Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) - một tiếng khóc bi tráng

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết về tác giả Nguyễn Đình Chiểu: đó là “vì sao có ánh sáng khác thường” và “càng nhìn càng thấy sáng”. Ánh sáng bao quanh vì sao ấy có sự góp phần của vầng hào quang lòng yêu nước thương dân tha thiết.

Nguyễn Đình Chiểu đã đặc biệt dành cho người nông dân một vị trí trang trọng hiếm có trong sự nghiệp sáng tác của mình. Nổi bật có thể nhắc đến tiếng khóc bi tráng trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc”.

“Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” tế vong linh những người nghĩa sĩ nông dân đã tham gia tấn công đồn giặc Pháp ở cần Giuộc

“Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” tế vong linh những người nghĩa sĩ nông dân đã tham gia tấn công đồn giặc Pháp cần Giuộc đêm 14/12/1861. Có thể nói, đây là lần đầu tiên người nông dân đi vào thơ ca với tư cách người nghĩa binh chống giặc cứu nước. Và qua đó, Nguyễn Đình Chiểu đã rỏ giọt lệ khóc thương mà ngợi ca những con người anh dũng ấy.

“Bi tráng” là vừa đau thương vừa hùng, tráng, đây, “tiếng khóc bi tráng” là tiếng khóc cảm phục tinh thần người nghĩạ sĩ nông dân và cũng là tiếng khóc xót thương vì sự mất mát quá lớn lao của những con người ấy.

Cuộc chiến đấu của những người nghĩa sĩ nông dân bị đàn áp, bị thất bại. Đó là cái “bi” ai cũng nhìn thấy. Song, “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” còn đồng cảm đến tận cùng với nỗi thương đau trĩu nặng của họ.

Giặc Pháp sang xâm lược “súng giặc đất rền” người nông dân đương nhiên phải chịu đau chịu khổ đầu tiên. Trước đây họ vẫn luôn “toan lo nghèo khó” - cuộc sống vốn vất vả lầm than. Nay giặc sạng làm nhục quốc thể, bóc lột sức dân, người nông dân phải tự đứng lên khởi nghĩa. Họ đã rơi vào bi kịch bị quan quân, triều đình bỏ rơi, phải một mình chống cự với quân thù.

Đơn độc trong cuộc chiến, họ thiếu thốn về mọi mặt: kinh nghiệm, quân trang, quân dụng “chẳng phải quân cơ, quân vệ” “ngoài cật có một manh áo vải”, họ đánh giặc bằng những vũ khí quá đỗi thô sơ “rơm con cúi” “dao phay”,... Chao ôi! Trong khi giặc Pháp là “đạn nhỏ, đạn to” “tàu thiếc, tàu đồng”,... Xét về lực lượng, họ kém giặc Pháp quá nhiều. Sự yếu thế trong cuộc chiến của họ thật đáng thương.

Bi kịch cuối cùng là điều ai cũng thấy: Những người nghĩa sĩ nông dân phải bỏ mạng chốn xa trường. Họ ra đi để lại muôn vàn mất mát “Đoái sông cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng, nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”.

Chưa hết, những người nghĩa sĩ, họ vốn là trụ cột trong gia đình, nay họ ra đi bỏ lại vợ goá con côi mẹ già con dại. Tình cảnh thảm thương không sao kể xiết: “Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều... vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”,... Hình ảnh “ngọn đèn khuya leo lét” “cơn bóng xế dật dờ trước ngõ” gợi cái tang thương khổ đau, mất mát đến tột cùng. Không chỉ những cây lớn đã mất đi mà cả một rừng cây đang ngả nghiêng chực gục ngã.

Là một bài văn tế, nỗi đau xót trong lời văn được bộc lộ trực tiếp xen lẫn những hình ảnh, những sự việc càng khiến nỗi đau như cứa vào tim: “Ôi thôi thôi!”, “Đau đớn bấy!”, “Não nùng thay!”.

Cái “bi” của bài văn tế nằm ở sự thất thế của những người ôm mộng lớn: mộng đánh giặc cứu nước. Nhưng cái “bi” cũng chỉ là đường viền để Nguyễn Đình Chiểu ngợi ca cái hùng tráng, oanh liệt của người nông dân nghĩa sĩ.

Không hùng tráng sao được khi những người nông dân vốn chỉ là cỏ nội hoa hèn đối với xã hội phong kiến; chỉ là thân phận “dãi thây trăm họ làm công một người” trong lịch sử; chỉ là những cái bóng mờ nhạt hư ảo, những con sen thằng ở trong văn học, cuộc đời... nay họ trở thành đô'i tượng để ghi công, để ngợi ca, để khẳng định.

Lịch sử xã hội, lịch sử văn học chưa bao giờ ghi nhận công lao người nông dân với tư cách là người sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống xã hội trong khi hết lời ngợi ca những kẻ vua quan, trong đó có cả những tên ăn không ngồi rỗi. Thì nay Nguyễn Đình Chiểu đã nhìn rõ vai trò lịch sử ấy: “công vỡ ruộng” “cui cút làm ăn”. Nhà thơ cũng khẳng định điều thiệt thòi lớn ấy của người nông dân “Mười năm công vỡ ruộng, chưa chắc còn danh nổi tợ phao”. Người nông dân, họ như thân cây nhỏ, trăm nghìn cây nhỏ trở thành rừng. Họ là lực lượng chính sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống xã hội.

Cuộc chiến đấu của những người nghĩa sĩ nông dân bị đàn áp, bị thất bại

Chưa hết, trong mọi cuộc chinh chiến, người ta nhớ công các vị tướng mà bỏ quên máu xương những binh lính can trường. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã cúi xuống nâng lên những vì hoa ấy.

Lòng yêu nước của người nghĩa sĩ thật cảm động, nó thậm chí không thể có được ở những bậc quân vương đương thời. Tình yêu đất nước hoà với tình yêu làng quê, tiên tổ. Thấy giặc sang họ sục sôi căm giận “muốn tới ăn gan” “muốn ra cắn cổ”. Đỉnh cao của ý thức là hành động. Họ tình nguyện lập quân khởi nghĩa “Nào đợi ai bắt ai đòi” “phen này xin ra sức đoạn kình”.

Mạnh mẽ trong ý chí, họ còn can trường quả cảm trong chiến đấu. Và đó chính là giây phút hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ sáng loà trên bầu trời văn học dân tộc.

Thua kém giặc về mọi thứ nhưng tinh thần chiến đấu của họ thật phi thường. “Hoả mai” bằng "rơm con cúi” thô sơ là vậy mà “đốt xong nhà dạy đạo”, “dao phay” quen băm lục bình, chặt củi “chém rớt đầu quan hai”. Đó là hình ảnh châu chấu đá đổ xe đầy giòn giã. Tiếp nữa, hình ảnh họ xả thân sống mái với quân thù thật oanh liệt, hùng tráng “đạp rào lớt tới”, “xô cửa xông vào” mặc quân thù “bắn đạn nhỏ đạn to”. Tinh thần quả cảm ấy khiến quân thù “hồn kinh” phách tán.

Những người nghĩa sĩ cần Giuộc anh hùng, tinh thần của họ là tinh thần ngàn năm đâ't nước gieo mầm'hun đúc. Đến lượt mình họ khiến chúng sáng bừng rực rỡ. Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng tinh thần ấy không mất đi, họ được thần chết gieo mầm để tái sinh trong linh hồn, trong tiềm thức, trong ý chí những anh bộ đội cụ Hồ kiên cường của thời đại chúng ta.

Với bức tranh công đồn oai hùng, quả cảm lần đầu tiên trong lịch sử văn học, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên tượng đài về người nông dân nghĩa sĩ, khẳng định vai trò công lao của họ trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc.

Chưa hết. Dẫu đã lìa trần, nhưng họ “sống đánh giặc” thì “thác vẫn đánh giặc” để “linh hồn theo giúp cơ binh”. Người ta làm việc nghĩa những mong khi chết đi linh hồn được tới cõi Niết Bàn, hay về với Chúa nhưng người nghĩa sĩ cần Giuộc thì không. Thể xác lẫn linh hồn họ hiến dâng vẹn tròn cho Tổ quốc. Sự dâng hiến cảm động chỉ có ở những tâm hồn cao thượng đẹp đẽ nhất.

Bài văn tế là “tiếng khóc bi tráng” nhưng có mất mát nào là không đau thương? Chỉ có sự oanh liệt; hào hùng không phải ở đâu cũng có vậy hãy để hình ảnh can trường, quả cảm của người lính cần Giuộc ngân vàng mãi mãi trong lòng ta.

Viết bình luận