Văn nghị luận: Bàn về hám danh và hám lơi

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), một ông quan to của triều Nguyễn, nhà thơ kiệt xuất của đất nước ta trong thế kỉ XIX từng nói về vị thế của kẻ sĩ, của đấng nam nhi giữa cõi đời là “Phái có danh gì với núi sóng”; nếu “Không công danh thời nát với cỏ cây“.

Hám danh

Chỉ có phường giá áo túi cơm, còn hầu như ai cũng muốn lập thân, cũng muốn làm nên công danh sự nghiệp. Tuy vậy, động lực của mỗi người một khác. Có người hiểu danh, nhưng có kẻ lại hám danh, háo danh.

“Hiếu " là ham thích, coi trọng.

Kính yêu và biết ơn cha mẹ, hết lòng săn sóc cha mẹ là hiếu thảo. Siêng năng, chăm chỉ học hành là hiếu học. Hiếu thảo, hiếu học đều mang hàm nghĩa đẹp, tốt.

Trái lại, hiếu danh (có tư tưởng ham danh vọng, tiếng tăm), hiếu chiến (thích gây chiến, đánh nhau), hiếu sắc (mê thích gái đẹp), hiếu sát (thích chém giết), hiếu thắng (thích hơn người), hiếu sự (thích bày chuyện phiền phức),... - đều mang nghĩa xấu.

Còn “hám “ nghĩa là gì? - Hám là ham, muốn đến mức không còn biết phân biệt đáng với không đáng, nên với không nên, gần như mang tính bản năng; như hám của, hám danh, cá đói tham mồi,...

Chữ “háo“ gần nghĩa với chữ “hám“. Hám nghĩa là rất ham, rất thích đến mức hầu như không còn nghĩa gì khác, thật đáng chê trách; như háo danh, háo sắc, háo của, háo chuyện,... Vì “khát“ mà “háo“\

Trong cuộc sống, ta thường bắt gặp nhan nhản đủ mọi loại người hiếu danh và hám danh. Những việc làm “ổn ào“ của họ gây ra nhiều khó chịu cho nhiều người. Danh thường gắn liền với lợi; hám danh xét cho cùng là hám lợi. Có danh, có chức quyền nên mới có nhiều lợi lộc, bạc vàng. Những kẻ hiếu danh, hám danh, về tài thì hạn chế, về đức thì lèm nhèm, méo mó; còn lòng tham thì vô độ.

Kẻ hiếu danh và hám danh không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào như xài bằng giả, sử dụng bằng giả, chạy khen thưởng, chạy chức, ra sức lũng đoạn đục khoét tiền của nhà nước, móc túi của dân. Vì hám danh, háo danh, hễ thấy lợi, thấy vàng, thấy đô-la thì lao vào như con bạc khát nước, con thiêu thân lao vào ánh đèn. Chẳng có tài cán gì, đức độ gì nhưng kẻ hám danh, ham lợi dùng đủ mọi trò ma quái để đánh lừa đồng loại. Bản chất, bản tính “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê “ nhưng chúng đóng kịch rất giỏi về sự trong sạch, về cần kiệm liêm chính,... để lừa bịp đồng loại.

Một Phó bí thứ tỉnh uỷ nọ lấy của công mấy nghìn đô-la để mua bằng giả; bằng “Tiến sĩ“ ngoại rởm bỏ túi chi trong vòng sáu tháng, thật, “nhanh hơn tên lửa “\ Một Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ kia tạo dựng mọi giấy tờ giả, biên bản giả để kiếm cái Huân chương lao động hòng đeo lên ngực cho oai! Một Chủ tịch huyện sao “ăn đất khoẻ“ rứa! Bộ mặt kẻ hám lợi bị vạch mặt, tay bị còng, bị đẩy vào nhà đá mà ngồi “bóc lịch “ những năm dài! Và còn bao quan chức hám danh, hám lợi, làm xằng làm bậy mà chưa bị vạch mặt!

Hám lợi

“Trời mưa mau tối, nói dối mau cùng”, “giấu đầu hở đuôi", “một lời nói dối sám hối chín ngày”, “tham thì chết”,... là những câu tục ngữ nói lên cái hậu quả bi thảm của thói nói dối bịp bợm của kẻ hám danh, hám lợi.

Chạy chức, chạy quyền vì hám danh, hám lợi. Ngày xưa, bọn lí dịch quan lại cố chạy vạy thầy thợ, cố lo lót quan trên để được cái Cửa phẩm, cái mề-đay, thế là vênh vang mày mặt! Bọn cán bộ biến chất ngày nay, hoặc chạy chức, chạy bằng giả, chạy khen thưởng, để tiến thân mà nghễu nghện với đời, mà vinh thân phì gia. Lũ ấy đều đáng khinh bỉ.

Thế gian rất công bằng, sáng suốt. Người có tài đức lập nên công danh sẽ được nhân dân ngưỡng mộ, tôn vinh. Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, năm 2010, tròn 38 tuổi đã nhận giải thưởng Fields - được xem là giải “Nobel Toán học” Anh đã được nhân dân ta và báo chí ngợi ca, Đảng và Nhà nước trọng vọng. Anh đã làm rạng rỡ đất nước và dân tộc.

Phải tu thân, rèn trí, luyện đức để lập nên công danh, sự nghiệp. Hám danh, hám lợi, tha hoá về lối sống, về nhân cách sẽ bị đồng loại khinh bỉ. Hai chữ “xuất - xử” là phương châm ứng xử của ông cha, của những bậc hiền tài. Gặp thời thì đem tài năng ra giúp vua, giúp nước, lập công danh. Không gặp thời thì lui về mái nhà gianh, với suối rừng, làm bạn với trăng thanh, gió mát. Xưa, Nguyễn Trãi đã lui về Côn Sơn, Nguyễn Bình Khiêm đã dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân. Đâu có chuyện chữa năm sinh, để mua chức, bán quyền, không chịu về hưu! Người có tài đức mới biết lẽ “xuất - xử”. Còn bọn hám danh, hám lợi sao mà biết được! Nhân cách như lợn sề, tâm địa như sói, cầy thì làm sao mà biết hổ thẹn?

Xã hội, đất nước ngày một đổi mới. Người người ra sức làm ăn, kinh doanh để làm giàu, góp phần làm cho đất nước phú cường, nhân dân được yên vui hạnh phúc. Trong hoàn cảnh ấy, trong xu thế đi lên của lịch sử, bàn luận về chuyện hám danh, hám lợi để rút ra bài học làm người, để mỗi chúng ta phấn đấu, tu dưỡng mà sống tốt đẹp hơn thật là lí thú.

Viết bình luận