Từ một số bài ca dao than thân đã học hoặc đã đọc, hãy phát biểu cảm nghĩ của anh (chị) về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ. (Yêu cầu viết bài văn)

“Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống tràn đầy" (Tố Hữu). Khi xã hội cũ đày đọa thân phận người phụ nữ đến khốn cùng, tủi cực thì thơ dân gian là những tiếng than thân, những lời yêu thương cho họ. Những bài ca dao than thân không khỏi khiến người đọc thấy xa xót, ngậm ngùi mỗi khi đọc lên. Thương cho số phận những người phụ nữ trong xã hội cũ. Tiếc cho những vẻ đẹp hình thể và tâm hồn, những khao khát hạnh phúc mong manh, chấp chới...

Thân em như hột gạo lắc trên sàng

Những bài ca dao than thân nói về số phận người phụ nữ ám ảnh tâm hồn người đọc bởi âm hưởng trầm buồn và những hình ảnh thơ mang tính biểu tượng cao như hình ảnh con cò, trái mù u, dải lụa đào... Đặc biệt là hai tiếng thân em gợi lên sự nhỏ bé, tội nghiệp, đáng thương xiết bao! Thân em là tiếng than về thân phận. Thân em là những nỗi đau trĩu nặng không được giải tỏa. Bởi thế, những câu ca dao gợi sự xót xa, day dứt...

Ta đồng cảm, chia sẻ với những nỗi khổ ngổn ngang trăm mối của họ. Thật đáng thương, người phụ nữa xưa là nạn nhân của xã hội phong kiến. Với tư tưởng trọng nam khinh nữ, số phận của người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào quyền quyết định của người đàn ông: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (Ở nhà thì theo cha, lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết phải theo con trai). Bởi thế, thân em - thân phận người phụ nữ mới bé mọn, trôi nổi làm sao!

- Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

— Thân em như cá giữa rào

Kẻ chài người lưới biết ngày nào ra.

Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Tôi thầm thấy tiếc cho những vẻ đẹp về hình thức và phẩm giá của người phụ nữ lại bị coi rẻ trong xã hội cũ. Họ vốn mang vẻ đẹp tươi tắn, duyên dáng, hiền thảo: dải lụa đào, giếng giữa đàn, hạt mưa rào... Bi kịch thay cái đẹp ấy lại trở thành món hàng để trao đổi: “Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". Cái đẹp như một vật dụng mà kẻ sử dụng là người quyết định tất cả: “Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”.

Ta không khỏi cảm thấy lòng mình trĩu buồn khi thấy người phụ nữ là nạn nhân của những nỗi khổ chồng chất. Không chỉ là nạn nhân của chế độ nam quyền, người phụ nữ còn là nạn nhân của rất nhiều hủ tục phong kiến, trong đó có nạn tảo hôn:

Lấy chồng từ thuở mười ba

Đến nay mười tám em đà năm con.

— Bướm vàng đậu đọt mù u

Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn.

Ta cảm nhận được những xót xa, cay đắng trong từng lời thơ bởi bước chân về nhà chồng với cô gái là bước chân vào một vòng khổ đau không lôi thoát. Hạnh phúc thì xa vời, chỉ có ràng buộc, tủi nhục bế tắc, vô vọng thì ở gần gụi:

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng, như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?

Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Người phụ nữ về nhà chồng còn khổ vì mẹ chồng, vì thân phận con dâu (Tiếng đồn cha mẹ anh hiền! cắn hạt cơm không vỡ, cắn đồng tiền vỡ đôi')... Tuổi thanh xuân của cô như bông hoa bị ngắt khỏi cành, cuộc đời đẫm nước mắt. Tôi nghe như trong câu thơ có tiếng van xin tức tưởi, tội nghiệp của người phụ nữ là nạn nhân của chế độ đa thê, của cảnh làm lẽ mọn, của người bị chồng tình phụ:

Chàng ai phụ thiếp làm chi

Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.

Lấy chồng làm lẽ khổ thay

Đi cấy, đi cày chị chẳng kể công

Tối tối chị giữ mất chồng

Chị cho manh chiếu, nằm không chuồng bò.

Thân anh như manh chiếu rách bạn hàng bỏ quên

Và tiếng kêu uất ức về thân phận làm lẽ mọn ấy có lẽ sẽ còn vang vọng mãi trong thơ Hồ Xuân Hương:

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung (Làm lẽ)

Rồi đến thơ Đoàn Thị Lam Luyến sau này:

Chị thản nhiên mối tình đầu

Thản nhiên em nhận bã trầu về têm

(Chồng chị, chồng em)

Con cò là hình tượng tiêu biểu cho những lầm lụi, vất vả, lặn lội sớm hôm của người phụ nữ:

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Ta xót thương cho những khát khao hạnh phúc nhỏ bé, mong manh, đầy bi kịch. Người con gái đôi diện với tình yêu của mình mà thấp thỏm biết bao lo âu:

Hòn đá đóng rong vì hòn nước chảy

Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

Em thương anh không dám nói ra

Sợ mẹ bằng đất, sạ cha bằng trời

Em với anh cũng muốn kết đôi

Sợ vầng mây bạc trên trời mau tan

Người con gái đã dùng hình ảnh ẩn dụ để kín đáo nói lên tâm sự của mình: hòn đá đóng rong, hòn đá bạc màu, vầng mây bạc mau tan. Thương, kết đôi - những từ chỉ về tình yêu và hạnh phúc của người con gái — bị bủa vây giữa bao nỗi sợ: sợ tuổi xuân qua đi, sợ mẹ, sợ cha, sợ tình yêu mong manh. Nỗi sợ ám ảnh khiến người con gái không thể thanh thản mà đến với hạnh phúc bình dị của mình.

Ta trân trọng ý thức đòi dân chủ và thái độ phản kháng kín đáo nhưng mạnh mẽ của người phụ nữ. Người bình dân đã hào sảng đặt thân phận người phụ nữ ở một địa vị cao hơn, hơn cả thân anh. Thậm chí, họ còn phủ định vai trò tối thượng của người đàn ông trong xã hội cũ. Người phụ nữ cũng có nhu cầu được hạnh phúc, được là chính mình. Bởi thế lắm lúc họ ngang nhiên thách thức:

Thân em như thể xuyến vàng

Thân anh như manh chiếu rách bạn hàng bỏ quên

Thân em như hột gạo lắc trên sàng

Thân anh như hột lúa lép giữa đàng gà bươi

Người phụ nữ trong xã hội ngày nay được giải phóng mọi ràng buộc của chế độ phong kiến. Họ được quyền bình đẳng ngang hàng với nam giới, được khẳng định và đề cao những giá trị của mình.

Thương xót, cảm thông với người phụ nữ trong xã hội xưa, ta càng trân trọng giá trị của cuộc sông ngày hôm nay. Ca dao than thân đã tạo nên một mạch nguồn cảm hứng nhân đạo là cơ sở cho văn học viết sau này tiếp thu và phát triển.

Viết bình luận