Văn nghị luận: Là ánh nắng, là khí trời nuôi em khôn lớn

1. Hồi đó, trong một lần dự giờ, tôi nhận thấy một cậu bé buồn thiu trong lớp học. Hóa ra em mới chuyển vào lớp này. Nhưng không phải lớp mới, bạn mới làm cho em khép mình lại. Mà chính là cái lớp chọn với đa số là con em của các cán bộ làm việc trong viện nghiên cứu khoa học đã làm cho người bạn mới này mất tự tin. Bố mẹ em đều là công nhân nghèo, em nghĩ là người ta đã chọn nhầm thực tế mà em khó mà đủ sức để theo học lớp này, khi mà ba mẹ em chẳng thể kèm cặp giúp em được chút gì.

2. Không biết là tôi đã giải thích với em những gì. Hình như tôi đã kể về trường hợp cô bé bán khoai thi đỗ 3 Trường Đại học, em ấy cũng chẳng có bố mẹ kèm cặp. Tôi cũng kể cho chuyện những người mẹ quê chân chất, chưa đọc thông viết thạo mà vẫn nuôi con thành tiến sĩ. Rất nhiều người mẹ như vậy, đất nước phải chịu ơn, ngài Thủ tướng phải cảm ơn, và Bộ Giáo dục cũng phải cảm ơn họ. Đâu phải nói để an ủi em. Có một thực tế là nhiều gia đình trí thức, danh giá, giàu có nhưng nuôi con không thành tài, không bằng những người mẹ nghèo, thất học.

Nuôi em khôn lớn

3. Chuyện đó lạ mà không lạ. Em thử xem, em nhớ về cô giáo nào nhất trong kỉ niệm thời đi học của em? Chúng ta đến trường là để thu nạp kiến thức. Có vẻ như logic này khiến chúng ta sẽ nhớ nhiều đến những cô giáo giỏi, người có khả năng truyền thụ cho chúng ta nhiều kiến thức học hành hơn. Thế nhưng không hẳn vậy, chúng ta cũng rất nhớ những cô giáo hồn hậu, yêu thương học trò, đôi khi chính họ mới là người ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta, đánh thức năng lực học hành trong chúng ta. Có lúc nào bạn đã thực sự băn khoăn về điều này không: Vì lẽ gì mà những cô giáo hiền hậu không phải giỏi nhất về chuyên môn lại có tác dụng nhiều đến việc học tập của ta, lại có thể khiến ta nhớ nhiều về người hơn khi đã xa?

4. Cho đến hôm nay, giữa thời đại kinh tế tri thức, sự thông minh và kiến thức có thể đem lại nhiều thứ, đặc biệt là giá trị kinh tế, tiền bạc. Thế nhưng rất nhiều chàng trai khi chọn người bạn đời họ cũng chú ý tiêu chí "thảo hiền" trước cả sự thông minh sắc sảo, và sự cân nhắc này có lẽ sẽ còn mãi cả về sau này nữa. Họ đã sai? Họ quá cổ điển? Hay họ mặc cảm trước sự thua kém?

5. Sự lí giải của cố nhân, kinh nghiệm của những người thông thái nói rằng, những cây non muôn lớn lên thì cần phải dưỡng chất, cần phân bón, cần độ phì của đất. Những cô giáo sắc sảo thông minh truyền đạt kiến thức sẽ mang đến những dưỡng chất ấy. Nhưng, cây muốn lớn lên còn cần phải có ánh nắng, cần không khí đó. Sự nồng ấm tình cảm từ những cô giáo hồn hậu chính là ánh nắng, là không khí đó. Từ đó mà sức sống thêm mạnh. Từ đó mà có những người mẹ thất học đạt danh hiệu dạy giỏi, những người mẹ nghèo đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân. Từ đó mà có rất nhiều những cô giáo hiền từ nhân đức làm nền móng xây nên nhân tài. Từ đó mà vẫn mãi mãi có nhiều chàng trai lựa chọn người vợ thảo hiền. Và chính cậu bé ngồi buồn trong lớp học ấy về sau cũng đã thi đỗ cả 3 trường Đại học.

Viết bình luận