếp với người: Tràn ngập trong tình tiết, cốt truyện là những yếu tố người hoá của thế giới siêu nhiên, thần kì. Đặc biệt đó lại là yếu tố quyết định của truyện Cây tre trăm đốt, phép thần đã tạo nên chiến thắng, biến một anh trai cày bình thường thành một nhân vật siêu phàm. Thần linh đã đứng về phía người tốt, để ban bố quyền lực cho họ chiến thắng và trừng trị bọn người ăn trên ngồi trốc, ở đây, phép thần đã biến vào một cây tre bình thường, tác động và thay đổi, tạo sức mạnh và tinh thần phản kháng cho nhân vật chính.

Cây tre trăm đốt, phép thần đã tạo nên chiến thắng

Cần lưu ý rằng yếu tố thần tiên, biến hoá, siêu nhiên ngoài mối quan hệ qua lại, đôi khi những yếu tố này trong một vài truyện thường đóng vai trò quyết định, chi phôi cốt truyện, nhân vật. Lực lượng này đứng về phía số đông quần chúng nghèo khổ, bất hạnh, nói lên tiếng nói đồng tình, bênh vực chở che. Với sức mạnh có sẵn, họ thường mở ra những bước ngoặt, mang lại hạnh phúc, ánh sáng, cả sự đổi đời. Hình ảnh Bụt ẩn hiện mỗi lần Tấm gặp cảnh bất hạnh, những vật thần có quyền năng siêu việt cung cấp sức mạnh, sự biến hoá (Cây tre trăm đốt, Chiếc gậy thần, Chiếc bình nước...), tất cả tạo nên một thế giới thần kì, tồn tại song song với cuộc đời trần tục để mở ra một vùng đất riêng của cổ tích.

Có thể nói rằng những yếu tố thần kì đó chính là sự cụ thể hoá ước mơ, khao khát của nhân dân, đồng thời cũng là lòng nhân đạo mênh mông, trong sáng của họ. Họ mơ ước rằng những người hiền lành tốt bụng, nhân vật đại diện cho người lương thiện cần được giúp đỡ để những người đó được hạnh phúc.

Chính mơ ước thể hiện lòng nhân đạo của nhân dân khiến cho thế giới truyện cổ tích thần kì, như sách giáo khoá nhận xét, là thế giới xen lẫn qua lại, quan hệ của những yếu tố siêu nhiên với cuộc đời, con người thực. Nhờ thế, khi bước chân vào thế giới này, chúng ta thường bị chinh phục, hấp dẫn. Sự hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng trước hết do chính những yếu tố trên quyết định.

Viết bình luận