Từ các bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử), “Đây mùa thu tới”, “Thơ duyên” (Xuân Diệu), “Tràng giang” (Huy Cận), “Chiều xuân” (Anh Thơ). Hãy viết bài văn trình bày quan niệm của anh (chị) về lòng yêu nước

Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng đối với mỗi một con người. Mỗi giai đoạn thăng trầm, thịnh suy của đất nước tình cảm đó lại được biểu hiện dưới những dáng vẻ khác nhau. Trước Cách mạng tháng Tám, các nhà thơ thơ mới thả lòng mình vào những trang thơ như Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Đây mùa thu tới, Thơ duyên (Xuân Diệu), Chiều xuân (Anh Thơ)... Ngày nay, lòng yêu nước vẫn tiếp tục kế thừa tinh thần đó song lại có những nét mới mẻ hơn.

Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng đối với mỗi một con người

Thời kì thơ mới ra đời nằm trong khoảng thời gian 1932 - 1945, thời gian ấy đất nước ta còn đói nghèo, tăm tối, còn đẫm dấu đen nô lệ. Các nhà thơ cách mạng sáng tác để kêu gọi đấu tranh tìm độc lập tự do cho Tổ quốc. Chưa biết đến lá cờ đỏ búa liềm, chưa biết đến chủ nghĩa Mác- Lê-nin, chỉ có thơ là người bạn sẻ chia tấm chân tình đối với quê hương đất nước, các nhà thơ thơ mới lấy tình yêu thiên nhiên và nỗi buồn thời đại làm cảm hứng sáng tác.

Ca ngợi thiên nhiên non nước mình là một nội dung tiêu biểu của thơ mới. Phải yêu mến và tự hào về đất nước mình đến vô bờ mới có thể viết được.

Thiên nhiên trong thơ mới tất cả đều xinh đẹp, hữu tình. Điều đặc biệt phải nhắc đến là sự xinh đẹp, hữu tình ấy đều xuất phát từ phong cảnh non nước mình mà ra, không vay mượn, không khuôn sáo, tất cả đều thân quen mà đẹp đẽ đến lạ lùng! Bức tranh Chiều xuân trong thơ Anh Thơ êm ả quá:

“Mưa bụi đổ êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ

Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”.

Cả bài thơ không thể bỏ một câu nào. Bức tranh làng quê ngày xuân xinh đẹp tràn đầy sức sống, sự vật nào cũng hoà mình vào không gian mùa xuân: “tràn biếc cỏ” “sà xuống” “rập rờn” “xanh rờn”... Làng quê Việt Nam, trong thơ có lẽ khó tìm được một bức tranh chính xác đủ đầy đến thế: “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” “trâu bò thong thả cúi ăn mưa”... trong cái “rụng tơi bời” của hoa xoan cũng tràn đầy sức sống: hoa rụng xuống để quả mọc lên tiếp nối cho sự sống rạo rực muôn đời này. Điều này trong thơ quan trọng lắm, đến cả “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” Nguyễn Khuyến tả cảnh miền đồng bằng Bắc bộ cũng “cốt gợi không cốt tả”, vẽ thiên nhiên bằng những nét chấm phá đôi khi còn ước lệ: “Trời thu xanh ngắt mây tầng cao/ Cành trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Nhưng Chiều xuân thì khác, cảnh cứ tràn ra làm mát rượi lòng người, đến những vật tầm thường bé mọn như con trâu con bò, đám cỏ dại cũng hoá thành thơ. Hình ảnh người thôn nữ “cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa” đã vẹn toàn bức tranh Chiều xuân trong một ý ttưởng thật thi vị! Trong Thơ duyên của Xuân Diệu ta cũng gặp một thiên nhiên như thế. Hình ảnh thơ tinh tế vô cùng, không có một tình yêu thiên nhiên tha thiết, nhà thơ khó có thể nắm bắt sự giao hoà của thiên nhiên, đất trời:

“Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá

Thu đến nơi nơi động tiếng huyền

Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu

Lả lả cành hoang nắng trở chiều”

Cảnh vật cũng có đôi có lứa xuân tình biết mấy “chiều mộng” và “nhánh duyên”, trời xanh” và “muôn lá”,... Đặc biệt, “con đường nhỏ nhỏ” và “gió xiêu xiêu”, “cành hoang” và “nắng trở chiều” thì như nghiêng vào nhau, ngả vào nhau giao hoà niềm hạnh phúc sang mùa “xiêu xiêu”, “lả lả”. Nhắc đến mùa thu ai cũng nghĩ thu buồn, ai cũng lặng lẽ nghĩ đến mùa trút lá nhưng thiên nhiên thu trong Thơ duyên tơi tắn, nhẹ nhàng, hữu tình lắm thay!

Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, một bài thơ gắn với một mốì tình dang dở vậy mà thiên nhiên vẫn có lúc sáng bừng sức sống:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Những khổ thơ khác của Đây thôn Vĩ Dạ và bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, dẫu nỗi buồn có ngập tràn, thiên nhiên có trầm xuống u hoài thì vẫn xinh đẹp, mộng mơ làm say lòng độc giả. Hình ảnh “sông trăng”, “sương khói” đến “mờ nhân ảnh” trong thơ Hàn Mặc Tử mơ màng, đẹp đẽ. Hay hình ảnh liễu được nhân hoá trong thơ Xuân Diệu trở nên tình tứ quá: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Thiên nhiên trong Đây mùa thu tới được cảm nhân tinh tế trong mỗi giây mỗi khắc đổi thay

“Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”

Ai bảo thiên nhiên vô tri vô giác, khi đọc những câu thơ trên có lẽ cũng “run rẩy rung rinh” cùng lá thu lúc sang mùa.

Hình ảnh thiên nhiên giàu sức sống, hữu tình và mang đậm hương hồn dân tộc là một cuộc cách mạng mà các nhà thơ mới mang đến cho thi ca Việt Nam và cũng là một dạng vẻ mới cho tấm lòng yêu nước.

Khi đọc những bài thơ như Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Đây mùa thu tới của Xuân Diệu có lẽ ai cũng thắc mắc: sao tuổi trẻ viết thơ mà buồn thế? Tuổi trẻ đang tuổi sống, tuổi yêu thơ phải rạo rực say mê chứ? Xin thưa, rạo rực say mê đã có rất nhiều (ta thường gặp nhất trong thơ Xuân Diệu) nhưng tuổi trẻ mà gặp thời đất nước loạn li thì có vui mãi say mãi được không? Tình yêu, tuổi trẻ là điều thuộc về mỗi cá nhân, mỗi thế hệ nhưng đất nước là cái chung, cái thuộc về mọi người cái có trong mỗi người. Và những người như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu... họ đã buồn cùng nhịp buồn đất nước.

Cảnh thiên nhiên tan tác chia lìa đôi ngả trong Đây thôn Vĩ Dạ gieo vào lòng người mỗi buồn day dứt: “Gió theo lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Gió đóng trong gió, mây khép trong mây tạo nên cuộc chia li đầy đau xót: “gió... gió, mây... mây”. Cái “buồn thiu” của dòng nước thật tội nghiệp, nó bẽ bàng sao ấy!

Còn Đây mùa thu tới của Xuân Diệu thì ngơ ngẩn, băn khoăn. Làm sao chàng trai tuổi hai mươi ây nhìn đâu cũng chỉ đau buồn, cô đơn đến thế “đứng chịu tang”, “tóc buồn... lệ ngàn hàng”, “Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”,... Và nhất là cái xa xăm mơ màng khó hiểu của người thiếu nữ “Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”.

Tình yêu quê hương trở thành tình yêu đất nước

Ta tự hiểu một điều rằng, nỗi buồn của thi nhân là nỗi buồn đồng điệu cùng đất nước, là nỗi buồn thế hệ “Lúc ấy tôi buồn hơn Thôi Hiệu đời Đường” (Huy Cận nói về Tràng giang - một bài thơ u sầu, ảo não). Nhưng cũng cần khẳng định: đó là nỗỉ buồn đẹp, nỗi buồn của lòng yêu nước sâu xa thầm kín. Trong hoàn cảnh ấy, bao nhiêu nhà yêu nước đã lên đường và lần lượt thất bại, Xô-viết Nghệ-Tĩnh vừa bị đàn áp đầm máu, yêu nước nhưng đâu biết phải làm gì? Thanh niên cả nước phần đông ngơ ngác không biết đi đâu về đầu. Nỗi buồn cứ vậy tràn ra.. Đâu cứ phải hét lên rằng tôi yêu nước mới là yêu nước, chính lòng yêu nước sâu sắc, kín đáo ấy là ngọn lửa trong tim để các nhà thơ mới chuyển trọn hồn mình theo cách mạng khi vừa chớm “Mặt trời chân lí chói qua tim”.

Không phải chịu giam hãm trong cảm giác đau buồn, ngơ ngẩn của những thế hệ trước, thời đại ngày nay, lòng yêu nứớc được hiểu một cách rộng rãi và được thể hiện đa dạng, nhiều chiều hướng.

Yêu nước là gì? Nhà văn Ilia Erenbua có một ý văn thật sâu sắc: dòng suôi chảy vào sông, con sông đổ vào biển lớn, tình yêu quê hương trở thành tình yêu đất nước. Vậy tình yêu nước đâu phải điều gì xa xôi. Yêu nước là yêu chính người thân trong gia đình mình, yêu bố mẹ, anh chị,... yêu cái cây trước cửa, yêu con đường đến trường... Lớp lớp, triệu triệu, con người Việt Nam đã từng xả thân hi sinh để bảo vệ những người mình yêu quý, những vật mình thân quen; động lực chiến đấu của họ chính từ tình yêu đối với những gì bình dị nhất.

Bác Hồ vĩ đại của chúng ta từng ngợi ca: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi... nó nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước”, ở một đất nước thường xuyên phải đối mặt với họa xâm lăng như đất nước ta thì một điều dễ thấy thể hiện lòng yêu nước là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đất nước với mỗi người thiêng liêng quá, đó là nơi Tổ tiên ta sinh sống “Đất là nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở”, là nơi cha mẹ gặp nhau "Yêu nhau và sinh con đẻ cái”, là nơi nuôi ta lớn khôn, cho ta nguồn nước uống, cho ta hạt gạo ăn, cho ta những người bạn, cho ta tuổi thơ kí ức... Chao ôi, sao có thể gọi là người nếu không biết yêu thương và bảo vệ nơi thiêng liêng từ trong sâu thẳm tiềm thức ta như thế? Đánh giặc bảo vệ đất nước đã trở thành truyền thống dân tộc ta. Từ chú bé ba tuổi vùng dậy thành dũng sĩ đến những anh hùng Trường Sơn đi cứu nước,... Khi đất nước có giặc ngoại xâm, còn có thể làm gì ngoài việc phát huy truyền thống ấy?

Nhưng cũng không thể hẹp hòi nghĩ rằng phải ra tiền tuyến cầm súng giao tranh với địch mới là yêu nước. Đất nước còn cần hậu phương vững chắc để tiền tuyến ăn no đánh thắng. Bên cạnh việc vinh danh những người con anh dũng nơi sa trường, Tổ Quốc cũng ghi công những anh hùng trong lao động, sản xuất: anh Ngô Gia Khảm, chị Cù Thị Hậu...

Đặc biệt ngày nay, anh hùng trong lao động sản xuất càng được ngợi ca hơn bao giờ hết. Đất nưởc đang chuyển mình, đang vươn lên sánh vai cùng thế giới; đất nước rất cần những bàn tay khối óc lao động và sáng tạo để dựng xây non nước này.

Yêu nước trong thời đại mới cũng có nghĩa là bảo vệ đất nước tránh khỏi những kẻ thù. Kẻ thù nào vậy? Ngoại xâm? Chiến tranh? Một phần là vậy nhưng thời đại mới thì có những kẻ thù mới. Đó là tham ô, quan liêu cửa quyền. Bạn nghĩ gì khi một trong bốn nguy cơ của đất nước hiện nay là nạn tham nhũng? Đó còn là những tệ nạn xã hội đang từng bước đe dọa những mái ấm gia đình. Là những luồng tư tưởng, văn hoá không lành mạnh đang làm hỏng, làm hư một bộ phận những người thiếu bản lĩnh,...

Như vậy song song với việc phát triển kinh tế, chúng ta còn chú ý đến việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá đạo đức dân tộc. Đó là nguồn sức mạnh tiềm ẩn tạo nên nhiều chiến thắng trong quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước.

Cùng lứa tuổi với Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Anh Thơ,... những năm 1932 - 1945, thế hệ thanh niên ngày nay cũng cần làm gì đó để thể hiện lòng yêu nước. Không ồn ào, phô trương nhưng cũng đừng để nó lặn sâu không được thể hiện - nói như Bác Hồ: lòng yêụ nước cần được trưng ra ánh sáng. Vậy ta cằn làm gì để thể hiện lòng yêu nước? Nhiệm vụ cơ bản của thế hệ thanh niên là tôi rèn tri thức, đạo đức phẩm chất cách mạng. Như vậy là bên cạnh việc chú tâm học tập, ta còn cần hãng hái tham gia các hoạt động xã hội, những phong trào vì cộng đồng: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Tự bản thân “miễn dịch” với các luồng văn hoá, tư tưởng không lành mạnh và cũng giúp xã hội thanh lọc văn hoá. Thanh niên với sức mạnh “xoay trời chuyển đất” mà không làm được việc đó sao?

Lòng yêu nước chảy trong huyết quản mỗi con người Việt Nam đã có tự bao đời. Nó đã đang và sẽ tiếp sức cho các thế hệ người Việt bảo vệ, dựng xây non nước đẹp tươi này.

Viết bình luận